Bài 3: Người 'thư ký' của lịch sử đảng bộ địa phương

Những bông hoa trong vườn Bác

Bài 1: Niềm vui được gặp Bác Hồ

Bài 2: Gặp người kể chuyện Bác Hồ

LCĐT - Ông không phải là nhà sử học, cũng không phải là cán bộ trong ngành tuyên giáo, nhưng lại là người có công sưu tầm, ghi chép, góp phần quan trọng trong việc biên soạn hàng chục cuốn lịch sử đảng bộ các xã trên địa bàn tỉnh. Hơn 10 năm qua, người “thư ký” của những trang lịch sử đảng bộ địa phương ấy vẫn miệt mài với công việc thầm lặng để ghi lại những trang sử quý giá, giáo dục thế hệ sau theo lời Bác Hồ dạy.

Ông Nguyễn Trung Thành dành nhiều tâm huyết trong việc sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.

Ông Nguyễn Trung Thành dành nhiều tâm huyết trong việc sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.

Kỳ công sưu tầm, ghi chép

Ngôi nhà xây cũ theo kiến trúc thời Pháp với những bức tường đã ngả màu thời gian của gia đình ông Nguyễn Trung Thành nằm ngay bên Quốc lộ 70, thuộc xã Long Khánh, huyện Bảo Yên. Có lẽ ngôi nhà khá phù hợp với một người trầm tính và ưa hoài cổ như chủ nhân của nó. Nhìn người đàn ông trung tuổi dáng thấp, đậm, mái tóc điểm bạc với gương mặt “lành như đất” ấy ít ai đoán được ông lại là người “thư ký” của hàng chục cuốn lịch sử đảng bộ các xã trên địa bàn tỉnh, mỗi cuốn dày tới cả trăm trang.

Ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ: “Tôi quê ở Quảng Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. Năm 1985, tôi đi bộ đội, đóng quân tại xã Long Khánh, 3 năm sau, tôi xuất ngũ và gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay. Ngày ấy, tôi cũng không bao giờ nghĩ mình lại gắn bó với công việc sưu tầm, ghi chép lịch sử đảng bộ địa phương, nhưng các cụ vẫn bảo “nghề chọn người”, có lẽ như cái duyên, cái nợ, những trang lịch sử của cha ông cứ thôi thúc tôi đi và viết, càng làm càng đam mê”.

Ông Thành trân trọng giới thiệu với chúng tôi cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Việt Tiến là cuốn lịch sử đầu tiên ông tham gia sưu tầm, biên soạn. “Ngày đó, tôi còn làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Long Khánh, được Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bảo Yên đặt vấn đề về việc phối hợp sưu tầm, biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Việt Tiến. Là người yêu văn chương, say mê lịch sử, thích công việc viết lách, tôi cảm thấy đây là một niềm vinh dự, nhưng không khỏi lo lắng khi nhận trọng trách ấy. Xã Việt Tiến được coi là một trong những căn cứ địa cách mạng đầu tiên của tỉnh Lào Cai, nên gắn với nhiều mốc lịch sử quan trọng. Khó khăn nhất là sưu tầm những tư liệu cũ của Đảng bộ xã, bởi từ năm 1970 trở về trước, hồ sơ, lý lịch của các đảng viên còn rất sơ sài. Trong khi đó, các lão thành cách mạng đều là người cao tuổi, nhiều cụ không còn minh mẫn, hay nhầm lẫn giữa các thông tin và mốc lịch sử”, ông Thành tâm sự.

Miệt mài với những chuyến đi, kiên trì tìm gặp hàng chục nhân chứng lịch sử địa phương, ông Thành đã tìm lại được “kho báu” là những cuốn sổ tay cũ rách của những cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ. Căn cứ vào những thông tin trong đó, kết nối và so sánh với những gì tìm hiểu được, loại trừ những thông tin sai lệch, từng trang Lịch sử Đảng bộ xã Việt Tiến cách đây hàng chục năm dần sáng rõ. Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Việt Tiến bắt đầu hình thành từ 160 trang giấy viết tay ngồn ngộn tư liệu sưu tầm, ghi chép được của ông Thành, đến mùa hè năm 2010 đã ra mắt cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Việt Tiến trong niềm hân hoan, tự hào, phấn khởi.

Miệt mài với những chuyến đi

Sau niềm vui từ cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Việt Tiến, ông Nguyễn Trung Thành trở thành người “thư ký” góp phần sưu tầm, biên soạn hàng chục cuốn lịch sử đảng bộ các địa phương trong tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, ông Thành đã lặng lẽ và kỳ công sưu tầm, tham gia biên soạn cuốn lịch sử đảng bộ nhiều xã của huyện Bảo Yên như: Long Khánh, Long Phúc, Bảo Hà, Thượng Hà, Minh Tân, Xuân Hòa, Lương Sơn, Xuân Thượng.

Khi những cuốn lịch sử đảng bộ các xã được ra mắt, người ta dần biết đến người cựu chiến binh tâm huyết Nguyễn Trung Thành với sự nhiệt tình, cẩn trọng trong công việc mà ít người làm được. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều đảng bộ xã ngoài huyện Bảo Yên cũng tìm đến ông Thành để nhờ tham gia sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ xã. Ở Bảo Thắng là các xã: Xuân Quang, Phong Niên, Bản Cầm, Bản Phiệt; ở Mường Khương là thị trấn Mường Khương, xã Bản Xen; ở Văn Bàn là xã Tân An, thị trấn Khánh Yên.

