Bài 3: Kế thừa, phát huy giá trị thực tiễn ở các địa phương

Tầm nhìn xa, trông rộng thể hiện trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, khơi dậy khát vọng đi lên bằng văn hóa, từ văn hóa đã được các địa phương kế thừa, phát huy, vận dụng linh hoạt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo

Trong 80 thực hiện Đề cương văn hóa, 35 năm đổi mới, Đảng bộ TP Hà Nội đã có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, là TP đi đầu cả nước trong việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của T.Ư về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Đến nay, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là kỳ đại hội thứ 8 sau đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ TP Hà Nội đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô. Nhận thức về vị trí của văn hóa trong xã hội được phát triển qua từng giai đoạn.

Lễ hội Xuân tại Điện Kính Thiên, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

Lễ hội Xuân tại Điện Kính Thiên, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, khi cả nước chuyển đổi cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất của Nhân dân, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới”. Việc xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh của sự phát triển chưa được định hình rõ nét, do chưa ý thức hết được việc chăm lo đời sống tinh thần sẽ góp phần khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận thức về sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô tiếp tục được nâng lên qua Đại hội XI, XII, nhất là năm 1998, khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 13 nhằm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII, cụ thể: Phấn đấu xây dựng, phát triển văn hóa Hà Nội trở thành một bộ phận tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa thẩm thấu vào mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, mọi thành viên của cộng đồng dân cư, lấy văn hóa là mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã đem lại nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển Thủ đô.

Qua các kỳ đại hội, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục khẳng định nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội được nâng lên, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của nhiệm kỳ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm lý luận của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, quyết tâm hiện thực hóa mục đích, ý nghĩa, cũng như những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII), đặc biệt trong lĩnh vực phát triển văn hóa, cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền; nhanh chóng khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong công tác triển khai; đề cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu các địa phương, đơn vị, tính gương mẫu, tự giác trong việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên.
Tiếp tục đổi mới cách làm, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và có các giải pháp khắc phục hiệu quả những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình, nghị quyết, cũng như có các giải pháp bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ mới và khó mà TP đã xác định, như việc triển khai chiến lược “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với thực hiện các cam kết của Hà Nội tham gia mạng lưới các “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO.
TP Hà Nội đã tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực này, gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố Sáng tạo”, xây dựng “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trọng tâm là việc tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của T.Ư, Thành ủy Hà Nội về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phát huy giá trị văn hóa

Tại Hội thảo nhân kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam", ngày 27/2/2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đưa ra giá trị thực tiễn của Đề cương văn hóa Việt Nam khi áp dụng vào các địa phương.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, vận dụng ba nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được nêu ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam là "Dân tộc hóa", "Khoa học hóa, "Đại chúng hóa"... cùng với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến văn hóa.

Ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ: Nằm trong lòng của "một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị", phần lớn các di tích của Huế đều là những kiến trúc nghệ thuật được bố trí hài hòa với thiên nhiên trong những không gian rộng lớn, việc chỉnh trang đô thị cũng được Huế triển khai đồng bộ và quyết liệt, nâng cấp các trục đường giao thông nội thị; chỉnh trang, tôn tạo 2 bên bờ sông Hương, nạo vét sông Ngự Hà và tu bổ kè Hộ Thành Hào; giải tỏa dân cư ở các khu vực di tích (Thượng Thành và Eo Bầu), từng bước trả lại các giá trị cảnh quan vốn có của Cố đô Huế.

Hoạt động lễ hội thường xuyên được thực hiện, như: Lễ Phật đản, Vu Lan, Thành đạo, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ cầu quốc thái dân an, Lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đại lễ cầu siêu các Anh hùng liệt sĩ, cử 9 hồi Đại hồng chung nhân ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7 hằng năm tại các tự viện, trình diễn vũ hội lục cúng hoa đăng.

Dưới ánh sáng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" và đường lối văn hóa của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những nỗ lực cao nhất và những lợi thế sẵn có của mình, đặc biệt là trong bối cảnh toàn tỉnh đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-TW/NQ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên nền tảng bảo tồn di sản văn hóa và bản sắc văn hóa Huế, Huế đã và đang hành động theo hướng cân bằng và kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững để góp phần bảo vệ và lan tỏa, phát huy các giá trị của các di sản, nhất là di sản đã được UNESCO ghi danh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.

Dường như có một sự tương đồng giữa tính chất của thời điểm biên soạn Đề cương và bối cảnh hiện nay. Đất nước đang đứng trước những vận hội mới; vận hội đó đang một lần nữa yêu cầu nhận chân vai trò của văn hóa, đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa thực hiện những trọng trách của mình đối với sự phát triển của đất nước. Trước làn sóng toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng, trước áp lực mạnh mẽ của kinh tế thị trường và tác động của những biến đổi trên thế giới đến sự phát triển đất nước, việc kiên định dựa trên ba trụ cột “dân tộc - đại chúng - khoa học” trong kiến tạo nguồn lực nội sinh và bản sắc văn hóa dân tộc nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người dân luôn là một vấn đề có ý nghĩa thời sự.
PGS.TS Trần Thị An - Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học quốc gia Hà Nội

Trong tham luận "Vận dụng tư tưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở tỉnh Nam Định”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh cũng cho biết, tỉnh Nam Định đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có nhà văn hóa; 100% thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm phát triển, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Theo ông Lê Quốc Chỉnh, phát huy những kết quả đã đạt được và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh - Người soạn thảo bản Đề cương văn hóa Việt Nam; trong thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển văn hóa; để văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh, phát triển bền vững.
(Còn nữa)

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-3-ke-thua-phat-huy-gia-tri-thuc-tien-o-cac-dia-phuong.html