Bài 3: Nối tiếp truyền thống 'Lớp cha trước, lớp con sau'

Sân bay Tuy Hòa rộng mênh mông với những trảng phi lao dài ngút ngát. Ở đó, mỗi sáng thức dậy trong những căn nhà giữa rừng phi lao luôn là những buổi sáng trong trẻo nhất trong cuộc đời mỗi phi công.

Nói đến sân bay Tuy Hòa, người ta hay nhắc đến Trung đoàn 910, trung đoàn huấn luyện phi công phản lực L-39. Nhưng từ hơn một năm nay, Tuy Hòa còn gắn với một cái tên lạ lẫm mà quen thuộc: Trung đoàn 915. Chinh phục những chiếc Mi-8 với sải cánh rộng luôn là những thử thách mà mỗi học viên phi công quân sự háo hức muốn vượt qua.

Căn nhà giản dị, nơi ở của những giảng viên bay chợt lung linh và thiêng liêng đến lạ khi ở đó, chúng tôi được mắt thấy, tai nghe những câu chuyện cảm động đến nao lòng. Thiếu tá Đoàn Quang Hợp, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 915 kể, bố anh là Trung tá Đoàn Văn Hữu, nguyên Chủ nhiệm bay trung đoàn 910, giảng viên của máy bay L-39. Lúc được trở thành phi công cũng là khi anh mới hiểu được bố một cách trọn vẹn và hiểu được cái nghề mà bố đã chọn, đã yêu.

Ở mỗi trung đoàn huấn luyện bay của Trường Sĩ quan Không quân, bên những cánh bay, từ Yak-52, L-39 đến Mi-8, đều có những câu chuyện như thế về tình cha-con, anh-em, chú-cháu, thầy-trò, về sự tiếp nối vững vàng như một mạch nguồn.

 Nhân viên kỹ thuật trực thăng Mi-8 kiểm tra công tác bảo đảm kỹ thuật trước khi bay.

Nhân viên kỹ thuật trực thăng Mi-8 kiểm tra công tác bảo đảm kỹ thuật trước khi bay.

Đại tá Chu Văn Thanh, Phó trưởng Phòng Quân huấn, Trường Sĩ quan Không quân tâm sự, anh đã có đến 40 năm gắn bó với nhiệm vụ huấn luyện cho phi công quân sự dưới mái trường này. Chỉ một lần cất cánh thôi thì cảm giác lần đầu tiên ấy sẽ theo mỗi phi công đến suốt cuộc đời. Cảm giác ấy cứ lớn dần lên theo mỗi chuyến bay, thậm chí, còn vượt ra khỏi cái hữu hạn của đời người bằng một tình yêu cha truyền, con nối. Khi con trai trưởng thành, anh đã định hướng cho con nối nghiệp mình bằng chính niềm tin mà anh đã tạo dựng được bên những chiếc máy bay huấn luyện. Kể về cậu con trai đang công tác tại Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân, Đại tá Chu Văn Thanh không giấu được niềm tự hào. Người phi công trẻ nối nghiệp cha mình đã gặp bất trắc trên máy bay Ka-28 và cũng đã xử lý thành công.

Thượng úy Dương Hồng Quỳnh, giảng viên Phi đội 2, Trung đoàn 910, con trai của Thượng tá Dương Hồng Trường, Phó tham mưu trưởng Trường Sĩ quan Không quân thì trải lòng với chúng tôi bằng những kỷ niệm về người cha, cũng là người thầy, người đồng chí. Anh bảo, kỷ niệm nhớ nhất trong đời, là lần đầu tiên được bay cùng chuyến với cha mình. Trên trời, có bố ngồi cùng khoang lái, chẳng khác gì ngày xưa đi chơi, được bố chở bằng xe máy. Thật ấm áp và an lòng...

Có rất nhiều người con, người em, người cháu đã kế tục sự nghiệp của cha, của anh, của chú mình như vậy, bằng một tình yêu bất tận với bầu trời. Trung úy Nguyễn Văn Hiền đã trở thành lính bay ở Trung đoàn 920 sau người anh trai của mình, Thượng úy Nguyễn Văn Thảo chỉ hai năm. Thượng sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, học viên phi đội 1, Trung đoàn 910, mỗi chuyến bay đều tâm niệm, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ của một học viên về từ miền đất Tây Nguyên, mà còn để viết tiếp tình yêu bầu trời của người chú là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu đã hy sinh từ vài năm trước.

Trong mỗi bài giảng của Thượng tá Đào Việt Hưng, Chính ủy Trung đoàn 910, không chỉ có những kiến thức về nghề bay mà còn có cả câu chuyện về đức hy sinh của người thầy, Anh hùng LLVT nhân dân, Liệt sĩ Dương Văn Thanh. Khi máy bay gặp nạn lúc đang huấn luyện, người thầy ấy đã nhường cơ hội sống duy nhất cho anh, người học trò cùng chuyến bay. Tình yêu với bầu trời đã kết nối những con người ấy với nhau, gắn họ thành tri kỷ, để tạo ra một mạch nguồn.

Với Đại tá Vũ Đức Quý, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân, khi còn là phi công, một tuần không được bay thường dài như vô tận. Ấy vậy nên giờ đây, đã hết tuổi bay theo quy định, thì nỗi nhớ bầu trời vẫn da diết, nhất là mỗi buổi bình minh hay lúc hoàng hôn. Trong câu chuyện với chúng tôi, người thầy đã dành cả cuộc đời cho học trò trên những giảng đường mây dường như đang trở về miền ký ức biếc xanh. Ở đó, có những phút giây đầu tiên trái tim của cậu thanh niên ở vùng cao ngân lên khi đọc tiểu thuyết “Vùng trời” của nhà văn Hữu Mai. Ở đó có kỷ niệm về chuyến bay đơn, chuyến bay đầu tiên kèm học viên khi anh còn rất trẻ. Ở đó có cả những khó khăn bộn bề của Trung đoàn 910 nơi anh công tác khi mới chuyển căn cứ về sân bay Tuy Hòa. Những mùa huấn luyện, đèn pha của trung đoàn đến sớm hơn ánh mặt trời. Những chuyến bay trinh sát khí tượng xuyên qua bình minh… Cuộc đời Đại tá Vũ Đức Quý đã đi qua bao mùa nắng để giờ đây, khi không còn được cất cánh lên bầu trời thì hành trang trong cuộc đời của một giảng viên bay vẫn bừng lên bằng những khát khao mãnh liệt.

Có lẽ thật khó tả nỗi nhớ ấy, tình yêu ấy. Chỉ có một thứ mỗi chúng tôi đều cảm nhận và nhìn rất rõ, đó là trên mỗi sân bay huấn luyện, trên mỗi giảng đường mây, những chiếc máy bay cứ ngày ngày cất cánh. Những chuyến bay nối tiếp nhau. Có những người từ học viên đã trở thành giảng viên, rồi con của họ, trò của họ cũng trở thành giảng viên như họ, để khi về mỗi sân bay, mỗi đơn vị không quân chiến đấu, họ đều thấy bóng hình mình trong những học viên đã vươn mình như Phù Đổng, và để tình yêu với bầu trời mãi xanh như sức trẻ tuổi đôi mươi.

Bài và ảnh: HỒNG LINH, NGUYÊN NHI, MAI ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-quan-doi-anh-hung-quoc-phong-vung-manh/bai-3-noi-tiep-truyen-thong-lop-cha-truoc-lop-con-sau-604819