Bài 3: Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông MêKông xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy ở mức thấp, giảm nhanh và hiện đang xuống rất thấp so với trung bình nhiều năm. Do đó, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay xuất hiện sớm và sớm hơn so với hạn, mặn kỷ lục năm 2015-2016. Dự báo trong năm nay, hạn, mặn ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục tăng cao hơn, khả năng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Hạn, xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn khiến nguồn nước sinh hoạt thiếu hụt trầm trọng. Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có khoảng 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và dự báo thời gian tới con số này sẽ tăng lên gần 159.000 hộ khi hạn, mặn kéo dài.

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch huy động xe bồn lưu động chở nước ngọt cung cấp cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch huy động xe bồn lưu động chở nước ngọt cung cấp cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo

Khoảng 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Dù chưa phải là cao điểm chính của mùa hạn, mặn năm nay nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã bắt đầu thiếu nước sinh hoạt. Có thời điểm, hơn 1 tuần hệ thống cấp nước sinh hoạt không thể cung cấp nước cho người dân. Trong khi đó, những lu, bồn chứa nước mưa, nước tích trữ trước đó bắt đầu cạn kiệt. Bà Nguyễn Thị Phương, ngụ xã Tân Tập, cho biết: “Năm nay, mưa ít, nắng gắt khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, nhưng chúng tôi cũng bắt đầu quen với hạn, mặn. Nhưng khó khăn nhất vẫn là nguồn nước sinh hoạt, bởi người dân chúng tôi không thể chủ động trong thời gian dài, mùa khô năm nay chắc chắn tiếp tục thiếu nước sinh hoạt”. Theo thống kê, tại Long An, ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn sẽ tác động đến tình hình cấp nước tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ. Tuy nhiên, qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, hạn, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến việc cấp nước tại 4 xã: Tân Tập, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Tây và Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, với 7.940 hộ dân thiếu nước.

Tại tỉnh Cà Mau, ngay từ đầu mùa khô, thời điểm cuối năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 4.500 hộ thiếu nước, tập trung tại các huyện: Thới Bình, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Phú Tân và U Minh do ảnh hưởng của hạn khiến nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt tại các địa phương thiếu hụt nghiêm trọng. Đồng thời, xâm nhập mặn đã lấn sâu trong vùng ngọt hóa thuộc các huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. “Trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ngày càng lấn sâu vào các cửa sông và vùng ngọt hóa sẽ khiến chất lượng nước ngầm đi xuống, mực nước tĩnh sụt giảm đã khiến nhiều địa phương trong tỉnh thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 20.100 hộ khó khăn về nguồn nước sinh hoạt” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Lê Văn Sử cho biết. Tương tự tại các tỉnh: Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra khá trầm trọng.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến thời điểm hiện tại, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 79.700 hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn, mặn. Trong đó, tỉnh Bến Tre với 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ và Long An 7.940 hộ. Ngoài ra, nếu hạn, mặn năm nay tiếp tục diễn ra như trong đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016, toàn vùng ĐBSCL sẽ có gần 159.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Không để người dân thiếu nước ngọt

Mặc dù hạn, mặn năm nay được dự báo tương đương hoặc gay gắt hơn so với năm 2015-2016 nhưng khả năng mức độ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô sẽ giảm gần 90.000 hộ so với mức năm 2015-2016. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường, sau đợt hạn, mặn lịch sử, Chính phủ đã hỗ trợ ngân sách, các địa phương cũng chủ động kinh phí cùng sự hỗ trợ quốc tế, tư nhân để tập trung thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ bị ảnh hưởng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, các tỉnh ĐBSCL đã được hỗ trợ và cung cấp 21.900 bồn trữ nước ngọt cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó tỉnh Bến Tre 13.700 bồn, Tiền Giang 2.500 bồn, Sóc Trăng 332 bồn, Cà Mau 4.450 bồn và Long An 1.000 bồn. Ngoài ra, tại các tỉnh: Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau đã chủ động kéo dài 1.650km tuyến ống từ công trình cấp nước tập trung đối với các công trình còn thừa công suất cũng như khoan mới 14 giếng ngầm để cấp bổ sung cho các công trình cấp nước,…

Riêng tại Long An, trước tình hình thiếu nước, Sở NN&PTNT đã dự trù tổng kinh phí hỗ trợ nước sinh hoạt khẩn cấp cho vùng bị ảnh hưởng với kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng, dự kiến khối lượng nước hỗ trợ khoảng 10.000m3 và 160 bồn nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trong vùng ảnh hưởng. Tương tự, tại các tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau và Trà Vinh cũng đã xây dựng kế hoạch huy động xe bồn lưu động chở nước ngọt cung cấp cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo trong những ngày cao điểm của hạn, mặn.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị về công tác phòng, chống hạn, mặn đầu năm 2020 tại tỉnh Bến Tre với phương châm không để người dân thiếu nước sinh hoạt, địa phương nào để thiếu nước sinh hoạt, địa phương đó phải chịu trách nhiệm, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt nông thôn cũng như tuyên truyền, vận động người dân chủ động tích trữ nước sinh hoạt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường, về lâu dài, các địa phương cần tập trung bố trí nguồn vốn xây dựng các công trình như xây mới, nâng cấp, sửa chữa các trạm cấp nước tập trung, kéo dài các đường ống tuyến cũng như việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt từ hệ thống sông, kênh cụt để tận dụng khai thác nguồn nước ngầm. Bộ NN&PTNT cũng đề xuất với Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn, mặn.

Bà Sitara Syed - Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng, Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành và địa phương rất quan tâm đến việc phòng, chống hạn, mặn. Nhất là ngay trong thời điểm tháng 10-2019, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo, định hướng trong công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Bà Sitara Syed cho biết: “Chúng ta phải lưu tâm thêm đến những đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo, sống ở những khu vực ven sông, ven biển, khó khăn, chưa có khả năng tiếp cận được nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, cần bảo đảm gia đình họ, trẻ em, người già phải có nguồn nước uống bảo đảm vệ sinh,… Tiếp đó, chúng ta cần bảo đảm an ninh lương thực cho những hộ khó khăn này, giúp người dân trong những lúc khó khăn, cao điểm của hạn, mặn. Các địa phương cũng cần bảo đảm sinh kế cho các hộ dân, giúp họ có thêm thu nhập trong thời gian diễn ra hạn, mặn. Đặc biệt, hạn, mặn gây thiếu nước nên các địa phương rất cần quan tâm đến yếu tố bảo đảm sức khỏe, nhất là phòng tránh các bệnh ngoài da”. Bên cạnh đó, bà Sitara Syed khẳng định, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam sẵn lòng phối hợp Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương trong triển khai thực hiện các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài trong phòng, chống hạn, mặn và phát triển bền vững ĐBSCL./.

(còn tiếp)

Bài 4: Khẩn trương thực hiện các giải pháp ứng phó

Kiên Định

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/bai-3-nguy-co-thieu-nuoc-sinh-hoat-a91405.html