Bài 3: Vướng từ cơ chế đến kinh phí
Một bộ phận tổ chức, cá nhân sử dụng nhà biệt thự cổ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc của những công trình này, thậm chí cho rằng nhà biệt thự đang sử dụng không có giá trị để bảo tồn. Trong khi đó, quy chế quy định về quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ còn nhiều điểm vướng mắc..
Quy định chưa rõ ràng
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 48/2007/NQ-CP của Chính phủ, Sở Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, lập danh mục được 970 nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do TP đang quản lý, tham mưu cho UBND TP báo cáo HĐND TP thông qua Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND. Sau đó, TP Hà Nội cũng ban hành nhiều văn bản liên quan, như: Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP; Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND về ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa (trong đó có 225 biệt thự Nhóm 1); Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND; Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND điều chỉnh danh mục biệt thự tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND và Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐ; hay Quyết định số 7177/QĐ-UBND về danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954.
“Giai đoạn từ năm 1954 đến trước năm 2009, công trình nhà, biệt thự Pháp cổ chỉ được coi là một dạng nhà ở. Nhà nước chưa có cơ chế chính sách để bảo tồn, tôn tạo; chưa ban hành được danh mục và các văn bản quản lý Nhà nước về cải tạo, sửa chữa, phá dỡ, xây dựng và bảo tồn tôn tạo quỹ nhà biệt thự Pháp. Quá trình sử dụng nhà biệt thự, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép đã làm biến dạng biệt thự” – ông Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Theo PGS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), hiện nay, tình trạng quản lý Nhà nước về những di tích lịch sử văn hóa, trong đó có các công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ còn thiếu những quy định cơ bản, việc phân cấp quản lý cũng xuất hiện sự chồng chéo từ cấp bộ, ngành, TP xuống đến cấp xã, phường. Nhiều cán bộ quản lý thiếu chuyên môn nên không có sự tham mưu về phương án quản lý, nhiều công trình vi phạm nhưng không xử lý kịp thời. “Chính sự thiếu thống nhất của các văn bản pháp luật đã dẫn đến những công trình cần được bảo tồn bị xâm hại trong thời gian gần đây, do không có một quy định chung nên nhiều công trình bị sửa chữa, cải tạo một cách tùy tiện. Bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chuyên môn. Tôi cho rằng cần phải quy trách nhiệm đến các cấp quản lý nếu để xảy ra tình trạng vi phạm” – GS.TS Trương Quốc Bình nhìn nhận.
Thiếu kinh phí bảo tồn
TS.KTS Nguyễn Quang Minh – Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, các công trình nhà phố kiểu Pháp tại Hà Nội đã được hình thành và đưa vào sử dụng từ cách đây hơn 100 năm, là một di sản kiến trúc tiêu biểu của thời Pháp thuộc. Nhưng khác với những công trình công thự Pháp, nhà phố Pháp chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. “Nhưng loại hình nhà ở đô thị này có những đặc điểm riêng và nhiều trường hợp có giá trị kiến trúc cao, cần được đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, làm cơ sở cho việc bảo tồn trong bối cảnh có nguy cơ giảm sút về số lượng cũng như xuống cấp về chất lượng dưới tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ” - TS.KTS Nguyễn Quang Minh nhìn nhận.
Phó trưởng Phòng Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng Hà Nội) Vũ Đức Thắng cho biết, từ năm 2015, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc rà soát, lập danh mục các công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ để thực hiện chấm điểm và phân loại quản lý, bảo tồn. Trong đó có nhiều công trình đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng muốn đánh giá cụ thể về mức độ xuống cấp thì phải thuê các đơn vị chuyên môn vào kiểm định, mỗi công trình kiểm định cần kinh phí hàng trăm triệu đồng, trong khi chưa có quy chế về tài chính cho việc này. “Bên cạnh đó là quy định về việc các chủ sở hữu không được tự ý sửa chữa, thay đổi thiết kế những công trình nhà, biệt thự Pháp cổ. Như vậy, muốn trùng tu, tôn tạo, Nhà nước cũng phải bỏ chi phí nhưng lại xảy ra những ý kiến trái chiều không đồng thuận đó là Nhà nước bỏ tiền sửa những ngôi nhà có giá trị đến vài chục tỷ đồng để cho người dân sử dụng... Vì vậy, vấn đề khó nhất ở đây liên quan đến kinh phí thực hiện, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách sẽ khó có thể thực hiện do kinh phí quá lớn” – ông Vũ Đức Thắng cho biết thêm.
(Còn nữa)
Những công trình kiến trúc thời thuộc Pháp đã được sử dụng trong một thời gian dài nhưng không được trùng tu, nâng cấp mà chủ yếu bị khai thác. Chúng ta sử dụng những công trình này hoàn toàn theo kiểu “vắt chanh”, “vắt kiệt” nếu có sửa chữa thì chủ yếu theo nhu cầu phục vụ hoạt động hiện thời, theo kiểu hành chính quản trị chứ không theo cách ứng xử với những kiến trúc văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, trong một thời gian rất dài chúng ta chưa đánh giá đủ, đúng, công bằng với tài sản kiến trúc đô thị.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính