Bài 3: Tiếp tục nâng chất lượng bảo đảm hậu cần
Năm 2022, công tác hậu cần (CTHC) được triển khai trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, song, ngành hậu cần Quân đội (HCQĐ) đã nỗ lực khắc phục, đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.
Bài 1: Tạo chuyển biến vững chắc về chất lượng huấn luyện
Bài 2: Nhiều dấu ấn hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị
Trước yêu cầu nhiệm vụ năm 2023 đòi hỏi ngày càng cao, Tổng cục Hậu cần (TCHC) và ngành HCQĐ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, lựa chọn những khâu đột phá, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ CTHC, nhất là khi ngành đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh tổ chức, biên chế...
Những đột phá ấn tượng
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, cho biết: Trong năm 2022, ngành HCQĐ đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) thường xuyên và các nhiệm vụ đột xuất, tập trung bảo đảm cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, ở địa bàn trọng điểm.
Đặc biệt, TCHC đã chỉ đạo toàn ngành rà soát, bổ sung kịp thời hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến; chủ động chuẩn bị chu đáo nội dung, tham gia diễn tập tác chiến chiến lược đạt kết quả tốt. Toàn ngành chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, vật chất tham gia hiệu quả công tác phòng, chống, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ-cứu nạn. Công tác xây dựng và hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ cũng được đẩy mạnh...
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, năm 2022, công tác bảo đảm quân nhu đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong việc đổi mới phương thức bảo đảm gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội, tạo nguồn vật chất theo phân cấp.
Theo Thiếu tướng An Phương Nam, Cục trưởng Cục Quân nhu, ngành quân nhu đã nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức bếp ăn, nuôi dưỡng bộ đội sát với yêu cầu, nhiệm vụ; chỉ đạo quân nhu các đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất với các mô hình hiệu quả, phù hợp, như: “Vườn rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”, “Vườn cây ăn quả tập trung”, “Nuôi gà thịt theo hướng công nghiệp”... Nhờ đó, chất lượng bữa ăn của bộ đội được giữ vững và ngày càng nâng lên.
Công tác bảo đảm xăng, dầu năm 2022 gặp nhiều khó khăn do nguồn nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột quân sự Nga-Ukraine. Mặc dù vậy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Xăng dầu cho biết: Dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy TCHC, Cục Xăng dầu đã chủ động nghiên cứu, khảo sát, tham mưu, đề xuất kế hoạch mua sắm tạo nguồn đúng thời điểm; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cả trong và ngoài Quân đội để điều chế, sản xuất nhiên liệu thay thế, khai thác triệt để nguồn hàng sản xuất trong nước, từng bước khắc phục tình trạng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, tổ chức đấu thầu rộng rãi, đúng quy định trong mua sắm phương tiện kỹ thuật, vật tư xăng, dầu, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần thường xuyên, năm 2022, công tác huấn luyện hậu cần đã tạo được những đột phá, đem lại hiệu quả rõ rệt. TCHC đã tổ chức nhiều hội thi, hội thao đối với đội ngũ cán bộ hậu cần thuộc các cơ quan, đơn vị nội bộ và ngành hậu cần toàn quân.
Nổi bật là, đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thành công hội nghị tập huấn hậu cần toàn quân với nhiều điểm đổi mới, sáng tạo, tập trung vào các vấn đề mới, thiết thực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Ngoài nội dung kiểm tra lý thuyết kiến thức chuyên ngành, ban tổ chức đã kiểm tra, đánh giá toàn diện về kiến thức quân sự, quốc phòng; tổ chức cho cán bộ tập huấn tham quan thực binh về mô hình, hoạt động của bệnh xá và các kho xăng dầu, quân nhu trong tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố.
Những mô hình này được thủ trưởng Bộ Quốc phòng và chỉ huy các cơ quan, đơn vị đánh giá cao, áp dụng hiệu quả trong các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố sau đó. Trong nội bộ, TCHC đã tổ chức tốt tập huấn cán bộ cơ quan, đơn vị theo phân cấp; tổ chức thành công các hội thi, kiểm tra cán bộ, nhân viên các cấp và tham gia Hội thao Quân sự quốc tế đạt kết quả cao...
Được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chọn làm điểm về chuyển đổi số, Đảng ủy, chỉ huy TCHC đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các biện pháp, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số CTHC Quân đội. Qua kiểm tra, tham quan, các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng đánh giá cao những kết quả bước đầu đạt được trong công tác chuyển đổi số mà TCHC đang triển khai thực hiện...
Tiếp tục đổi mới, nâng tầm công tác hậu cần
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua các hội nghị của ngành và TCHC, nhiều ý kiến đã đánh giá, CTHC năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tiến độ mua sắm, tạo nguồn một số mặt hàng còn chậm; công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội chưa toàn diện; có đơn vị còn chậm khắc phục những sai sót trong công tác quản lý chất lượng công trình... Việc tuyên truyền, nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả trong Phong trào thi đua “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy” có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức; một số cơ quan, đơn vị chưa linh hoạt, sáng tạo, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh trong tổ chức thực hiện phong trào nên kết quả chưa cao...
Tại hội nghị công tác hậu cần toàn quân tổ chức cuối năm 2022, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: Năm 2023, CTHC tiếp tục gặp nhiều khó khăn, với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, nhất là khi ngành HCQĐ đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh tổ chức, biên chế theo nghị quyết của các cấp và kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của cấp trên, gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu CTHC, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và trách nhiệm, hành động.
Thượng tướng Vũ Hải Sản cũng yêu cầu, các cơ quan, đơn vị cần tập trung đồng bộ những biện pháp, bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên và đột xuất, nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa...
Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ; thực hiện nghiêm việc điều chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng hậu cần có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, đồng bộ; từng bước đổi mới trang bị, phương tiện, vật chất hậu cần đồng bộ với vũ khí, trang bị, nhất là đối với các đơn vị, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án ngành hậu cần bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Ngoài những nội dung trên, theo Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm TCHC, năm 2023, các cơ quan, đơn vị cần chủ động phát huy nội lực, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần.
Tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng bộ đội; đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo đảm môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội. Toàn quân thực hiện tốt quy hoạch, quản lý quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại, đầu tư xây dựng các dự án, công trình theo đúng quy định; hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác xăng, dầu, vận tải, bảo đảm hiệu quả, an toàn.
Toàn ngành hậu cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và quyết liệt triển khai đề án chuyển đổi số; tổ chức huấn luyện hậu cần cho các đối tượng sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ; phát huy hiệu quả Phong trào thi đua "Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy" gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động, đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Sau thời gian ngắn triển khai, đến nay, TCHC đã xây dựng được phòng điều hành chuyển đổi số, đóng vai trò “bộ não” tổng hợp, chỉ huy, điều hành; là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực của ngành hậu cần, giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp theo dõi, chỉ đạo, ra quyết định nhanh chóng, chính xác.
Ngoài ra, TCHC đã tập trung xây dựng báo cáo tổng quan CTHC cho các chuyên ngành; Cục Doanh trại đã hệ thống, chuẩn hóa dữ liệu toàn ngành thành một mẫu báo cáo chung; ngành quân y đã triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý đầy đủ các thông tin tiền sử bệnh tật của quân nhân, từ đó, có các chỉ đạo kịp thời về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe bộ đội...
Kết quả chuyển đổi số sẽ góp phần tạo bước đột phá cho công tác bảo đảm hậu cần trong thời gian tới.