Bài 3: Nghệ sỹ Đặng Nhật Minh: Làm phim chiến tranh, tôi 'vỡ' ra nhiều

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng nếu lúc nào cũng là 'khó làm' để rồi không dám thử sức thì không thể tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho sự phát triển của dòng phim về đề tài chiến tranh.

"Đừng đốt" dựa trên chất liệu chính là cuốn nhật ký của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Đoàn làm phim)

"Đừng đốt" dựa trên chất liệu chính là cuốn nhật ký của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh vẫn luôn được coi là một trong những đại diện tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam khi bước ra thế giới.

Bằng phong cách riêng, lối nghĩ và cách làm khác biệt so với nhiều nhà làm phim cùng thời, nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh đã tạo nên những bộ phim về đề tài chiến tranh, người lính có sức sống vượt thời gian, in dấu trong lòng nhiều thế hệ khán giả như “Thị xã trong tầm tay,” “Bao giờ cho đến tháng Mười” hay “Hà Nội mùa Đông năm 46”

Mỗi bộ phim đều thể hiện cái nhìn về lịch sử, thời cuộc và xã hội thông qua những câu chuyện cụ thể. Vị đạo diễn “lão làng” quan niệm, làm phim về chiến tranh, người lính là làm phim về thân phận con người và số phần của cả dân tộc. Với ông, đề tài chiến tranh, người lính chưa bao giờ là đề tài cũ mòn, khô cứng, khó hấp dẫn người xem.

Tôi sẽ đeo bám cho đến sức cùng lực kiệt…

- Trong cuộc đời làm phim, ông đã khẳng định tên tuổi của bản thân qua nhiều bộ phim về chiến tranh, người lính. Có lý gì đặc biệt khiến ông luôn đau đáu và dồn tâm sức theo đuổi đề tài này không, thưa đạo diễn?

Nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh: Trong suốt mấy chục năm gắn bó với điện ảnh, tôi luôn thấy đề tài chiến tranh cách mạng, người lính là đề tài thú vị. Càng làm nhiều phim về đề tài này, tôi càng “vỡ” ra nhiều điều và thấy nó hấp dẫn hơn, còn nhiều khía cạnh, phương diện thú vị mà mình chưa khai thác, thể hiện được.

Đối với thế hệ tôi, chiến tranh không chỉ là một phần lịch sử dân tộc mà còn là ký ức tuổi thơ. Trong những năm tháng thanh xuân rồi đến khi trưởng thành, chúng tôi sống, hòa mình vào bầu không khí đấu tranh sục sôi của cả dân tộc, gặp gỡ, chứng kiến và cảm nhận về cuộc đời, số phận những con người, gia đình đã từng bước qua cuộc chiến…

Cứ thế, những câu chuyện về chiến tranh, người lính mang hơi thở đời sống thực ngấm vào tôi một cách tự nhiên bên cạnh những kiến thức về lịch sử mà tôi tự trang bị cho bản thân trong suốt quá trình làm nghề.

Chính bởi vậy, tôi đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đeo bám đề tài này cho đến khi nào sức cùng lực kiệt!

- Vậy đã khi nào ông cảm thấy khó khăn, chùn bước khi làm phim về đề tài vẫn được cho là cũ kỹ, khô cứng và khó hấp dẫn khán giả này chưa, thưa nghệ sỹ?

Nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh: Tôi cho rằng, khó khăn thì ở đâu và lúc nào cũng có, quan trọng là cách mình đối diện và vượt qua nó. Bản thân là người trong nghề nên tôi hiểu, những người làm phim chiến tranh thường phải đối mặt với áp lực lớn: Nếu làm chưa tới thì sẽ bị chỉ trích là hời hợt, làm khác đi thì lại dễ bị cho là phiến diện hoặc thi vị hóa…

Nhiều ý kiến cho rằng đề tài chiến tranh, người lính là đề tài cũ kỹ, khô cứng và khó hấp dẫn khán giả nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Nó chỉ cũ, khô và không hấp dẫn khi người làm phim cứ lặp lại những lối mòn, cứ mặc định phim chiến tranh chỉ có bom rơi, đạn nổ, chết chóc, hy sinh, hô hào sáo rỗng về chủ nghĩa anh hùng ca mà bỏ qua những câu chuyện về phận người, phận đời…

"Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được CNN bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

"Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được CNN bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

- Là người “có duyên” và gắn bó sâu sắc với dòng phim về chiến tranh cách mạng, người lính, ông có nhận xét gì về thực trạng của dòng phim này trong thời gian qua?

Nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh: Khi tham dự các sự kiện điện ảnh ở nước ngoài, trò chuyện cùng các nghệ sỹ quốc tế, tôi nhận thấy họ rất ngưỡng mộ điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đó là nền điện ảnh ra đời trong kháng chiến chống Pháp, vượt qua những cam go của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cùng những khó khăn của giai đoạn hậu chiến, đầu Đổi mới… để có được những thước phim giá trị.

Phần lớn tác phẩm được bạn bè quốc tế nhắc đến chủ yếu là những bộ phim khai thác đề tài chiến tranh và hậu chiến ra đời trong chính thời kỳ kháng chiến hoặc những thập niên 1980s, 1990s như “Chung một dòng sông,” “Chị Tư Hậu,” “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” hay Đời cát

Phim chiến tranh từng là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam. Từ khoảng giữa thập niên 1990s đến nay, phim về đề tài này có số lượng ít hơn hẳn so với phim khai thác những đề tài khác. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, phim Việt chủ yếu là phim giải trí, tình cảm, hài… thu hút lượng lớn khán giả trẻ. Điều này không xấu nhưng đang tạo ra sự thiếu cân bằng. Các nhà làm phim đang “bỏ quên” những bộ phận công chúng khác (bên cạnh khá giả trẻ, tuổi teen) với những nhu cầu xem phim khác.

