Bài 3: Ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố đã có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời huy động mọi nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất và thu được những kết quả khả quan.

Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình trong lĩnh vực thủy sản.

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Mai Quý)

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Mai Quý)

Một số mô hình nổi bật như: Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Kimoho Thanh Cao tại xã Đốc Tín huyện Mỹ Đức; Mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ Điệp của Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng; Mô hình sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm;… Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố, các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thành phố Hà Nội cũng đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ tại các địa bàn như: Huyện Hoài Đức (300ha), quận Hà Đông (76ha), vùng ven bãi sông Hồng huyện Mê Linh (105ha), huyện Đan Phượng 33ha (xã Song Phượng, xã Đồng Tháp), huyện Phúc Thọ (200ha), huyện Sóc Sơn (70ha), huyện Ba Vì (300ha), thị xã Sơn Tây (80ha).

Với việc quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ sẽ tạo cơ tốt để các doanh nghiệp có quỹ đất và có điều kiện tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai gần.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 bình quân từ 2,5% trở lên; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2025 từ 50% trở lên, đến năm 2030, con số này đạt từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao trong năm 2021, trong giai đoạn 2021-2025, tại hội nghị tổng kết ngành nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó cần tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh có tính đột phá chủ yếu như sản xuất cây, con giống, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản. Rà soát, điều chỉnh lại các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, các vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình thực hành tốt gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường liên kết với các trường, học viện tập trung đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ… trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-3-ung-dung-cong-nghe-cao-de-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-nong-nghiep-117774.html