Vậy là, trên chiếc xe máy cũ, ông lại miệt mài với những chuyến đi, lặn lội vào những thôn, bản xa để tìm gặp những nhân chứng lịch sử, những cán bộ lão thành cách mạng, ghi chép lại những tư liệu lịch sử quý giá rồi về nghiền ngẫm, phân tích, chắp ghép lại tỉ mỉ từng ngày, từng tháng. Nơi góc nhà nhỏ với bộ máy tính bàn cũ kỹ đêm đêm đều sáng ánh đèn. Có nhiều đêm ông trằn trọc không sao ngủ được, trong đầu bộn bề suy nghĩ về những sự kiện lịch sử mới sưu tầm được, trong đó có những thông tin còn nhiều mâu thuẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Sự tận tụy, cần mẫn của cựu chiến binh đã được đền đáp xứng đáng khi những cuốn lịch sử đảng bộ các xã tươi thắm màu son lần lượt được ra mắt với những trang giấy thơm ngát. Chỉ khi đó, nhìn niềm vui trên gương mặt những cán bộ, đảng viên, lão thành cách mạng nơi ấy ông mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Chưa bằng lòng với những gì làm được và chưa dừng lại ở đó, hiện nay ông vẫn tiếp tục với công việc tham gia xây dựng đề cương và biên soạn lịch sử đảng bộ nhiều xã vùng cao khác như: Kim Sơn, Cam Cọn, Tân Tiến, Tân Dương, Điện Quan (Bảo Yên); Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung (Văn Bàn); Pha Long, Nấm Lư, Thanh Bình (Mường Khương), Bản Xèo (Bát Xát)…

Ông Nguyễn Trung Thành kể những kỷ niệm khi đi sưu tầm tư liệu lịch sử Đảng.

Ông Nguyễn Trung Thành kể những kỷ niệm khi đi sưu tầm tư liệu lịch sử Đảng.

Những kỷ niệm khó quên

Hơn 10 năm gắn bó với công việc thầm lặng tham gia sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành có nhiều kỷ niệm khó quên. Ông Thành nhớ lại: “Khi tôi sưu tầm tư liệu để biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Việt Tiến, một đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Bảo Yên khẳng định Chi bộ Điện Long là tiền thân của Đảng bộ xã Việt Tiến được thành lập năm 1947. Tuy nhiên, tôi đã chứng minh thông tin đó chưa chính xác mà phải là năm 1948, vì đồng chí Bí thư Chi bộ Điện Long được kết nạp Đảng ngày 1/5/1948. Khi tôi đưa ra tư liệu sưu tầm được tại hội thảo, các đại biểu tham gia đều tán thành và xác nhận tư liệu này là hoàn toàn chính xác”.

“Trong quá trình tìm hiểu lịch sử đảng bộ các xã trên địa bàn tỉnh, tôi không khỏi xúc động bởi những câu chuyện đồng bào, chiến sỹ ta dù phải hy sinh tính mạng vẫn anh dũng chiến đấu, một lòng theo Đảng và Bác Hồ, bà con vùng cao bất chấp sự đe dọa của địch vẫn bí mật nuôi giấu bộ đội, cán bộ Việt Minh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử địa phương, nhiều trường hợp chúng ta phải có cái nhìn trung thực, thẳng thắn và bao dung. Ví dụ như những người dân vô tội bọn phỉ bắt ép phải theo chúng những năm 1950 sau đó trở về được giác ngộ cách mạng. Những trường hợp như vậy, tôi đều ghi chép lại chi tiết và cẩn trọng, đưa ra hội thảo để các đại biểu cùng bàn luận, có cái nhìn sáng rõ”, ông Thành tâm sự.

Là người say mê nghiên cứu, am tường lịch sử, trong những năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành còn tích cực tham gia các cuộc thi viết tìm hiểu lịch sử trong và ngoài tỉnh. Năm 2006, ông đoạt giải Ba cuộc thi Tìm hiểu 60 năm thành lập lực lượng vũ trang Quân khu II (1946 - 2006) do huyện Bảo Yên tổ chức với bài thi dày 60 trang viết tay. Năm 2013, ông đoạt giải Khuyến khích cuộc thi viết “Bác Hồ với Lào Cai - Lào Cai làm theo lời Bác dạy” trong đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2013) do Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức; giải Khuyến khích cuộc thi viết “Quê hương xanh” do Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức. Năm 2014, cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành đoạt giải Nhất cuộc thi Tìm hiểu 65 năm chiến thắng Phố Ràng (26/6/1949 -26/6/2014) do Huyện ủy Bảo Yên tổ chức với bài thi dài 163 trang viết tay.

Năm nay đã bước vào tuổi 55, cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành vẫn nhớ rõ nhiều ngày tháng, sự kiện lịch sử quan trọng trong và ngoài tỉnh. Trò chuyện với ông, chúng tôi như bị cuốn hút vào những câu chuyện lịch sử hấp dẫn. “Tôi luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, nên dù vất vả tôi cũng gắng sức sưu tầm, ghi chép lại những trang sử vẻ vang của địa phương làm tư liệu giáo dục thế hệ sau luôn tự hào về truyền thống cách mạng và không được quên công lao của cha ông, sống có lý tưởng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

Bài cuối: Lan tỏa trong cộng đồng

Tuấn Ngọc – Tô Dung

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bai-3-nguoi-thu-ky-cua-lich-su-dang-bo-dia-phuong-z62n20190909155806854.htm