Bài 3: Vì mục tiêu phát triển, sự hài lòng của người dân
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, để tổ chức 'một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân', phải luôn coi trọng bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và hợp lòng dân. Người cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chính quyền địa phương (CQĐP), nhất là cấp xã. 'Cấp xã là gần gũi Nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi'. Và 'Cán bộ là gốc của mọi công việc', phải 'vì việc mà tìm người chứ không vì người mà đặt việc'.
Đổi mới để phát triển
Phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Sắp xếp tinh gọn bộ máy là để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân. “Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó; chính sách, pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó”.

Giải quyết thủ tục hành chính nhanh, đúng thời hạn tại UBND Phường 2, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng được Nhân dân đánh giá cao về tinh thần làm việc của cán bộ, công chức. Ảnh: V. Hậu
Cử tri và Nhân dân đón nhận, ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28.2.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cải cách mô hình tổ chức và hoạt động theo định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Điều này cho thấy, Nhân dân luôn mong đợi sự đổi mới của hệ thống chính trị và cách thức tổ chức, vận hành của bộ máy CQĐP tuy đã và đang trải qua 3 chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhưng vẫn còn nhiều điều người dân chưa hài lòng.
Ví dụ điển hình nhất về thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền cấp huyện. Trước đây, việc đăng ký thế chấp, xóa đăng ký hay thay đổi nội dung thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để vay vốn ngân hàng, Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện sẽ xác nhận trên 1 trang bổ sung có đóng dấu giáp lai để có thể vay và đáo hạn nhiều lần. Tuy nhiên, nay theo quy định tại Thông tư 10/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai chỉ xác nhận trên trang 4 của Giấy chứng nhận với khoảng trống trang giấy chỉ đủ cho 2 đến 3 lần vay. Nếu người dân muốn tiếp tục thế chấp để vay vốn hay đáo hạn thì phải xin cấp đổi lại giấy chứng nhận với đầy đủ quy trình, nhiều trường hợp dân phải đi lại, chờ đợi nhiều tháng chưa xong.
Nguyên nhân do khi đo, vẽ lại diện tích đất để cấp đổi giấy chứng nhận đã phát sinh tăng, giảm diện tích, thay đổi hình thể thửa đất vì trước đây đo thủ công, nay đo bằng máy... Đó là chưa kể trường hợp cơ quan cấp huyện cấp trùng giấy chứng nhận cho 2 người trên cùng 1 thửa đất mà nạn nhân là người dân không hay biết cho đến khi có giao dịch dân sự - ông Nguyễn Mạnh Hùng, cử tri xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc cho biết.
Hướng tới mô hình quản lý công mới
Một số chuyên gia và người dân cho rằng, khi bỏ cấp huyện, thực hiện CQĐP 2 cấp cần nghiên cứu phát huy hơn nữa vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vận dụng chuyển dần từ mô hình hành chính truyền thống sang mô hình quản lý công mới (hành chính phát triển) để hạn chế tình trạng gây phiền hà, biến người dân thành nạn nhân của hành chính quan liêu như trường hợp điển hình kể trên.
Thực chất, mô hình quản lý công mới là sự kế thừa, phát huy những ưu thế của mô hình hành chính công truyền thống, xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và phi quy chế hóa, coi trọng kết quả cuối thay vì coi trọng quy trình, bằng cách đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính đã trở nên quá nặng nề và phức tạp, khiến người dân bức xúc, thậm chí cả các cơ quan hành chính nhà nước cũng khó áp dụng hoặc nếu muốn giải quyết linh hoạt cho dân thì sợ vi phạm quy trình, vướng vào kỷ luật, kỷ cương.
Mô hình quản lý công mới có ưu điểm linh hoạt, phân biệt rõ phạm vi của ''công vụ'', ''Hành chính công'', ''Dịch vụ công''. Theo đó, ''Công vụ'' thuộc quyền lực nhà nước không thể ủy quyền cho khu vực khác như: Quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an ninh xã hội, bảo đảm phát triển bền vững, an sinh xã hội, bình đẳng hưởng thụ; sử dụng ngân sách nhà nước. ''Hành chính công'' là hoạt động công vụ nhưng một số hoạt động mang tính hỗ trợ, chuyên môn thuần túy, có thể ủy quyền cho các tổ chức khác không thuộc khu vực nhà nước. ''Dịch vụ công'' là các hoạt động đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đây là các hoạt động thuộc trách nhiệm của Nhà nước nhưng có thể ủy quyền (xã hội hóa, tư nhân hóa); vì vậy, có thể được thực hiện bởi các tổ chức của Nhà nước, các tổ chức tư nhân hoặc các cá nhân nếu họ làm tốt hơn.
Thực hiện CQĐP 2 cấp với tư duy của mô hình quản lý công mới thì một khi các mục tiêu đã được thiết lập, vấn đề không phải là ai làm, mà quan trọng là làm như thế nào để đạt mục tiêu và có hiệu quả cao nhất, người dân hài lòng nhất. Những thủ tục “hành chính công”, ''Dịch vụ công'' thuộc cấp tỉnh cũng có thể xuống tận cấp xã giải quyết, phục vụ dân; hoặc giải quyết bằng hình thức ủy quyền cho khu vực tư hay giải quyết bằng trực tuyến.
Chẳng hạn, việc trước đây người nộp thuế mất nhiều thời gian để giao dịch với cơ quan thuế, nay dùng ứng dụng thuế điện tử (eTax Mobile) cài đặt trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng với nhiều chức năng, tiện ích khi kết nối internet, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian, giúp dễ dàng quản lý, theo dõi, tra cứu, đối chiếu giao dịch thuế mọi lúc, mọi nơi 24/24h bảo đảm an toàn và bảo mật.
Ở nhiều nước, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công - vốn là lãnh địa của Nhà nước, đã xuất hiện sự tham gia của một lực lượng không nhỏ ngoài Nhà nước, nhằm hạn chế quan liêu, tiêu cực, tham nhũng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của dân, đã đem lại luồng sinh khí mới cho bộ máy nhà nước, được dân chúng hoan nghênh. Đây là vấn đề cần nghiên cứu áp dụng thúc đẩy đổi mới tư duy về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.