Bài 3: Kết nghĩa keo sơn, giúp đỡ chí tình

Truyền thống quan hệ đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ chí tình giữa Việt Nam-Campuchia được thể hiện sinh động ở địa bàn biên giới Tây Nam qua những mô hình, hoạt động ý nghĩa, như: Tổ chức kết nghĩa đồn-trạm, xã-xã đối diện; cử đoàn thầy thuốc sang nước bạn khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà; giúp bạn xây dựng các cụm, tuyến dân cư; hỗ trợ học bổng 'Nâng bước em đến trường'...

Những mô hình này đã nhân lên tình đoàn kết anh em giữa nhân dân hai nước ngày càng gắn bó keo sơn, cùng nhau giữ biên giới ổn định, bình yên, phát triển.

Hiệu quả từ mô hình kết nghĩa đồn-trạm

Những năm qua, hoạt động kết nghĩa, phối hợp giữa các lực lượng vũ trang hai nước đạt kết quả nổi bật, hiệu quả, thiết thực. Ở tuyến biên giới Tây Nam, BĐBP tỉnh Bình Phước là đơn vị đầu tiên thực hiện ký kết nghĩa giữa đồn-trạm biên phòng Việt Nam với các đơn vị bảo vệ biên giới của nước bạn Campuchia. Mô hình kết nghĩa giữa Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Hoa Lư (BĐBP tỉnh Bình Phước) và Tiểu đoàn 204 (Tiểu khu Quân sự tỉnh Kratíe, Campuchia) sau đó đã lan tỏa trên toàn tuyến biên giới. Hoạt động kết nghĩa mang lại hiệu quả trên các mặt hợp tác, giao lưu; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn biên giới. Thượng tá Ninh Hồng Tuấn, Đồn trưởng Đồn BPCK Phước Tân (BĐBP tỉnh Tây Ninh), cho biết:

- Hoạt động giao lưu, kết nghĩa, thắt chặt quan hệ đồn-trạm hai bên biên giới có ý nghĩa rất thiết thực, nâng cao hiệu quả phối hợp giải quyết các vấn đề chung, cụ thể ở từng địa bàn. Điều này cũng thể hiện mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên. Nhờ mối quan hệ được vun đắp, nghĩa tình nên thời gian qua, cả đơn vị chúng tôi và đơn vị bạn là Đồn Công an Cửa khẩu Bos Mon, xã Bos Mon, huyện Rom Doul, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia luôn tự giác tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận, các biên bản ghi nhớ, quy chế phối hợp. Hoạt động tuần tra song phương giữa hai bên theo đúng kế hoạch, duy trì tốt kênh trao đổi thông tin, phối hợp quản lý cửa khẩu, đấu tranh với các loại tội phạm. Trong phòng, chống dịch Covid-19, hai bên thống nhất các phương án tuần tra, kiểm soát, phòng dịch tốt nhất. Kênh trao đổi gián tiếp qua điện thoại, đường dây nóng được duy trì thường xuyên để thông báo tình hình biên giới, dịch bệnh...

 Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân hai bên biên giới Việt Nam-Campuchia.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân hai bên biên giới Việt Nam-Campuchia.

Tìm hiểu hoạt động kết nghĩa đồn-trạm hai bên biên giới, chúng tôi thấy nội dung hai bên thống nhất thực hiện rất thiết thực, như: Trao đổi thông tin, tình hình biên giới; tuyên truyền người dân chấp hành tốt các hiệp nghị, hiệp định về biên giới; tăng cường quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự; phối hợp, hỗ trợ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao...

Trung tá Lê Trọng Tình, Đồn trưởng Đồn BPCK Mỹ Quý Tây (BĐBP tỉnh Long An) có nhiều năm gắn bó với tuyến biên giới huyện Đức Huệ, nơi được ví là “điểm nóng” buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép. Câu chuyện anh chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu trong những năm qua có một phần rất quan trọng nhờ vào tình đoàn kết, kết nghĩa giữa nhân dân và các LLVT của hai bên biên giới. Đồn BPCK Mỹ Quý Tây kết nghĩa với Tiểu đoàn Bảo vệ biên giới 201 thuộc Tiểu khu Quân sự tỉnh Svay Rieng. Xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An (Việt Nam) kết nghĩa với xã Sam Raong, huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng (Campuchia). Người dân và LLVT hai bên cung cấp thông tin về tội phạm, buôn lậu, xâm hại cột mốc biên giới để kịp thời xử lý, ngăn chặn. Dịch Covid-19 bùng phát khiến tạm dừng hội đàm, gặp gỡ trực tiếp nhưng không vì thế mà kết quả phối hợp bị giảm. Từ đầu năm 2020 đến nay, Đồn BPCK Mỹ Quý Tây tuần tra, phối hợp với phía bạn bắt giữ 113 vụ buôn lậu, thu giữ 180.200 gói thuốc lá ngoại; 4 xe ô tô, 24 xe máy và 45.200 khẩu trang y tế; phát hiện, xử lý, cách ly 313 người xuất nhập cảnh trái phép...

Kết nghĩa dân cư, giúp đỡ chí tình

Truyền thống hữu nghị, sự giúp đỡ chí tình của quân và dân Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot đã đi vào lịch sử hai nước. Giờ đây, tình cảm và sự giúp đỡ ấy được biểu hiện sinh động bên đường biên, cột mốc biên giới Tây Nam. Nhiều khu dân cư, địa phương cấp xã hai bên biên giới đã kết nghĩa, cùng nhau giữ bình yên, phát triển kinh tế. Lực lượng BĐBP ở tuyến biên giới Tây Nam đã tham mưu cho địa phương kết nghĩa với các xã, khu dân cư phía bạn, củng cố sự đoàn kết gắn bó bền chặt. Mô hình kết nghĩa xã-xã hai bên biên giới xuất hiện đầu tiên ở tỉnh Long An, đã trở thành mô hình sáng tạo trong công tác dân vận, trở thành cầu nối đưa người dân hai nước láng giềng thêm gần gũi. Đến nay, tỉnh Long An đã có 20/20 xã biên giới tổ chức kết nghĩa với 17/17 xã biên giới tiếp giáp của nước bạn Campuchia.

Tại tỉnh Bình Phước, BĐBP tỉnh đã tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức cho 7 khu dân cư biên giới ký kết giao lưu, kết nghĩa với 4 cụm dân cư nước bạn Campuchia. Tỉnh An Giang có 5/17 cụm dân cư hai bên biên giới đã ký kết nghĩa, với nội dung được cụ thể hóa, sát với thực tế từng địa bàn và phù hợp với phong tục tập quán của nhân dân hai bên biên giới.

Hoạt động của mô hình kết nghĩa đồn-trạm, xã-xã, ấp-khóm, khu-khu dân cư đã mở ra nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ giữa LLVT và nhân dân hai bên biên giới. BĐBP tỉnh An Giang thường xuyên tổ chức các đoàn y sĩ, bác sĩ sang khám, chữa bệnh, cấp thuốc, tặng quà nhân dân xã Prey Rumdeng, huyện Kiri Vong, tỉnh Ta Keo, Campuchia; trao 60 con bò giống tặng các hộ nghèo; tặng học bổng “Nâng bước em đến trường” giúp 30 học sinh Campuchia có hoàn cảnh khó khăn... Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam-Campuchia do Bộ tư lệnh BĐBP Việt Nam xây tặng nhân dân khóm Xuân Bình (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) và ấp Ta Rung (xã Phnum Del, huyện Kiri Vong, tỉnh Ta Keo) đã trở thành điểm hẹn giao lưu văn hóa giữa chính quyền, LLVT và người dân hai bên biên giới. Chia sẻ về chương trình hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hóa, ông Han Niên, Trưởng ấp Ta Rung bên nước bạn Campuchia tự hào nói: “Hoạt động kết nghĩa là nguyện vọng của người dân hai bên biên giới. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong canh tác, sản xuất, cùng nhau giữ gìn, phát huy tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống. Đồng thời, tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới”.

Hằng năm, BĐBP tỉnh Bình Phước nhận đỡ đầu 9 em học sinh Campuchia có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng. Đây là một phần trong Chương trình "Nâng bước em đến trường" hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó ở địa bàn biên giới. BĐBP tỉnh Bình Phước còn triển khai nhiều hoạt động như: Hỗ trợ nhân dân Campuchia khắc phục hậu quả thiên tai, thăm hỏi, chúc mừng dịp lễ, Tết; cử các đoàn y sĩ, bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà nhân dân Campuchia, hỗ trợ về vật chất phục vụ sửa chữa nhà ở cho lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Ở tỉnh Long An có chương trình người dân Việt Nam hỗ trợ người dân Campuchia trồng lúa chất lượng cao; hỗ trợ tặng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 giúp các địa phương Campuchia...

Theo ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên, An Giang): Khóm Xuân Bình của thị trấn kết nghĩa với ấp Ta Rung, xã Phnum Del, huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo (Campuchia) đã làm tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó của nhân dân hai bên biên giới, tạo thuận lợi cho hoạt động thăm thân, giao lưu văn hóa, buôn bán, trao đổi hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đời sống người dân được nâng cao. Đây là chủ trương đúng đắn, mô hình sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào việc củng cố tình đoàn kết, hữu nghị lâu đời giữa hai nước.

(còn nữa)

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN - NGUYỄN BÁ - HUY VÕ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai-quoc-phong/bai-3-ket-nghia-keo-son-giup-do-chi-tinh-643320