Bài 3: Góc khuất trên những mỏ cát được cấp phép
Việc dẹp loạn 'cát thổ phỉ' trên những dòng sông là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, bởi không có địa chỉ rõ ràng, bạ đâu múc trộm đó. Tuy nhiên ngay cả những mỏ cát được cấp phép khai thác, có địa chỉ cụ thể thì vẫn có những góc khuất đáng ngờ…
Góc khuất từ khâu đấu thầu
Việc đấu thầu nói chung và đấu thầu trong lĩnh vực cát nói riêng… luôn “gây tranh cãi” từ nhiều năm qua. Có những hoài nghi về tính minh bạch, thậm chí những chiêu trò trong đấu thấu. Câu chuyện gây chấn động dự luận về vụ đấu thầu một mỏ cát trên sông Tiền (đoạn Chợ Mới, An Giang) là một ví dụ.
Vào đầu tháng 3/2021, tỉnh An Giang tổ chức đấu thầu 2 mỏ cát, có tổng cộng 35 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia. Theo đó, mỏ trên sông Hậu đoạn chảy qua xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng; và mỏ trên sông Tiền khu vực xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng. Theo đánh giá, mỏ cát trên sông Hậu có trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3 và mỏ cát trên sông Tiền có trữ lượng khoảng 3 triệu m3.
Kết quả, một Công ty ở TX Tân Châu trúng đấu giá mỏ cát trên sông Hậu với mức giá 273 tỉ đồng, tăng 62 lần so với giá khởi điểm và Công ty T. ở TP.HCM trúng thầu mỏ cát trên sông Tiền với số tiền lên đến trên 2.811 tỉ đồng, tăng gần 400 lần so với giá khởi điểm.
Sự kiên Công ty T. “đẩy” giá mỏ cát từ 7,2 tỷ đồng lên 2.811 tỷ đồng, tăng gần 400 lần so với giá khởi điểm đã gây chấn động trong giới kinh doanh cát và dư luận xã hội.
Sau khi có kết quả đấu thầu, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang đã lên tiếng với báo chí, cho rằng: So với kết quả trúng đấu giá của những kỳ trước, kết quả trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân tăng 390 lần là cao “bất thường” so với các mỏ đã đấu giá trước. Tuy nhiên, công tác đấu giá khu mỏ nêu trên đã được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy định, đúng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản của Luật Đấu giá Tài sản năm 2016 và Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Tại thời điểm đó, có rất nhiều câu hỏi câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ đấu giá bất thường này: Giá trúng thầu cao từ 62 lần đến gần 400 lần (ở 2 mỏ) so với giá khởi điểm, vậy, việc định giá khởi điểm có phù hợp thực tế? Việc đưa ra giá khởi điểm quá thấp sẽ có lợi cho ai?...
Mua cát giá cao, xuất hóa đơn giá thấp
Trong vai một doanh nghiệp ngành xây dựng, tôi trực tiếp đi tới các mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu. Tay “cò” cát tự giới thiệu tên là Ba Đen, nhìn tôi đầy nghi ngờ nói: Ông ở miền ngoài mời vào hả? Ở đây làm ăn người ta có mối lái quen biết rồi, cứ ra báo khối lượng cần mua là bọn tôi xếp lịch cho lấy hàng. Có những việc ông chủ mỏ cát không quyết được, chẳng hạn như cũng là cát trong một mỏ, nhưng muốn lấy cát đẹp, lấy nhanh thì phải “biết điều” với anh em. Bây giờ ông thích thì lên ghe đi với tôi dạo một vòng cho biết rồi sau đó tình chuyện mua bán…
Ghe chạy khoảng 5km, đoạn sông Tiền chảy qua địa phận huyện Chợ Mới (An Giang). “Cò” Ba Đen kêu “ghé zô”. Đại diện chủ mỏ cát nhảy xuống từ một sà lan khoảng 1.00m3 ra ký hiệu nhận tiền và nói: “Vẫn giá cũ, 115 ngàn một mét khối, ông anh cho thêm tiền "cần" và tiền "tài" luôn nhé. Trong lúc 2 bên đưa, nhận tiền tôi quan sát thấy có rất nhiều ghe, tàu sà lan các loại vây quanh mỏ cát chờ "ăn hàng".
Thấy tôi băn khoăn, “cò” Ba Đen giải thích: Ở đây, mua bán trên sông này là phải tiền tươi. Giá bán tại mỏ là 115 ngàn một mét khối, còn giá bán ra tại các vựa ở các tỉnh như Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau… hiện ở mức 265 ngàn một khối. Người mua cát họ phải chi phí tiền vận chuyển, tiền “tài”, rồi tiền “cần”… Tay “cò” giải thích: Tiền “tài” là xếp hàng để lấy cát, còn tiền “cần” là tiền mấy thằng nó múc cát cho ông. Muốn múc cát lên nó nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến thân ghe, tàu; muốn có cát đẹp thì phải “bo” cho anh em. Tùy theo tàu lớn tàu nhỏ, thấp nhất là 2 triệu, cỡ 100 tấn thì 5 triệu một lần. Tiền phải đưa qua tôi. Tôi sống bằng tiền này, ông chủ không trả lương, tất nhiên cũng phải đệ tử ruột mới được giao nhiệm vụ này.
Còn ông muốn lấy hóa đơn thì phải tìm gặp ông chủ mỏ cát, nhưng hóa đơn chỉ ghi giá 90 ngàn một mét khối thôi nhé. Chưa hết, khi nhận hóa đơn ông còn phải trả thêm 18 ngàn trên một mét khối cát cho ông chủ. Tiền gì tôi không biết, “luật” ở đây là như vậy. Mà sao ông hỏi nhiều giống như nhà báo vậy?, “cò” Ba Đen hỏi đầy hoài nghi.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh sai phạm
Tại “Thông báo kết luận thanh tra” số 1654/TB-TTCP ngày 20/7/2023 của Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu tỉnh An Giang: Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch khai thác cát và khoanh định lại khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác cát để thực hiện việc lựa chọn hoặc tổ chức dấu giá theo đúng quy định của Luật Khoáng sản 2010, Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thu hồi các giấy phép khai thác cát đã cấp mới sau ngày 01/7/2011 và các giấy phép được cấp từ trước ngày 01/7/2011 nhưng được gia hạn sau ngày 01/7/2011 còn hiệu lực hoạt động (ngoại trừ các giấy phép được cấp thông qua đấu giá) mà không chỉ định cung cấp phục vụ cho các công trình theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ hoặc xem xét việc cấp giấy phép điều chỉnh (nếu đủ điều kiện theo quy định) để cung cấp cát cho các công trình theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu: Rà soát, thực hiện các thủ tục xác định và thu tiền thuê đất mặt nước đối với các tổ chức khai thác cát theo quy định tại Điều 152 Luật Đất đai năm 2013 và các quy định khác có liên quan. Khẩn trương xác định giá đối với tài nguyên bùn sét, làm cơ sở để xác định và thu tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên và các loại thuế, phí khác theo đúng quy định đối với các tổ chức được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh.
Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Thuế có hình thức định kỳ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán, việc kê khai nộp thuế... của các tổ chức được cấp phép khai thác cát lòng sông; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai thác cát sông tại các địa phương trong cả nước theo đúng Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ đề nghị: Bộ Tài nguyên và Môi Trường nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc kiểm kê trữ lượng khoáng sản và việc theo dõi, giám sát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác, đặc biệt là tại các khu vực cấp phép khai thác cát lòng sông.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-3-goc-khuat-tren-nhung-mo-cat-duoc-cap-phep.html