Bài 3: Tôn chỉ, mục đích của những trái tim nhân ái

Điều đặc biệt tôi nhận ra đầu tiên, tuy rất đơn giản mà thiết thực là khâu chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân và cả thân nhân nuôi bệnh do bệnh viện hoàn toàn đảm trách, không 'khoán trắng' cho các đơn vị nhà thầu bên ngoài như các bệnh viện tư nhân.

Mặt tiền Viện Tim TP. Hồ Chí Minh với bức tượng người sáng lập bệnh viện - Giáo sư, Viện sĩ Dương Quang Trung. Ảnh: vientimtphcm

Mặt tiền Viện Tim TP. Hồ Chí Minh với bức tượng người sáng lập bệnh viện - Giáo sư, Viện sĩ Dương Quang Trung. Ảnh: vientimtphcm

Đêm trước cuộc giải phẫu con tim, có thể nói sau khi được bác sĩ tư vấn, hay đúng hơn là “lên giây cót tinh thần”, tôi trở về phòng bệnh với tâm thế của người đã… ghé lưng lên bàn mổ. Điều này hoàn toàn có cơ sở thực tế, chứ không phải một cách nói hình tượng.

Bởi lẽ, khi tôi vừa ngồi xuống giường bệnh thì người hộ lý mang đến trao cho tôi một xấp đồ dùng với lọ dầu tắm, chai nước súc miệng “chuyên dụng” dành cho bệnh nhân sắp được phẫu thuật, bảo tôi tắm sạch sẽ rồi “tròng” chiếc áo và mũ trùm đầu bằng chất dẻo này vào, không mặc thêm gì khác, lên giường nằm nghỉ, không làm hay ăn uống gì, chờ đến sáng mai vào phòng mổ.

Ấn tượng của tôi về cuộc phẫu thuật chỉ là cái cảm giác nằm lên xe băng ca cho người thân nuôi bệnh và ông hộ lý đẩy qua cửa phòng mổ. Tiếp đó có các nhân viên trong phòng bê tôi lên bàn giải phẫu, khoác lên người tôi những dây nhợ lằng nhằng và tôi nghe văng vẳng bên tai những câu trao đổi về chuyên môn của những người khoác đồ bảo hộ kín mít có mặt trong phòng.

Sau đó thì tôi chìm sâu vào cơn mê không biết bao lâu cho đến khi tỉnh dậy với cảm giác bị bó buộc không cựa quậy, nói năng gì được bởi những dây ống chọc vào mũi, miệng, cổ họng phía dưới cằm. Một lúc lâu, có vẻ như tôi ngủ thêm được một giấc thì được bê sang giường băng ca đẩy ra khỏi phòng mổ, đưa về phòng hậu phẫu; tôi chỉ kịp nhận ra và nháy mắt với người thân nuôi bệnh chờ sẵn ở bên ngoài.

Thời gian hậu phẫu, chờ đợi vết mổ lành lặn, ngày ngày tôi chỉ việc uống thuốc theo toa bác sĩ và nhờ người thân đỡ dậy, ngồi vào xe lăn, đẩy đến phòng thay băng của khoa chuyên môn. Lúc này tôi mới hoàn toàn tĩnh tâm, quan sát hoạt động của Viện Tim.

Điều đặc biệt tôi nhận ra đầu tiên, tuy rất đơn giản mà thiết thực là khâu chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân và cả thân nhân nuôi bệnh do bệnh viện hoàn toàn đảm trách, không “khoán trắng” cho các đơn vị nhà thầu bên ngoài như các bệnh viện tư nhân.

Đối với các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện cũng thế, họ nhận khẩu phần ăn hằng bữa từ các nhân viên phục vụ của khoa dinh dưỡng bệnh viện. Khẩu phần của từng đối tượng thụ hưởng đều như nhau, có thực đơn từng bữa, bảo đảm đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết tính ra calorie cụ thể với giá cả rõ ràng. Vậy mà bữa ăn của thầy thuốc, nhân viên bệnh viện và thân nhân người bệnh có giá là 35.000 đồng; còn của bệnh nhân 25.000 đồng/phần. Rõ ràng bệnh viện có phần “ưu tiên” cho người bệnh hơn người khỏe mạnh.

Tuy nhiên, tôi quan sát thấy, cũng như mình, các bệnh nhân và người nuôi bệnh khác đều chỉ dùng một khẩu phần cho cả hai người, mà ai cũng no căng. Khẩu phần đựng trong các khay ăn đầy ắp, từ ô canh nóng, món mặn, xào, nước chấm và cơm trắng gạo thơm rất ngon miệng. Bữa sáng thì ít khi có cơm, thường là hủ tiếu, mì, bánh bao, bánh giò, bánh mì ốp la… Riêng tôi thích nhất là bánh mì bò kho hương vị rất khoái khẩu và ổ bánh bì kiểu Pháp thơm, giòn, to quá cỡ.

Thân nhân của tôi hỏi thăm các chị hộ lý lâu năm của bệnh viện mới biết, khẩu phần của bệnh viện từ khi mới thành lập do các bác sĩ Pháp đảm trách chuyên môn, đến nay do bệnh viện tự tổ chức phục vụ, không hợp đồng với nhà thầu bên ngoài để bảo đảm chất lượng, số lượng đúng theo thực đơn do các bác sĩ khoa dinh dưỡng đề ra.

