Bài 3: Miền quê nghèo khó bắt đầu bừng sáng

Bài 1: Chinh phục đồng cỏ lác

Bài 2: Chuyện những người đi "mở đất"

(ABO) “Ngày 18-8-1988, tại cầu lộ Kinh 12 (Cai Lậy) bắc qua huyện Tân Thạnh (Long An), tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ mittinh tiến quân vào khai thác Đồng Tháp Mười (ĐTM). 15 giây pháo nổ giòn giã và 15 cần xáng cạp hạ xuống cạp những gào đất đầu tiên, báo hiệu công cuộc tiến quân khai hoang vùng ĐTM của tỉnh Tiền Giang bắt đầu…”

THỦY LỢI ĐI TRƯỚC

Sau ngày nhân dân ta đánh thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, cả nước thống nhất, Đảng và Nhà nước chủ trương tiến quân vào khai thác ĐTM, một vùng đất rộng lớn của ĐBSCL. Song chủ trương khai thác vùng đất hoang hóa này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện từ trước. Mở đầu quá trình tiến quân vào khai hoang ĐTM là công tác thủy lợi. Dấu mốc đầu tiên là vào 1976, UBND tỉnh ký ban hành chỉ thị đào kinh Trương Văn Sanh để mở màn khai phá ĐTM. Đào kinh là con đường tối ưu nhất, được ưu tiên hàng đầu để rửa phèn, dẫn nước, trước khi tính đến phương án trồng lúa hay trồng cây.

Quê mới Tân Hòa Đông những ngày đầu khai thác ĐTM trên địa bàn huyện Tân Phước. Ảnh: TL.

Quê mới Tân Hòa Đông những ngày đầu khai thác ĐTM trên địa bàn huyện Tân Phước. Ảnh: TL.

Năm 1977 tỉnh Tiền Giang vận động hàng ngàn thanh niên xung phong, phụ nữ, bộ đội, công an vào ĐTM đào kinh Trương Văn Sanh. Kinh này bắt đầu từ xã Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy) đến xã Phú Mỹ (huyện Châu Thành) trước đây dài khoảng 20 km. Sau 3 tháng cật lực, con kinh được đào xong. Người lãnh đạo, người chỉ huy, người lao động nhìn thấy dòng nước son cuồn cuộn đổ vào ĐTM, ai nấy cũng lâng lâng niềm vui sướng, miền quê nghèo khó bắt đầu bừng sáng.

Công việc tiếp theo là tỉnh Tiền Giang thành lập Nông trường Tân Lập, Nông trường Nguyễn Văn Phùng, Lâm trường Trương Văn Sanh, Nông trường Ấp Bắc… vận động nhân các huyện đến vỡ đất khai hoang, bắt đầu quá trình sản xuất nhưng nỗ lực đó đã thất bại. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Tiền Giang chủ trương đào tiếp kinh Hai Hạt. Hàng ngàn người tiếp tục được huy động đào kinh. Một năm sau kinh Hai Hạt hoàn thành.

Kinh Trương Văn Sanh, một trong những kinh được đào đầu tiên trên vùng đất Tân Phước.

Kinh Trương Văn Sanh, một trong những kinh được đào đầu tiên trên vùng đất Tân Phước.

Chương trình khai hoang vùng đất này diễn ra liên tục nhưng do thiếu lực lượng lao động, thiếu phương tiện cơ giới và khoa học kỹ thuật nên tiến độ khai hoang diễn ra chậm, hiệu quả thấp. Đời sống người dân đi lập nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều người không chịu nỗi gian khổ phải bỏ về quê cũ hoặc đi nơi khác làm ăn.

Sau giai đoạn đầu phát triển không ổn định, kể từ năm 1987, tỉnh đã thực hiện chương trình di dân vào ĐTM để khai hoang lập nghiệp, thực hiện việc cấp đất lâu dài cho nhân dân, tạo động lực thúc đẩy khai hoang sản xuất. Từ đó, chương trình di dân lập nghiệp đã có bước khởi sắc.

Đây là giai đoạn đến lúc chín muồi, đòi hỏi trên vùng đất bạt ngàn này phải có đơn vị hành chính để lãnh đạo, quản lý toàn diện về mọi mặt nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã đề nghị về Trung ương xin thành lập huyện mới và Chính phủ đã chấp thuận. Ngày 11-7-1994, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/CP về thành lập huyện Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang.