Nói khác đi, trên thực tế, với phim về đề tài chiến tranh, người lính, quá trình vận động luôn có những bước trồi-sụt, lên-xuống. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu bản chất của câu chuyện là dòng phim này vẫn luôn tồn tại, vận động như một dòng mạch riêng.

Đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cần lắm những góc nhìn nhân văn, đa chiều

- Ông đánh giá thế nào về sự nhập cuộc của những nhà làm phim trẻ trong thời gian vừa qua, thưa đạo diễn?

Nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh: Thời gian qua, dòng phim này có những tín hiệu tích cực. Đó là sự vào cuộc ngày càng mạnh mẽ hơn của các đạo diễn trẻ (thế hệ 7X, 8X). Họ đưa tới những góc nhìn nhân văn, đa chiều về cuộc chiến và người lính. Họ mang vào phim những câu chuyện đời thường, để nhân vật hiện lên với những chi tiết gần gũi, chân thực và đời nhất.

Các nhà làm phim tập trung đặc tả tâm lý nhân vật, đặt họ vào những hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã, trên lằn ranh mong manh của sinh-tử, buộc họ phải đưa ra những chọn lựa, quyết định. Trong những hoàn cảnh như vậy, bản chất, tính người… sẽ được bộc lộ đầy đủ, chân thực nhất.

Khi nói về chiến tranh, nhiều người không khó để hình dung về sự khốc liệt, những hy sinh, mất mát; nhưng làm sao để câu chuyện về niềm tin, tâm tư, tình cảm, sự dằn vặt và thậm chí là cuộc đấu tranh nội tâm của những người lính hiện lên một cách tinh tế, chân thực, không khiên cưỡng lại luôn là một thách thức không hề nhỏ với người làm phim. Tôi rất mừng là nhiều đạo diễn hiện nay đã làm được điều đó.

Những yếu tố về kỹ xảo, đại cảnh… có thể tạo sự tò mò, hứng thú ban đầu cho người xem nhưng tôi tin, điều đọng lại sau cùng vẫn là những câu chuyện về phận đời, con người.

- Theo ông, để có một bộ phim hay, giàu giá trị về đề tài chiến tranh, người lính, chúng ta cần những gì?

Nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh: Đó là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố nhưng trước hết cần cái tâm, sự nhiệt huyết và bản lĩnh của người làm phim. Cái “tôi” của những người làm nghệ thuật thường rất lớn. Tôi tin rằng khi có niềm tin, sự say mê thực sự, họ sẽ nhiệt huyết, sáng tạo hết mình để làm “sống” lại những câu chuyện của quá khứ, lịch sử.

Tiếp đó là khâu kịch bản. Chúng ta còn thiếu những kịch bản, sắc nét về đề tài này. Bởi vậy, tôi cho rằng cần tổ chức nhiều cuộc thi viết kịch bản để tìm kiếm, sàng lọc kịch bản có chất lượng tốt về đề tài chiến tranh, người lính.

Để phim Việt bước ra thế giới, nội dung, câu chuyện cần chạm được đến những vấn đề phổ quát, được nhân loại quan tâm. Con người dù ở thời đại nào, chiến tuyến nào thì cũng đều có khát vọng hạnh phúc, những cung bậc cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố và đều là nạn nhân của vòng xoáy đạn bom…

Nỗi đau và tình thế ngang trái của nhân vật Duyên trong "Bao giờ cho đến tháng Mười" được diễn tả bằng nhiều thủ pháp điện ảnh. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Nỗi đau và tình thế ngang trái của nhân vật Duyên trong "Bao giờ cho đến tháng Mười" được diễn tả bằng nhiều thủ pháp điện ảnh. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Tất nhiên, ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố quan trọng khác như sự đầu tư kinh phí đúng mức, sự thay đổi tâm lý của chính những người làm phim, nếu lúc nào cũng là “khó làm” để rồi không dám thử sức thì không thể tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho sự phát triển của dòng phim này…

Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ để những bộ phim về đề tài chiến tranh, người lính được chiếu phổ biến, rộng rãi hơn thay vì chỉ chiếu trong những dịp lễ, tuần phim kỷ niệm… như hiện nay.

Ngược lại, khán giả cũng nên “cởi bỏ” tâm lý, định kiến cho rằng phim chiến tranh đồng nghĩa với phim “cúng cụ,” rất khô cứng và nhàm chán. Thay vì mải “lao xao,” bàn tán, khán giả hãy dành thời gian xem phim, bỏ tiền mua vé xem phim để cảm nhận thực sự. Đó là cách thiết thực để ủng hộ, cổ vũ tinh thần những người làm phim.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh sinh năm 1938. Với những đóng góp lớn cho lĩnh vực điện ảnh, năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Trước đó, năm 2005, ông được trao Giải thưởng Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Quốc tế Gwangju (Hàn Quốc). Năm 2008, bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của ông được Đài Truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại.

Phương Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bai-3-nghe-sy-dang-nhat-minh-lam-phim-chien-tranh-toi-vo-ra-nhieu/614038.vnp