Bài 3: Làm gì để ngư dân quay về với biển? (Tiếp theo và hết)

Nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm lao động biển, người dân không còn mặn mà với việc ra khơi đánh bắt hải sản là do thu nhập thấp. Bởi vậy, giải pháp căn cơ nhất đó là nâng cao thu nhập cho ngư dân để người dân bám biển, sống cùng biển, gắn bó với vùng biển của quê hương. Vậy làm thế nào để nâng cao thu nhập lao động biển?

Xử lý nguyên nhân từ “gốc”

Nguồn lợi trên biển giảm là một trong những nguyên do dẫn đến thực trạng lao động bỏ nghề hàng loạt để chuyển hướng sang những phương án khả dĩ hơn. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện khai thác mang tính tận thu, hủy diệt; thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất tín hiệu kết nối; tình trạng vi phạm vùng khai thác, khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vẫn tiếp diễn...

Chưa hết, việc gia tăng nhanh số lượng tàu, thuyền là một vấn đề nan giải, nhất là khi một số cảng cá trên địa bàn các tỉnh miền Trung đang xuống cấp, bồi lắng, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng khai thác. Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số cảng cá như Lạch Hới, Lạch Bạng (Thanh Hóa) Lạch Thơi, Lạch Quèn, Cửa Hội (Nghệ An), Thạch Kim, Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh); Cửa Gianh, Nhật Lệ, Roòn (Quảng Bình) thường xuyên bị bồi lắng, cơ bản không đủ khả năng tiếp nhận phương tiện quy mô. Các tàu cá khi ra khơi hay cập bến cũng phải xếp hàng, mất rất nhiều thời gian dẫn đến chất lượng hải sản giảm, từ đó thu nhập cũng giảm và ngư dân không mặn mà với nghề đi biển.

 Bộ tư lệnh Cảnh sát biển trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Bộ tư lệnh Cảnh sát biển trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Thêm nữa là hiểm họa tiềm tàng đến từ tình trạng khai thác gần bờ, qua theo dõi cho thấy số lượng tàu thường xuyên quần thảo khu vực này khá nhiều, công đoạn đánh bắt tận diệt không được xử lý triệt để khiến cho nguồn lợi lẫn môi trường sinh thái tự nhiên bị đe dọa trầm trọng. Các tàu gần bờ tại các tỉnh miền Trung quá nhiều. Đơn cử như đội tàu khai thác xa bờ trên tổng số tàu cá ở Thanh Hóa là 1.290/7.096 chiếc; Nghệ An 1.257/3.384 tàu; Quảng Bình có 1.207/5.792 tàu. Có thể thấy, số lượng tàu cá gần bờ vẫn còn “áp đảo” so với tàu xa bờ. Trong khi đó, các tàu gần bờ chính là nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi hải sản do khai thác quá mức. Bằng chứng là nhiều loài sinh vật biển đang cho thấy dấu hiệu suy giảm mạnh, thậm chí đối diện nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai không xa.

Một nguyên nhân nữa đó là công tác quản lý chung về ngành nghề khai thác thủy sản tại các địa phương chưa đạt hiệu quả cao. Như tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, lực lượng kiểm ngư, thanh tra hoạt động đánh bắt hải sản trên biển còn mỏng, khiến công tác quản lý chưa chặt chẽ nên việc tuân thủ các quy định về khai thác chưa cao.

Ông Bùi Xuân Trúc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Một nguyên nhân nữa khiến lao động biển ngày càng giảm do cơ cấu nghề chưa hợp lý, tổ chức sản xuất trên biển vẫn mang tính nhỏ lẻ; công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu sau thu hoạch còn hạn chế; tình trạng cạnh tranh giữa các loại nghề, các nhóm tàu, giữa các địa phương trong một ngư trường ngày càng lớn. Việc này, đòi hỏi hoạt động khai thác hải sản phải thay đổi theo hướng hiện đại để đáp ứng với xu thế hiện nay”.

Dù vậy khi tìm hiểu sâu xa ngọn ngành thì cũng phải nhìn thẳng rằng, nguyên nhân sụt giảm lao động một phần cũng do các chủ trương, chính sách kích cầu của Nhà nước chưa phát huy tối đa giá trị, chưa mang tính “dài hơi”. Điều này đã tác động lớn đến tâm lý của số đông ngư dân. Qua nắm bắt tình hình thực tiễn tại các địa phương, các chính sách từ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP liên quan đến những chính sách phát triển thủy sản đã bộc lộ những khó khăn, bất cập.

Đơn cử như tại Nghệ An, chất lượng đội tàu 67 chưa cao, nhiều tàu khó có khả năng trả nợ. Số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67 xảy ra sự cố dẫn đến tổn thất toàn bộ tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu là do cháy và chìm trên biển. Riêng tại địa bàn Nghệ An trong năm 2019 xảy ra tới 9 vụ tai nạn cháy chìm mà trong đó có tới 5 tàu đóng mới theo Nghị định 67. Ước tổn thất của 9 chiếc tàu này lên tới 63 tỷ đồng. Việc liên tiếp các tàu đóng mới theo Nghị định 67, là những con tàu mới nhất, lớn nhất, có trang thiết bị tốt nhất lại liên tục bị cháy chìm khiến 4 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 đưa nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá vào danh sách các nghiệp vụ có rủi ro lớn. Thêm nữa, thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp tàu gặp sự cố trong phạm vi bảo hiểm kéo dài ảnh hưởng lớn đến kinh tế của chủ tàu, thời gian khắc phục và hoạt động của tàu cá và ngư dân. Trường hợp tàu cá của chủ tàu Nguyễn Phúc Bình, chủ tàu Trương Văn Trông ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) gặp sự cố rủi ro từ năm 2016, 2017 nhưng đến đầu năm 2020 mới được bồi thường... Các trường hợp tàu bị cháy, hỏng hóc từ cuối năm 2019 hiện nay vẫn chưa được cơ quan bảo hiểm bồi thường.