ĐẶC TRƯNG CỦA NỀN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Cách đây đúng 30 năm trên mảnh đất này, ngày 27-8-1994, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị định của Chính phủ chính thức thành lập huyện Tân Phước. Cũng thời khắc ấy, đại biểu đến dự buổi lễ với tâm trạng¬ vừa vui mừng có thêm một huyện mới của tỉnh, vừa lo âu trăn trở cho sự ra đời và tương lai phát triển của một huyện nằm trên vùng đất từng mệnh danh là rốn phèn, rốn lũ, hoang hóa là “vùng đất chết” bao đời của ĐTM.

Tân Phước những ngày đầu làm thủy lợi, giao thông. Ảnh: TL.

Tân Phước những ngày đầu làm thủy lợi, giao thông. Ảnh: TL.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Võ Văn Xê cho biết, khi thành lập đơn vị hành chính, huyện Tân Phước có chủ trương khai thác thủy lợi nội đồng ngay, tiếp đến là xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp và được triển khai thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Chủ trương ban đầu của huyện là nâng diện tích trồng khóm lên 3.200 ha và nâng dần hàng năm; kế hoạch chung của huyện đến năm 2005 phải đạt từ 7.000 - 10.000 ha trồng khóm...

Trên cơ sở tiếp nhận và tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được của Ban Chỉ đạo khai thác phát triển vùng ĐTM của tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phước được thành lập với tổng diện tích tự nhiên khoảng 32.991 ha, 42.031 nhân khẩu, gồm 13 đơn vị hành chính (trong đó có 12 xã và 1 thị trấn) và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.

Lúc bấy giờ, vì là huyện mới thành lập nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật hầu như chưa có gì (vì phải tiếp nhận cơ sở vật chất cũ, xuống cấp), các cơ quan Đảng và nhà nước, các đoàn thể… phải làm việc trong các trụ sở tạm bợ hay các công trình hư cũ, xuống cấp trầm trọng, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa bị hạn chế về trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, cũng như thiếu phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác.

Giao thông đi lại khó khăn, chỉ có các tuyến đường chính đã hư hỏng, xuống cấp và thường xuyên bị ngập lụt, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, mua bán, vận chuyển hàng hóa… Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân đều bị hạn chế do thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Đa số người dân từ các nơi khác đến lập nghiệp, sống chủ yếu bằng nghề nông, trình độ dân trí thấp nên việc tiếp nhận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất bị hạn chế nên năng xuất không cao. Ngoài ra, những năm đầu còn thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại tài sản và tính mạng nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất nên cuộc sống của nhân dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm (thời điểm đó có đến 45% hộ nghèo, 5% hộ đói).

Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến đò Phú Mỹ.

Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến đò Phú Mỹ.

Mặc dù vùng đất đai hoang hóa lâu đời, độ nhiễm phèn cao, quanh năm chịu ảnh hưởng điều kiện thiên nhiên, thời tiết rất khắc nghiệt, nhưng nơi đây cũng đã mang đầy đủ những đặc trưng của nền văn hóa truyền thống, với những địa danh: Chùa Phật Đá, Bàu Bèo, kinh Thầy Yến, Kiếm Vàng…

Chính vùng đất này, trải qua hai cuộc kháng chiến là căn cứ địa vững chắc để xây dựng và bảo tồn lực lượng, từng là nơi đóng quân của các cơ quan Trung ương, tỉnh và các huyện, với các địa danh của vùng căn cứ kháng chiến như: Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh… là nơi ghi lại nhiều chiến tích oai hùng như trận đánh Gò Cây - Cặp Rằn Núi vào năm 1961 tại xã Tân Hòa Tây, Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến đò Phú Mỹ đã ghi lại cho con cháu muôn đời về tội ác của bọn thực dân và tay sai xẻo thịt người treo bán ở bến đò…

30 năm, một chặng đường thật sự không quá dài, nhưng cũng đủ để trải qua những cung bật của cảm xúc, với đầy những khó khăn, thử thách để một miền quê nghèo khó bắt đầu bừng sáng.

ANH PHƯƠNG
(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/cuoc-cach-mang-o-vung-dat-phen-chua-bai-3-mien-que-ngheo-kho-bat-dau-bung-sang-1019317/