Bài 3: Kiểm soát bằng sự đồng hành
Những tác động mà môi trường mạng ảnh hưởng tới trẻ em là điều không thể chối cãi. Thế nhưng, làm thế nào để phát huy những ưu điểm của môi trường mạng đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro online lại là câu chuyện không hề đơn giản.
Đã có hàng trăm hội thảo, hội nghị hay các báo cáo, khảo sát chuyên đề về trẻ em với vấn đề môi trường mạng, trong đó, một kiến nghị được nhiều chuyên gia nhắc đến là việc đồng hành của cha mẹ với con trẻ trên môi trường mạng. Thay “kiểm soát” bằng “đồng hành” được coi là liều thuốc quý giúp trẻ vượt qua những cám dỗ trên Internet, trở thành một công dân số thông minh.
Làm bạn cùng con
Trong một cuộc trò chuyện do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức về đồng hành cùng con trên môi trường mạng, bà Đỗ Thùy Dương, người sáng lập nhóm Mẹ Hiện đại, Đại biểu HĐND Hà Nội, Giám đốc Talent Pool cho rằng, rất khó để kiểm soát con trên mạng. Cha mẹ không thể dùng thế giới của cha mẹ để quản lý, kiểm soát con.
Theo kinh nghiệm nuôi dạy con từ bản thân, bà Đỗ Thùy Dương cho rằng, các con sẽ sống phần lớn cuộc đời của mình trên Internet nên việc để các con tự nhận diện rủi ro là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của cha mẹ. Phụ huynh cần quan sát con nhiều hơn, trò chuyện với con để biết được con đang xem gì, con làm gì và cho phép con làm quen với Internet cũng như định hướng cho con. Thay vì kiểm soát, cha mẹ hãy “tinh tế” hơn, trở thành một người bạn lớn của con, là nơi con có thể tin cậy để chia sẻ những vướng mắc, những vấp ngã của mình. Cha mẹ cũng nên tổ chức các hoạt động cộng đồng trong gia đình như cùng nhau nấu ăn, cùng nhau xem ti vi để giảm thiểu tác động của mạng xã hội tới các con.
Chung quan điểm này, Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách Tiktok cho rằng, cha mẹ nên xác định rõ tư tưởng trẻ em sẽ phải sống chung với Internet. Không thể cấm con sử dụng Internet trong thời đại số này, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phát huy quyền cha mẹ, đưa ra những nguyên tắc, thỏa thuận về thời gian, nội dung, trang web mà con được xem trên tinh thần vui vẻ, hợp tác.
Theo ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia an toàn thông tin, cha mẹ hoàn toàn có thể “kiểm soát ngầm” con bằng cách hiểu rõ các tính năng của thiết bị di động, máy vi tính, cũng như trang bị các kiến thức về an toàn thông tin trên mạng. “Kiểm soát ngầm” vừa giúp cha mẹ nắm bắt được thông tin về con lại không gây ra phản ứng ngược khi trẻ cảm thấy mình được tôn trọng trong quá trình sử dụng Internet.
Rõ ràng, để đồng hành cùng trẻ trên Internet, cha mẹ trước tiên cần là những công dân số thông minh, trang bị đầy đủ hành trang kiến thức về thế giới số. Từ những kiến thức, kỹ năng có được ấy, cha mẹ lại cần phải có cách ứng xử đúng mực, khéo léo để trẻ không cảm thấy bị kiểm soát, bó buộc, có thể thoải mái chia sẻ thông tin với cha mẹ để không bị sa ngã trên môi trường mạng.
Hãy là người đứng giữa sáng suốt
Trong phiên họp Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, những tác động tiêu cực của môi trường mạng đến con trẻ để lại hậu quả rất lớn. Nếu xâm hại ngoài xã hội chỉ được một vài người chứng kiến thì hình ảnh xâm hại bị đưa lên mạng có thể theo các em suốt cuộc đời. Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị các phụ huynh dành sự quan tâm và thời gian thỏa đáng để chia sẻ với các con các vấn đề này đồng thời có sự phối hợp tốt với các thầy cô giáo tại trường học.
Có thể nói, cha mẹ là người đóng vai trò quan trọng trong kết nối trẻ với thế giới bên ngoài. Trẻ em hiện nay không chỉ sống, học tập tại nhà mà còn hoạt động rất nhiều tại các môi trường khác như: Trường học, các trung tâm năng khiếu, ngoài xã hội… chính vì thế, việc đồng hành cùng con trên môi trường mạng tại nhà chưa phải là giải pháp đủ với trẻ. Theo thầy Nguyễn Văn Hiệp, giáo viên Trường Phổ thông nội trú IVS, cha mẹ cần là người đứng giữa sáng suốt, phối hợp tốt với nhà trường (một trong những môi trường chính diễn ra các hoạt động của trẻ) cũng như hiểu rõ các mối quan hệ bên ngoài của trẻ để đồng hành cùng trẻ.
Dẫn câu chuyện về một trường hợp học sinh nghiện game được đưa vào học tập tại Trường Phổ thông nội trú IVS, thầy Nguyễn Văn Hiệp cho biết, nhiều cha mẹ không đủ mạnh mẽ, cứng rắn để cùng nhà trường phối hợp giáo dục trẻ, giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn khi cai nghiện game, khiến trẻ dễ sa ngã trở lại. Và việc tái nghiện game hay mạng xã hội cũng giống như tái nghiện ma túy, việc kéo trẻ trở lại với cuộc sống bình thường vì thế trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
TS, NGƯT Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thừa nhận, hiện nay, thực tế cho thấy, tại các trường học rất khó để kiểm soát việc trẻ em tiếp xúc với môi trường mạng. Thầy cô giáo chỉ đóng vai trò giúp đỡ, hỗ trợ học sinh, hướng các em tới việc sử dụng môi trường đó một cách hữu ích, hiệu quả. Vì thế, việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong định hướng văn hóa tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh là điều vô cùng cần thiết.
Đồng quan điểm này, chị Phạm Thu Thảo, phụ huynh có hai con nhỏ sinh sống tại Nam Trung Yên, Hà Nội cho rằng, cha mẹ cần có sự phối hợp xuyên suốt với thầy cô trong quá trình hướng dẫn con em mình sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh. Có thể nói trường học là môi trường mà trẻ sinh hoạt với thời gian nhiều hơn cả so với ở nhà, vì thế, việc để trẻ được tiếp thu những kiến thức bổ ích trong sử dụng Internet một cách hiệu quả từ thầy cô giáo hay chính bạn bè là điều cần thiết.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong câu chuyện đồng hành với trẻ trên môi trường mạng thì trách nhiệm chính vẫn thuộc gia đình, nhà trường chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp đỡ. Tại các trường học, thầy cô giáo nên cập nhật các chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện hành, khuyến khích và theo dõi những hành vi tốt trên mạng và đảm bảo trẻ em vẫn tiếp cận được với các dịch vụ tham vấn của trường học.
Rõ ràng, để trẻ trở thành một công dân số thông minh trong thời đại số không phải là việc dễ dàng, đòi hỏi trách nhiệm của cha mẹ, thầy cô cũng như nhiều thiết chế cơ bản khác. Mặc dù thế, cha mẹ cũng cần hiểu rõ tầm quan trọng của mình để có thể đồng hành cùng con trên chặng đường dài.
(Còn nữa)
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-kiem-soat-bang-su-dong-hanh-626306