Bài 3: Nỗ lực không bỏ lọt nguồn thu từ hoạt động livestream bán hàng

Dù kết quả quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đã có những bước tiến đáng kể nhưng công tác này chưa bao giờ là dễ dàng đối với ngành Thuế bởi sự phát triển quá nhanh với nhiều phương thức khác nhau liên tục nở rộ. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải nỗ lực để chống thất thu, tạo sự công bằng với những phương thức kinh doanh truyền thống.

Hình thức livestream bán hàng đang phát triển nở rộ.

Hình thức livestream bán hàng đang phát triển nở rộ.

Khó "truy vết"

Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay, còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý thuế TMĐT. Đầu tiên là về cơ chế chính sách. Thực tiễn cho thấy, ngoài các hình thức kinh doanh TMĐT truyền thống (qua sàn giao dịch TMĐT được thành lập theo quy định của pháp luật) thì còn phát sinh nhiều hình thức TMĐT mới (bán hàng live stream, sử dụng công nghệ thực tế ảo không chỉ trên các nền tảng số mà cả từ lĩnh vực viễn thông - thuê bao điện thoại), các hàng hóa dịch vụ không chỉ mang tính vật lý và nội dung số thông thường mà đã phát sinh nhiều hình thức hàng hóa dịch vụ mới phi truyền thống (tài sản số).

Do đó, các cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực thuế nói riêng và lĩnh vực chuyên ngành khác nói chung vẫn chưa bao quát hết các hoạt động TMĐT, từ đó chưa nhận diện được đầy đủ các hình thái, mô hình và cách thức hoạt động của toàn bộ hệ sinh thái TMĐT, để từ đó có những quy định quản lý đặc thù, phù hợp, hiệu quả đối với các mô hình khác nhau và quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh TMĐT.

Điều 17 Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 quy định, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh TMĐT. Tổ chức, cá nhân kinh doanh cần chủ động kê khai, nộp thuế để đảm bảo sự tôn nghiêm, bình đẳng, minh bạch trong chấp hành pháp luật về thuế.

Một khó khăn khác đó là việc định danh các đối tượng kinh doanh TMĐT. Theo Tổng cục Thuế, định danh là việc đầu tiên cần phải thực hiện trong công tác quản lý thuế. Để có đủ cơ sở đưa các đối tượng kinh doanh TMĐT vào diện quản lý thuế thì cơ quan thuế phải có đầy đủ thông tin xác thực về tên, địa chỉ, căn cước công dân, mã số thuế... theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, thông tin do sàn cung cấp và thông tin thu thập từ các nguồn khác còn chưa đầy đủ để định danh toàn bộ tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, từ đó gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý thuế.

Trong công tác tuyên truyền, hiện nay cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định do loại hình kinh doanh của nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ cao, không có hiện diện tại Việt Nam, phạm vi hoạt động và có trụ sở ở khắp nơi trên thế giới. Các biện pháp quản lý thuế truyền thống đang thực hiện với các doanh nghiệp, đơn vị cá nhân trong nước khó thực hiện, không phù hợp khi áp dụng với các nhà cung cấp nước ngoài.

Cùng với đó, cơ sở dữ liệu TMĐT còn một số hạn chế như: mới chỉ thu thập được từ các sàn giao dịch TMĐT, chưa có cơ chế thu thập thông tin từ các nền tảng TMĐT khác; thông tin do sàn cung cấp và thông tin thu thập từ các nguồn khác còn chưa đầy đủ để định danh toàn bộ tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, chưa kiểm soát đầy đủ được các giao dịch kinh doanh, giao dịch thanh toán xuyên biên giới.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cho biết, việc định danh, xác thực cá nhân, tổ chức là vấn đề quan trọng để phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... còn chậm và chưa đồng bộ. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành trong thời gian qua chủ yếu theo phương thức thủ công, chưa được thực hiện theo hình thức điện tử để đảm bảo chính xác, thường xuyên, liên tục, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý.

Siết quản lý hoạt động livestream bán hàng

Để nâng cao nhận thức của người nộp thuế, cơ quan thuế các cấp đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế; cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp có phát sinh doanh thu từ hoạt động này chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, kịp thời.

Như trường hợp một cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ sau khi cơ quan thuế rà soát mới thực hiện kê khai thu nhập phát sinh năm 2020, 2021 từ hoạt động sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo trên Google là 434 tỷ đồng. Cá nhân này phải nộp tiền thuế lên đến 30,3 tỷ đồng (chưa tính tiền chậm nộp và tiền phạt). Hay trước đó là một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm bằng hình thức livestream, nhận tiền qua các tài khoản ngân hàng và thu tiền trực tiếp đã có doanh thu trên 499 tỷ đồng từ 2013-2016 và số thuế nộp trên 9 tỷ đồng.

