Bài 3: Sự lựa chọn đúng đắn
Vào nửa cuối năm 1929, ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn lần lượt được thành lập. Đó là sự lựa chọn đúng đắn, khẳng định bước phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra rằng những điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản đã hoàn toàn chín muồi trên phạm vi cả nước.
1. Trở lại tình hình, vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, Bắc Kỳ là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh hơn cả so với các vùng khác trong cả nước. Tại đây, hai tổ chức là Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và Việt Nam Quốc dân đảng đang ra sức hoạt động nhằm lôi kéo và tranh giành quần chúng. Trong khi Việt Nam Quốc dân đảng ngày càng tỏ ra lúng túng về phương thức hoạt động thì Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập hoạt động ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, thông qua phong trào "Vô sản hóa" và nhất là chịu tác động trực tiếp của phong trào cộng sản, nhiều hội viên thanh niên tiên tiến - những học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - đã sớm nắm bắt được các yêu cầu của thời cuộc và nhanh chóng nhận thấy sự cấp thiết phải thành lập một Đảng Cộng sản để thay thế Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên lãnh đạo và đưa phong trào cách mạng ở Việt Nam tiến lên.
Bước sang năm 1929, tình hình cách mạng Việt Nam có nhiều chuyển biến. Đầu tháng 5-1929, tại Đại hội I Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ đã đưa ra đề nghị giải tán tổ chức thanh niên và thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị này không được chấp nhận, Đoàn bỏ ra về.
Sau khi về tới Hà Nội, ngày 1-6-1929, Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ ra Tuyên ngôn giải thích lý do họ bỏ đại hội ra về và chỉ ra những điều kiện khách quan và chủ quan đã chín muồi để thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân. Đến ngày 17-6-1929, 20 đại biểu ưu tú của Kỳ bộ Bắc Kỳ nhóm họp tại nhà số 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị đã thông qua tuyên ngôn, điều lệ và quyết định xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận của Đảng. Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng đã xác định rõ tính chất của Đảng: "Đông Dương Cộng sản Đảng là đảng cách mạng, đại biểu cho tất cả anh chị em vô sản giai cấp (tức thợ thuyền) ở Đông Dương. Đảng Cộng sản là đảng bênh vực cho toàn thế giới vô sản giai cấp, nhưng chỉ gồm những người nào giác ngộ cách mạng, tiên tiến hơn cả trong giai cấp vô sản".
Nội dung Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng cũng cho thấy trình độ, trí tuệ, tinh thần cách mạng của người soạn thảo. Những nội dung của đường lối chính trị đề ra trong Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng đã nhằm vào giải quyết những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của xã hội Việt Nam và đặt trong khuôn khổ chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Những người khởi xướng và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng đã quán triệt những quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong Đường kách mệnh (1927) về con đường cách mạng Việt Nam, về vấn đề xây dựng đảng cách mạng. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu: "Đông Dương Cộng sản Đảng là tổ chức cộng sản đầu tiên trên nước Việt Nam. Nó khai trương một thời kỳ mới. Nó là kết quả tất yếu của sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, của phong trào dân tộc và phong trào công nhân phát triển từ sau Chiến tranh thế giới 1914-1918".
2. Sau khi ra đời, đi cùng với công tác tuyên truyền, Đông Dương Cộng sản Đảng cử người vào Nam Kỳ và đi về các địa phương xây dựng, phát triển cơ sở. Đến tháng 8-1929, nhiều cơ sở đảng, nhất là ở Bắc Kỳ được thành lập. Sự phát triển mạnh mẽ của Đông Dương Cộng sản Đảng tác động tích cực đến bộ phận còn lại của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và đến những đại biểu chân chính cách mạng của Tân Việt Cách mạng Đảng, dẫn tới sự ra đời của những tổ chức cách mạng khác vào cuối năm 1929.
Tháng 8-1929, hơn 20 đại biểu tiên tiến của Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ do Châu Văn Liêm phụ trách họp tại khách sạn ở góc đường Bonard - Filipini (nay là góc đường Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Về lý do thành lập An Nam Cộng sản Đảng, trong "Lời thông cáo giải thích cho đồng chí vì sao phải tổ chức Đảng Cộng sản An Nam" nêu rõ: "Ở An Nam phải tổ chức Đảng Cộng sản là vì hoàn cảnh An Nam, vì sự giác ngộ của những người cách mạng An Nam mà phải tổ chức...".
Điều lệ An Nam Cộng sản Đảng ghi rõ: "An Nam Cộng sản Đảng là chi bộ của Quốc tế Cộng sản nên gọi là An Nam Cộng sản Đảng chi bộ Quốc tế Cộng sản". Về điều kiện vào Đảng: "Ai tin theo chương trình của Quốc tế Cộng sản, hăng hái phấn đấu trong một bộ phận Đảng, phục tùng mệnh lệnh Đảng và góp nguyệt phí, có thể cho vào đảng được". Tuy nhiên, "vào đảng phải qua một thời kỳ dự bị để hiểu cho thấu chương trình và chính sách của Đảng, để Đảng xét tư cách và năng lực từng người".
Sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng đã chứng tỏ việc thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam đã trở nên chín muồi, phù hợp với yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng thời, An Nam Cộng sản Đảng đã góp phần quan trọng đưa chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, góp phần cho xu hướng cộng sản phát triển mạnh mẽ và ngày càng thắng thế ở Việt Nam.
Đến thời điểm này, cùng với quá trình phân hóa trong Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên dẫn tới sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, xu hướng cộng sản ngày càng lôi cuốn và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng. Theo đó, tháng 9-1929, các đại biểu chân chính của Tân Việt Cách mạng Đảng họp tại Sài Gòn ra "Tuyên đạt" thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Đến cuối tháng 12-1929, các văn kiện của Đông Dương Cộng sản liên đoàn được chính thức thông qua, đánh dấu quá trình hoàn tất việc thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Các đảng viên của Đảng đều là những cá nhân tiên tiến trong Tân Việt Cách mạng Đảng, được giác ngộ cộng sản, đã thoát ly khỏi ảnh hưởng của những người lãnh đạo có khuynh hướng quốc gia cải lương trong Tân Việt Cách mạng Đảng. Cũng từ đây, các tổ chức cơ sở của Tân Việt Cách mạng Đảng đã căn cứ vào nghị quyết, lần lượt tổ chức ra các chi bộ Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
Tóm lại, chỉ trong một thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản đã nối tiếp nhau ra đời trên đất nước Việt Nam. Đó là sự lựa chọn đúng đắn, là sự kiện vô cùng mới mẻ, là bước phát triển nhảy vọt của sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, của phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Các tổ chức cộng sản ra đời hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển khách quan tất yếu của cách mạng Việt Nam, đi đúng quỹ đạo của thời đại, đáp ứng đúng nguyện vọng và ý chí của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Cả ba tổ chức đều có những nhược điểm của thời kỳ mới ra đời, nhưng đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của lịch sử. Hơn nữa, sự xuất hiện và tăng cường hoạt động của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn vào nửa sau năm 1929 đã khẳng định bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, chứng tỏ hệ tư tưởng cộng sản đã giành được ưu thế mạnh mẽ trong phong trào dân tộc.
(Còn nữa)
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/955788/bai-3-su-lua-chon-dung-dan