Những giải pháp căn cơ và đồng bộ

Thiếu hụt lao động trên các tàu đánh bắt xa bờ là một thực tế đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương ven biển tỉnh miền Trung. Thực tế trên kéo theo hệ lụy của nhiều vấn đề, từ việc vươn khơi bám biển nhằm khẳng định chủ quyền, đến việc tạo sinh kế cho ngư dân và các dịch vụ chế biến, khai thác nghề biển kèm theo đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp các ngành, của cả hệ thống chính trị, bảo đảm cho hoạt động trên lĩnh vực đánh bắt xa bờ ngày càng hiệu quả.

Cán bộ Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tuyên truyền cho ngư dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình những quy định về khai thác hải sản trên biển.

Cán bộ Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tuyên truyền cho ngư dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình những quy định về khai thác hải sản trên biển.

Những việc làm trước mắt như đào tạo, nâng cao trình độ khai thác cho ngư dân là những việc làm cấp thiết và có thể làm được ngay. Ông Lê Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho ý kiến: “Để nghề cá phát triển bền vững đem lại thu nhập cho bà con, UBND huyện đang chỉ đạo các xã cơ cấu lại ngành nghề cho phù hợp, mở rộng ngư trường khai thác ra khu vực Trường Sa để bắt được nhiều cá có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời cũng giảm áp lực khai thác trong vùng vịnh Bắc Bộ”.

Một trong những giải pháp đang được tỉnh Thanh Hóa quan tâm khắc phục đó là khuyến khích các chủ tàu cá ứng dụng các trang thiết bị mới, hiện đại vào khai thác, như máy dò cá Sonar vào nghề lưới vây, nghề chụp; ứng dụng máy thu lưới trong nghề lưới rê, nghề câu, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thả lưới, thu lưới nhằm tăng hiệu quả khai thác, giảm sức lao động, giảm số lao động trên tàu cá.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung phát triển đội tàu cá khai thác vùng khơi (theo hạn ngạch đã xác định), tổ chức đánh bắt đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao, các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường theo hướng nâng cao hiệu quả. Từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác, thay thế vỏ gỗ bằng vỏ thép, vật liệu mới; củng cố và phát triển các mô hình “Tổ đoàn kết” đối với khai thác vùng biển khơi, sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thất thoát sau thu hoạch, nhất là phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi như: Tàu khai thác hải sản-Tàu dịch vụ hậu cần-Cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khai thác, hiệu quả hoạt động và hỗ trợ, giúp đỡ trong sản xuất nhất là trong công tác phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết thêm: “Cùng với các chính sách mang tính chiến lược lâu dài, về trước mắt, chúng tôi đang tham mưu cho địa phương cần có các chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề để giải quyết vấn đề thu nhập, sinh kế cho ngư dân, trong đó chú trọng để giảm áp lực đối với khai thác vùng lộng, vùng ven bờ. Chuyển dịch một phần lao động khai thác vùng ven bờ, vùng lộng đã được đào tạo sang phục vụ khai thác vùng khơi để bù đắp thiếu hụt”.

Tại tỉnh Nghệ An, hiện nay, Chi cục Thủy sản cũng đang triển khai thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Nghệ An, đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá biển bền vững”.

Ông Trần Như Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An đề xuất: “Về lâu dài, do nguồn lợi hải sản suy giảm, vì vậy, cần có biện pháp tái tạo nguồn lợi theo hướng vừa khai thác vừa bảo vệ. Tái tạo nguồn lợi thủy sản được rồi, dân khai thác hiệu quả và có thu nhập tốt hơn thì người dân sẽ quay lại với nghề biển”.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình kiến nghị: “Nhà nước cần nghiên cứu những chính sách mang tính dài hơi và thiết thực hơn như cấm biển trong mùa cá sinh sản, hỗ trợ nhiên liệu cho bà con ngư dân, quy định về hợp đồng lao động trên biển. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng phải được quan tâm hơn, vận động bà con ngư dân không thay đổi chủ tàu, ổn định và tăng năng suất lao động, làm thế nào để khai thác có hiệu quả”.

Lao động nghề cá từ xưa đến nay quan niệm là một nghề tuân theo tự nhiên, theo kinh nghiệm và “cha truyền con nối”. Chỉ vài năm trở lại đây, lao động biển mới là một loại hình lao động có điều kiện, tức là bước đầu có những đòi hỏi về bằng cấp, trình độ, quản lý nhưng chưa được coi trọng như những ngành nghề khác. Cần phải xây dựng đội ngũ lao động biển có trình độ, có quy chế hành nghề, có hợp đồng lao động, nhóm ngành nghề, bậc lương... Xây dựng một đội ngũ lao động chuyên nghiệp hơn, có đầy đủ chế độ và vận hành theo quy định của pháp luật. Có như vậy, nguồn lao động biển, ngư dân mới nhận thức được tầm giá trị của nghề, yên tâm bám biển, nâng cao hiệu quả kinh tế và trở thành những “cột mốc sống” để khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: HỒ BẤT KHUẤT - HOA LÊ - KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-lam-gi-de-ngu-dan-quay-ve-voi-bien-tiep-theo-va-het-656570