Đặc biệt, hơn 1 năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, livestream (phát video trực tiếp) bán hàng được xem là giải pháp kinh doanh hiệu quả. Theo "Báo cáo shoppertainment 2024: Tương lai của tiêu dùng và thương mại châu Á - Thái Bình Dương” do TikTok phát hành mới đây, số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong 1-2 năm tới, khi 93% người tiêu dùng mong muốn tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm - giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, cơ quan thuế đã kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân), với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỉ đồng.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những nút thắt lớn nhất trong việc thu thuế từ hoạt động livestream bán hàng là thiếu thông tin và công cụ giám sát hiệu quả. Các phiên livestream diễn ra nhanh chóng và có thể bị xóa sau khi kết thúc, khiến việc truy thu thuế trở nên khó khăn.

Hơn nữa, phần lớn các chủ thể tham gia livestream bán hàng đều là các cá nhân. Các đối tượng này chưa dành sự quan tâm đúng mực đến các vấn đề về thuế, hoặc chưa nắm vững các quy định pháp luật về thuế, bởi các vấn đề trên là tương đối phức tạp. Vì vậy, các chủ thể này thường dễ rơi vào tình huống vi phạm các quy định pháp luật về quản lý thuế, dẫn đến việc bị truy thu, chịu các chế tài khác trong lĩnh vực thuế.

Mặc dù cơ quan thuế có thể truy cập thông tin trên các nền tảng mạng xã hội và yêu cầu người livestream cung cấp sao kê ngân hàng, và thông tin sử dụng dịch vụ của đơn vị vận chuyển để yêu cầu cá nhân livestream nộp thuế. Tuy nhiên, giải pháp này khó áp dụng trên diện rộng, và cho dù cơ quan thuế có yêu cầu cung cấp sao kê ngân hàng, rất khó để xác định được giao dịch chuyển tiền nào là hoạt động kinh doanh, giao dịch nào là giao dịch dân sự thông thường khác.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học Viện Tài chính, bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội hay livestream là một phương thức bán hàng mới đang phát triển mạnh trong kinh doanh trực tuyến. Ngoài phương thức này chúng ta còn nhiều những phương thức TMĐT khác, chưa kể có thể phát sinh thêm các phương thức mới trong thời gian tới. Nộp thuế kinh doanh online là công bằng với các hình thức kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, chỉ có sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan với các nhà mạng, các sàn TMĐT thì việc thu thuế mới hiệu quả.

Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và các chế tài xử lý thuế để tổ chức, cá nhân kinh doanh online tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế. Đối với trường hợp có phát sinh thuế lớn nhưng cố tình không chấp hành sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Cũng liên quan đến việc quản lý thuế với hộ cá nhân kinh doanh, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu xây dựng Cổng thông tin điện tử cho cá nhân kinh doanh TMĐT tại Việt Nam, thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế. Điều này sẽ giúp thuận lợi hơn cho người nộp thuế, có thể kê khai và nộp thuế một cách chủ động về mặt thời gian và địa điểm.

Chị Ngô Lan Hương (Lào Cai) có cửa hàng kinh doanh truyền thống từ năm 2018. Nhưng từ năm 2021, chị chuyển sang kinh doanh online và đến nay doanh thu tại kênh này cao hơn kênh truyền thống rất nhiều lần. Dù vậy, chị vẫn đóng thuế khoán theo mức khoán cũ tại cửa hàng, mà không rõ việc kê khai và nộp thuế cho kinh doanh online ra sao. Mới đây, được cán bộ thuế hướng dẫn, chị Lan Hương đã nắm được cơ bản các quy định pháp luật về đăng ký, kê khai và nộp thuế cho các hình thức kinh doanh.

“Nhờ sự hướng dẫn kịp thời của cán bộ thuế đã giúp tôi đăng ký thuế online, có thể đóng online. Tuy là vẫn bị phạt mất 1.5% là đóng thuế và 0,03% là tiền phạt do những khoản trước đó nhưng cũng không đáng kể. Tôi luôn mong muốn chấp hành đúng pháp luật để có thể yên tâm kinh doanh”, chị Ngô Lan Hương chia sẻ.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-3-no-luc-khong-bo-lot-hoat-dong-livestream-ban-hang.html