Bài 3: Những việc tưởng như không thể

Không chỉ hình thành thói quen, cung cách ứng xử mới trong mùa dịch Covid-19, người Hà Nội còn làm được những điều tưởng như không thể, đó là xóa tình trạng ăn uống linh đình, thiếu lành mạnh, đã trở thành 'thâm căn cố đế' trong quan điểm về việc cưới, việc tang ở nhiều vùng quê, nhiều địa phương. Những điều tưởng như không thể này cho thấy, nếu có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hoàn toàn có thể thay đổi những hủ tục, thói quen không phù hợp với đời sống văn minh.

Tổ chức quy mô nhỏ hoặc hoãn cưới trong bối cảnh dịch Covid-19 là việc làm cần thiết, văn minh, đáng được biểu dương. Trong ảnh: Một đám cưới thu hẹp quy mô được tổ chức ngày 12-3, tại phường Phú Lãm (quận Hà Đông). Ảnh: Khuê Diệp

Vượt rào cản "ma chê, cưới trách"

Người thân mất ngay trong ngày đầu cả nước thực hiện yêu cầu cách ly xã hội (ngày 1-4-2020), khiến gia đình anh Nguyễn Xuân Tr. ở thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai không tránh khỏi những giờ phút bộn bề lo lắng, làm sao để chu toàn việc hiếu, song vẫn bảo đảm các yêu cầu phòng dịch. Anh Nguyễn Xuân Tr. cho biết, tất cả người tham gia tang lễ đều tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giữ khoảng cách cần thiết. Gia đình cũng chủ động thông tin tới họ hàng, bằng hữu gần xa về chuyện tang ma, đồng thời đề nghị mọi người thực hiện thủ tục phúng viếng theo hình thức cử người đại diện.

Tương tự gia đình anh Nguyễn Xuân Tr., việc hiếu cũng đến với hai gia đình ông Tạ Văn T. ở thôn Phú Đa 1 và bà Nguyễn Thị Th. ở thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất ngay trong những ngày cả nước gồng mình chống dịch. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ nhớ lại, cả hai đám tang trên địa bàn xã đều diễn ra trong những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, được đại diện chính quyền, đoàn thể, Ban Công tác Mặt trận thôn vận động, tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện nghiêm các quy định ngăn ngừa dịch bệnh.

"Đám tang đầu tiên, người thân mất lúc 19h45 ngày 31-3, địa phương động viên gia đình khai tử lúc 23h đêm, phát tang lúc 2h sáng 1-4 và tiến hành các thủ tục trong cùng một ngày. Đám tang thứ hai, diễn ra vào 10h30 sáng 4-4, hoàn tất các thủ tục tang ma trong chưa đầy 24 giờ sau đó. Cả hai đám tang đều tuân thủ các yêu cầu phòng dịch, không ăn uống linh đình, hạn chế người thăm viếng và thực hiện hỏa táng", ông Đặng Văn Võ cho hay.

Cũng trong thời gian này, ở xã Cần Kiệm diễn ra ba đám cưới được coi là đặc biệt, khi các thủ tục cưới hỏi được thực hiện trong nội bộ gia đình, toàn bộ tiệc mừng được dừng, hoãn.

Tương tự, ở quận Thanh Xuân, nhiều đám cưới được tổ chức dưới hình thức báo hỷ, không tổ chức cỗ bàn, tập trung đông người; đám tang thu gọn các nghi lễ, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm sự trang nghiêm, thành kính. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Thu Trang, cưới xin là chuyện hệ trọng của đời người, nên nhiều sự kiện được lên lịch hằng tháng, hằng năm, chờ ngày tốt để tiến hành. Tương tự, việc tang là lễ nghi quan trọng, thể hiện sự tưởng nhớ và tôn trọng dành cho người đã khuất, ai cũng muốn tổ chức đầy đủ lệ tục, tránh điều tiếng "ma chê, cưới trách".