Từ một chuyện rất “đời thường” ở bệnh viện, tôi cảm nhận được một điều, phải chăng do xuất phát điểm là một đơn vị sự nghiệp y tế của Nhà nước, với tôn chỉ mục đích thuần túy phục vụ nhân dân, chủ yếu là người nghèo và là người yếu thế trong xã hội, nhất là trẻ em, nên Viện Tim vẫn cố gắng giữ vững tôn chỉ mục đích ấy suốt hơn ba thập niên qua, cho dù bối cảnh xã hội ngày càng thay đổi sâu rộng.

Một điều tôi rất muốn tìm hiểu nhưng không tiện hỏi ai, và nếu có hỏi đi nữa chắc cũng khó mà tìm được câu trả lời. Đó là chuyện đời sống cũng như chế độ đãi ngộ đối với các thầy thuốc, nhân viên y tế ở Viện Tim.

Nhưng… thật tình cờ khi tôi lên mạng truy tìm thông tin về các bệnh viện, chủ yếu là bệnh viện chuyên khoa về tim mạch, tôi lại tìm thấy một cơ sở điều trị cũng có tiếng tăm ở TP.Hồ Chí Minh cũng như trong cả nước, đó là Bệnh viện tim mạch Tâm Đức.

Hóa ra, Bệnh viện Tâm Đức chính là bộ phận “xã hội hóa” của Viện Tim TP. Hồ Chí Minh, và tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi “tế nhị” kể trên, từ lời tự giới thiệu của bệnh viện như sau: Được sự khuyến khích của các vị lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế và Bộ Y tế mong muốn Viện Tim huy động các nguồn lực trong xã hội xây dựng thêm một bệnh viện chuyên khoa tim hiện đại, cùng quy mô như Viện Tim để nâng công suất mổ cả nước lên gấp 3 lần công suất của Viện Tim.

Từ mục đích cao đẹp đó và trên cơ sở chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao ban hành trong Nghị định số 73/1999/NĐCP ngày 19.8.1999 của Chính phủ, Bệnh viện tim Tâm Đức đã được hình thành.

Năm 2004, Bệnh viện tim Tâm Ðức thuộc Công ty cổ phần Bệnh viện tim Tâm Ðức được khởi công xây dựng trên diện tích 10.000m2 tại số 04 Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 8.3.2006 đến 31.12.2018, sau 13 năm hoạt động, Bệnh viện tim Tâm Đức đã khám, điều trị ngoại trú cho 912.816 người bệnh; điều trị nội trú 59.415 người bệnh, trong đó gần 60% từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Đã mổ cho 9.624 trường hợp tim bẩm sinh, bệnh van tim và bệnh mạch vành; thông tim can thiệp cho 15.788 trường hợp; khảo sát điện sinh lý và đặt máy tạo nhịp cho 2.523 trường hợp. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mắc bệnh tim đã đến Tâm Đức để cấp cứu, thông tim, điều trị loạn nhịp và mổ bắc cầu động mạch vành.

Viện Tim TP. Hồ Chí Minh với các thiết bị hiện đại. Ảnh: vientimtphcm

Viện Tim TP. Hồ Chí Minh với các thiết bị hiện đại. Ảnh: vientimtphcm

Trở lại với chuyện điều trị bệnh tim của mình, sau này, khi xuất viện về nhà, những người quen đến thăm bệnh buột miệng hỏi tôi sao cứ kể dông dài những chuyện trước và sau khi mổ mà không nghe nói gì về ca phẫu thuật? Tôi chỉ biết cười trừ rồi đáp, vô phòng mổ người ta chụp thuốc mê cho mình “ngủ một giấc” thẳng cẳng, tới chừng thức dậy chỉ thấy băng bó cùng mình chứ có biết gì đâu mà kể! Nếu muốn biết chuyện mổ xẻ, hồi sinh con tim như thế nào thì cứ việc lên mạng, vô mấy trang web của mấy bệnh viện chuyên khoa tim mạch đọc những bài viết của các vị thầy thuốc là biết ngay thôi.

Tất nhiên, các tác giả ấy thuật chuyện mới chính xác, có sức thuyết phục, chứ những người bệnh dù chính họ mới có trải nghiệm bản thân, nhưng có tận mắt thấy bác sĩ cưa xương ức, xương sườn, banh ngực, moi tim họ ra bắc cầu, thay van đâu mà biết.

Những ngày sau cuộc đại phẫu, tôi còn phải nằm lại Viện Tim thêm ba tuần lễ để các bác sĩ theo dõi diễn tiến sức khỏe và chăm sóc sau mổ. Theo các tài liệu tôi đọc được, phần nhiều các ca mổ bắc cầu, hoặc thay van tim bệnh nhân có sức khỏe bình thường, không có bệnh nền hay bệnh cơ hội nào khác, chỉ phải nằm viện chừng hai tuần là “thiệt khỏe”.

Riêng tôi, do đã có tuổi và bệnh trạng khá nghiêm trọng, phải mổ bắc 3 cầu, thay 1 van động mạch chủ và suy tim 43%, nên phải theo dõi sau mổ hơi lâu, đề phòng có diễn biến bất thường. Mặc dù vậy, vị bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho tôi là Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến, sau khi nhận lời cảm ơn từ bệnh nhân đã nhận định: “Các bác sĩ phẫu thuật mới là những vị đóng vai trò chính trong việc chữa trị bệnh mạch vành cho chú ạ! Và chính thể trạng, tinh thần vững chắc của chú đã giúp chú khỏe lại nhanh so rất nhiều bệnh nhân khác. Cháu xin thay mặt các anh ấy, cảm ơn chú đã tin tưởng Viện Tim”.

Ký sự: Nguyễn Tấn Hùng

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-3-ton-chi-muc-dich-cua-nhung-trai-tim-nhan-ai-a142598.html