Bài 3: Tuyên truyền tốt, xử lý nghiêm, chính sách đồng bộ (Tiếp theo và hết)

Hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) bằng thủ đoạn kê khai 'hai giá' là vi phạm pháp luật, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách mà còn gây ra sự thiếu minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế; các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng sẽ bị thiệt thòi...

Trên cơ sở những nguyên nhân đã chỉ ra cho thấy, để ngăn chặn tình trạng này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân đến hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách.

“Chốt chặn” ý thức

Người dân, doanh nghiệp là chủ thể trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản, mọi hành vi vi phạm về thuế bằng thủ đoạn kê khai “hai giá” (nếu có), trước hết đều xuất phát từ mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Vì vậy, nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế của mỗi cá nhân, doanh nghiệp là “chốt chặn” đầu tiên và cũng là giải pháp quan trọng, triệt để nhất để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, tránh thuế. Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhấn mạnh: “Việc mua bán, chuyển nhượng BĐS là sự thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện nên khó kiểm soát giá. Nếu quý mến người mua thì người bán có quyền bán với giá rẻ, thậm chí rất rẻ hoặc sẵn sàng cho tặng. Trong trường hợp muốn tránh, trốn thuế, nhiều người còn lách luật bằng nhiều cách, như khai giá trong hợp đồng thấp hơn giá giao dịch thật, đồng thời thỏa thuận sau khi giao dịch thành công, người mua sẽ tặng người bán một khoản tiền bằng số tiền chênh lệch... Nhìn chung, nếu người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, cố tình tránh thuế, trốn thuế thì rất khó để quản lý, ngăn chặn. Vì vậy, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu”.

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại bộ phận một cửa, Cục Thuế TP Hà Nội.

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại bộ phận một cửa, Cục Thuế TP Hà Nội.

Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về thuế nói riêng cho mỗi người dân, doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, trước hết, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS cũng như quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế... Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế thông qua các hình thức như: Để “thư ngỏ” với nội dung vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghĩa vụ thuế tại các văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng công chứng và bộ phận “một cửa”, các chi cục thuế; tuyên truyền trên website của các cơ quan thuế, các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh thông tin xã hội; phối hợp với sở tư pháp các địa phương chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua bán trong các giao dịch chuyển nhượng BĐS...

Cùng với đẩy mạnh vận động, tuyên truyền thì không thể thiếu công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm để vừa tạo sự răn đe, vừa kịp thời ngăn chặn thất thu thuế. Thực tế cho thấy, đây là biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Không ít trường hợp người dân có ý định trốn thuế khi chuyển nhượng BĐS nhưng khi biết có thể bị xử lý hình sự đã phải chấp hành nghiêm quy định. Theo Tổng cục Thuế, hằng năm, ngành thuế đều xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, thực hiện ấn định thuế, truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật; củng cố, hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng là một trong những đơn vị làm tốt việc phối hợp với lực lượng chức năng, nhất là với công an trong đấu tranh với các biểu hiện kê khai “hai giá”, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhờ đó, tình trạng trốn, tránh thuế đã giảm. Riêng năm 2021, các lực lượng đã đấu tranh với hơn 50 trường hợp, số thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng BĐS đạt hơn 860 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong nửa đầu tháng 1-2022, qua rà soát, cho kê khai lại 85.000 bộ hồ sơ chuyển nhượng BĐS thì số thuế tăng thu được là 222 tỷ đồng. Bộ đã chỉ đạo cơ quan thuế tiếp tục kiểm tra, rà soát hồ sơ, thu thuế BĐS đúng với giá chuyển nhượng...

Quản lý chặt hoạt động công chứng

Để ngăn chặn hành vi trốn, tránh thuế, bên cạnh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế thì “mắt xích” tiếp theo là cần quản lý tốt, phát huy vai trò của các tổ chức hành nghề công chứng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chứng viên, không để xảy ra tiêu cực trong hoạt động công chứng. Theo nhiều chuyên gia BĐS, trong quy trình giao dịch chuyển nhượng BĐS, việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng là bắt buộc và nếu siết chặt hoạt động công chứng, công chứng viên phát huy tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm thì có thể hạn chế đáng kể các vụ việc vi phạm. Bởi công chứng viên hoàn toàn có thể nắm được “bức tranh” chung về giá BĐS trên địa bàn, quá trình công chứng nếu nghi ngờ người dân khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá giao dịch thực tế thì có thể tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai lại.

Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, tuy số lượng tăng nhanh nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người được giao nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, chất lượng hoạt động hành nghề công chứng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; một bộ phận công chứng viên chưa tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, còn có hiện tượng công chứng viên cố ý làm trái, không đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật, có hiện tượng công chứng “khống”, công chứng “treo” tiếp tay cho việc trốn thuế, vi phạm pháp luật. Để chấn chỉnh hoạt động công chứng, góp phần ngăn chặn tình trạng trốn, tránh thuế trong chuyển nhượng BĐS, mới đây, Bộ Tư pháp đã có công văn yêu cầu sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, quán triệt các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, hướng dẫn người đi công chứng kê khai đúng giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời phối hợp với cục thuế, công an và các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng tại địa phương nói chung và việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về BĐS nói riêng. Có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng, kinh doanh BĐS...

Từ thực tế ở địa phương, bà Vi Thị Tuyết Ngân, Chánh thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sở đã tăng cường quản lý hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, hằng năm đều tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, các vi phạm được phát hiện chủ yếu là những vấn đề đã được quy định rõ trong luật như công chứng ngoài trụ sở, lời chứng không đúng quy định, thu thù lao công chứng quá mức trần... khó phát hiện, xử lý hành vi công chứng viên tiếp tay cho khách hàng nhằm kê khai giá chuyển nhượng BĐS không đúng thực tế. Bởi hoạt động thanh tra, kiểm tra dựa vào bảng giá đất của Nhà nước, nếu giá kê khai trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá thị trường nhưng vẫn nằm trong khung giá Nhà nước thì cũng không đủ căn cứ để xử lý. Muốn phát hiện, xử lý vi phạm phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng... Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, cần chú trọng việc giáo dục, tuyên truyền để công chứng viên hoạt động đúng pháp luật, tuân thủ quy định đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho tổ chức và hoạt động công chứng, bảo đảm sự phù hợp giữa các quy định của Luật Công chứng với các luật có liên quan như: Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở...

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Một vấn đề quan trọng là hoàn thiện cơ chế, chính sách thuế. Theo bà Lý Thị Hoài Hương, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến căn cứ tính thuế. Theo quy định, thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng BĐS là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng. Nếu trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc có nhưng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp chuyển nhượng nhà gắn liền với đất thì phần giá trị nhà, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc gắn liền với đất được xác định căn cứ vào giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định. Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có chu kỳ ổn định 5 năm, trong khi đó, giá đất thị trường thường xuyên biến động, vì vậy, bảng giá đất thông thường không sát với giá thị trường. Để xác định giá chuyển nhượng tiệm cận với giá thị trường, cần phải có sự điều chỉnh về chính sách. Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ đã quy định phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh nhân với giá đất trong bảng giá do UBND cấp tỉnh ban hành nhằm xác định giá đất cụ thể cho một số trường hợp, như tính tiền sử dụng đất... Hệ số điều chỉnh được UBND cấp tỉnh ban hành hằng năm nhằm đưa bảng giá đất tiệm cận giá thị trường. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập doanh nghiệp về việc xác định giá chuyển nhượng BĐS bổ sung hệ số điều chỉnh vào bảng giá đất để so sánh với giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng. Đồng thời, cần nghiên cứu đưa bảng giá đất sát với giá thị trường. Theo các chuyên gia, đây là điểm mấu chốt để ngăn chặn tình trạng kê khai “hai giá”.

Mặt khác, hiện nay, người mua và người bán chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng BĐS. Do vậy, cơ quan thuế không thể kiểm soát được giá trị chuyển nhượng thực tế của hai bên, tạo kẽ hở để trốn thuế. Do đó, theo bà Hương, cần thiết phải bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS tại Điều 16 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014. “Việc này giúp bảo đảm an toàn cho cả người mua và người bán khi có thể lưu được bằng chứng giao dịch. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các giao dịch được thực hiện thông qua ngân hàng sẽ dễ dàng kiểm soát, truy xuất và thu được thuế theo đúng quy định”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam bày tỏ đồng tình với đề xuất này.

Thêm nữa, xuất phát từ bất cập là mặc dù hiện nay, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế đối với các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế nhưng vì không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp rất nhiều khó khăn, do vậy, theo bà Lý Thị Hoài Hương, cần bổ sung chức năng điều tra vi phạm về thuế cho cơ quan thuế. Khi đó, cơ quan thuế sẽ chủ động hơn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn tình trạng trốn, tránh thuế sẽ cao hơn. Trước mắt, theo ông Nguyễn Tiến Trường, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, cần ban hành quy định cụ thể về việc ấn định thuế đối với các trường hợp chuyển nhượng BĐS kê khai không đúng giá giao dịch trên thị trường nhằm thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Người nào trốn thuế lần đầu dưới 100 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính. Nếu trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc từng bị kết án về tội này, hoặc trốn thuế từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền 100-500 triệu đồng, hoặc bị kết án từ 3 tháng đến 1 năm tù. Nếu trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm...

(Theo Điều 200, Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự 2017)

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN - ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-3-tuyen-truyen-tot-xu-ly-nghiem-chinh-sach-dong-bo-tiep-theo-va-het-690849