“Thế nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sự vào cuộc của chính quyền và các đoàn thể, nhiều đám cưới đã chủ động gói gọn nghi thức, tiệc mừng trong phạm vi gia đình, nhiều đám tang cũng lựa chọn cách thức tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, bỏ ăn uống dềnh dang và bày vẽ tốn kém... Điều này cho thấy trách nhiệm cộng đồng đã được đặt lên trên mong muốn cá nhân hay những lo lắng vô hình từ định kiến”, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.

Không để hiệu ứng nhất thời

Những yêu cầu bắt buộc về cách ly, giãn cách, phòng chống dịch bệnh lây lan đã âm thầm tạo cho người Hà Nội cung cách ứng xử mới trong cuộc sống đời thường. Những đòi hỏi tất yếu của một xã hội văn minh, mà trước đây dù được nói đến, được phát động thành phong trào, song không phải ai cũng nhất tâm thực hiện, thì nay đã được tuân thủ một cách tự nguyện và chủ động, tạo thành làn sóng lan tỏa.

Chỉ trong ít ngày cuối tháng 3-2020, UBND quận Thanh Xuân đã khen thưởng đột xuất gần 50 hộ gia đình vì có ý thức trong việc cưới hỏi. Trước đó, UBND quận Bắc Từ Liêm cũng vinh danh 46 gia đình trên địa bàn tiến hành hoãn cưới hoặc chuyển sang hình thức báo hỷ để phòng, ngừa dịch Covid-19... Sự động viên, khích lệ kịp thời này cũng diễn ra tại nhiều huyện, như: Đông Anh, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Quốc Oai..., nơi xuất hiện nhiều mô hình cưới, tang văn minh để phòng ngừa dịch bệnh.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận đã trích Quỹ Thi đua - khen thưởng để tặng thưởng mỗi gia đình 894.000 đồng. Việc này nhằm tôn vinh những hành động đẹp vì cộng đồng, đồng thời khuyến khích, duy trì, nhân rộng hơn nữa những mô hình đẹp này.

Hà Nội từ lâu đã triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc thực hiện cưới, tang, lễ hội văn minh, tiết kiệm là một trong những nội dung trọng tâm. Khi dịch Covid-19 xảy ra, cùng với việc dừng tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong đám cưới, đám tang càng trở nên có ý nghĩa.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương tăng cường khuyến cáo, vận động người dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và thành phố. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, như: Tổ chức cưới trong 1 ngày theo hình thức báo hỷ, tiệc trà trong nội bộ gia tộc, hạn chế tối đa việc ăn uống tập trung đông người... Đặc biệt, khi tổ chức, gia đình cần phối hợp với cơ quan y tế địa phương để tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế.

"Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã, phong trào cưới, tang văn minh lồng ghép vào phòng, chống dịch bệnh đã và đang được nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô hưởng ứng tích cực, với những cách làm sáng tạo, đi kèm sự động viên, khích lệ kịp thời của chính quyền địa phương", bà Bùi Thị Thu Hiền ghi nhận.

Trong quan niệm dân gian, cưới xin, ma chay là nghi thức quan trọng, luôn được chuẩn bị chu đáo, với sự tham gia của rất nhiều người. Chính vì vậy, những sự kiện này cũng dễ phát sinh hiện tượng câu nệ, biến tướng, nhất là việc tổ chức ăn uống tràn lan, lãng phí, mà các cấp, ngành và đông đảo người dân luôn lên án, quyết tâm đẩy lùi nhiều năm qua.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức cho rằng, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 với cộng đồng, mô hình việc cưới gọn nhẹ, ấm cúng, việc tang không đặt nặng chuyện ăn uống, cỗ bàn, không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa, mà còn để lại ấn tượng đẹp với xã hội về ý thức, trách nhiệm chung tay của mỗi gia đình.

"Đây là những điều căn cốt trong văn hóa ứng xử cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng, để nếp sống văn minh trong giai đoạn phòng, chống dịch không chỉ là hiệu ứng nhất thời, mà trở thành nếp sống, thói quen lan tỏa bền lâu và mạnh mẽ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh trong nhân dân Thủ đô", ông Nguyễn Viết Chức bày tỏ.

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/972792/bai-3-nhung-viec-tuong-nhu-khong-the