Bài 3: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Theo ông Trương Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây), việc tổ chức chính quyền đô thị không còn HĐND cùng cấp nên vai trò, trách nhiệm của tập thể UBND phường và người đứng đầu được nâng lên. Chủ tịch UBND phường có quyền tự quyết những vấn đề trong phạm vi nhiệm vụ; đồng thời chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp và cấp trên. Qua đó, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội - "Hứa hẹn mùa quả ngọt"

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Ảnh: N.D

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Ảnh: N.D

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

“Ở mô hình mới, trách nhiệm của chủ tịch phường trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Từ lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc theo quy chế làm việc. Do đó bản thân lãnh đạo phường cũng phải nêu cao tinh thần chủ động và sáng tạo, kỹ năng ra quyết định trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao”, ông Trương Quang Vinh cho biết.

Cũng theo Trương Quang Vinh, ngay từ khi bắt đầu thực hiện phường đã bắt nhịp rất nhanh, trơn tru. Thời gian qua, cán bộ, công chức phường đã có sự thay đổi lớn về cách làm việc, rõ người, rõ trách nhiệm hơn trong phân công nhiệm vụ.

Về hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND phường với các tổ chức, công dân về thực hiện thủ tục hành chính; hội nghị đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Bí thư Đảng ủy, đồng chí chủ tịch UBND phường với đại biểu Nhân dân, ông Vinh cho biết: “Qua hoạt động đối thoại, lãnh đạo Đảng ủy, UBND đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, phản ánh và đề suất của đại biểu Nhân dân, đồng thời có những ý kiến trả lời phúc đáp và đưa các nội dung kiến nghị vào các chương trình công tác của Đảng ủy, UBND phường.”

“Hầu hết các ý kiến của Nhân dân đều tỏ ra hài lòng về giao dịch thủ tục hành chính tại phường. Còn về các vấn đề khác, ở phường nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung, việc “nóng” nhất trong thời gian qua đó là việc tiếp tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Hầu hết các khúc mắc của người dân đã được giải đáp sau các buổi hội nghị” – ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, việc tổ chức hội nghị giữa người đứng đầu với Nhân dân trên địa bàn đã giúp công tác tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước thuận lợi hơn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

“Qua các cuộc đối thoại, chúng tôi cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để có hướng xử lý, giải quyết hoặc bổ sung kế hoạch công tác”-ông Vinh cho biết.

Ông Trương Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây). Ảnh: N.D

Ông Trương Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây). Ảnh: N.D

Anh Nguyễn Anh Tuấn, công chức Tư pháp – Hộ tịch UBND phường Quang cho rằng, quy định Chủ tịch UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng giúp giảm đầu mối chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức phường.

“Công chức thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch UBND phường và không được “lạm việc” của người khác. Với việc Chủ tịch UBND phường “khoán việc” tạo áp lực lớn, nhưng cũng là động lực, thúc đẩy tính sáng tạo, năng động của công chức”, anh Tuấn nói.

Phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn

Cùng nhận định sự ưu việt của việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, ông Hà Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây cho biết, UBND phường nhận được sự đồng thuận của cán bộ, Đảng viên trong hệ thống chính trị và Nhân dân.

Đặc biệt trong vấn đề ủy quyền công chức Tư pháp – Hộ tịch ký chứng thực, ông cho biết, thời điểm chưa thực hiện mô hình chính quyền đô thị, có những ngày cao điểm ông phải ký đến hàng nghìn văn bản.

“Cả ngày chỉ ngồi ở một cửa để ký chứng thực cho người dân. Có nghĩa mọi việc khác phải dừng lại hết, vì không thể đem giấy tờ đi chỗ khác được nên ngày cao điểm ký giấy tờ cho Nhân dân thì mọi việc khác đình trệ. Vậy nên việc ủy quyền chứng thực đã giải quyết rất nhiều để chúng tôi có thể tập trung vào các công việc khác”-ông Trường cho biết.

Đồng thời, ông Trường cũng cho biết, sau khi bỏ HĐND, UBND phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của Nhân dân. Tổ chức bộ máy chính quyền ở phường đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn…

Phương thức hoạt động của UBND phường thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

“Đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, với nhiều nhiệm vụ phòng chống dịch mang tính chất đột xuất, yêu cầu phải giải quyết ngay thì với nguyên tắc làm việc theo chế độ thủ trưởng theo mô hình mới, Chủ tịch UBND phường đã phát huy vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện mọi hoạt động của UBND phường.” – ông Trường cho biết.

Về công tác đối thoại với nhân dân, ông Trường cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của công dân, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân báo cáo Chủ tịch UBND phường, nghiên cứu, xem xét hoặc phân công bộ phận nghiên cứu xem xét và giải quyết theo quy định.

“Thực tế do nhận thức của một số bộ phận người dân về các quy định trong lĩnh vực đất đai còn hạn chế, nên vẫn phát sinh những đơn thư về mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, UBND phường đã tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác này…” – ông Trường nói.

Tuy nhiên, mặc dù việc đối thoại với dân thể hiện tính dân chủ, mà một trong những phương thức khiến cán bộ gần dân, hiểu dân và nhanh chóng hơn trong công tác giải quyết những bức xúc trong dân nhưng bản thân lãnh đạo cũng gặp những khó khăn, vướng mắc.

“Hiện quy định về ngày tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND phường đã được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên việc quy định lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND phường trùng với ngày tiếp công dân của Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã gây khó khăn cho cơ sở, khi chủ tịch UBND phường được mời tham gia trực tiếp dân cùng lãnh đạo thị xã” – ông Trường cho hay.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND phường với nhân dân và được người dân ghi nhận đây là sự đổi mới tích cực. “Nhìn chung, người dân phấn khởi vì được kiến nghị trực tiếp, nghe giải đáp trực tiếp với Chủ tịch UBND phường hơn”, bà Nguyễn Thị Thư, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 5 phường Quang Trung cho biết.

Bà Thư cho rằng, việc không tổ chức HĐND phường là hợp lý. “Việc Bí thư và Chủ tịch UBND phường tiếp xúc trực tiếp, đối thoại, trả lời luôn các kiến nghị của người dân rất tốt, người dân không phải thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, tổng hợp thành biên bản, rồi mới chuyển đến lãnh đạo phường, đợi chờ mới được biết kết quả giải đáp kiến nghị của mình”, bà nói.

(Còn nữa)

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-3-nang-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-nham-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-tot-hon-349044.html