Bài 4: An cư giữ đất biên cương
Bài 3: Sức mạnh lòng dânBài 2: 'Mệnh lệnh' từ trái timBài 1: Điện Biên - Vươn lên cùng đất nước
Động lực vượt khó
Từ ngôi nhà sàn cũ xiêu vẹo, mưa lớn phải đi trú nhờ, gió đông lùa rét buốt, giờ đây gia đình ông Lò Văn Quân, bản Nôm, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo yên tâm quây quần trong ngôi nhà ấm cúng, khang trang. Nếu không có Đề án làm nhà ĐĐK, thì mái ấm ấy vẫn chỉ là ước mơ khó chạm tới đối với gia đình ông.
Vợ chồng ông Quân năm nay đã 60 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình riêng của các con khó khăn nên ông bà cáng đáng nuôi 2 cháu ngoại từ nhỏ. Hiện 1 cháu học lớp 2, 1 cháu lớp 3. Mọi việc chăm sóc, dạy dỗ, chi phí học tập, lo liệu lúc ốm đau đều do ông bà gồng gánh. Để nuôi cháu, dù sức khỏe kém, hàng ngày ông bà vẫn cặm cụi trên nương, dưới ruộng, rồi lên rừng lấy măng, nhặt củi đem đi bán.
Ngày 23/7, được hỗ trợ từ Đề án hỗ trợ làm nhà ĐĐK cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình ông khởi công dựng nhà. Sau đúng 2 tháng, ngày 23/9, vợ chồng ông Quân chuyển vào ở ngôi nhà sàn mới trong sự chúc mừng của bà con dân bản. Ông Quân chia sẻ: “Cả đời tôi không dám mơ có được ngôi nhà như này. Khi xã thông báo gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà ĐĐK, tôi mừng không nói nên lời”.
Người dân trong bản đến giúp ông bà dỡ nhà cũ. Cùng với số gỗ tích lũy từ lâu, ông Quân mạnh dạn vay mượn thêm người thân và Ngân hàng Chính sách xã hội để hoàn thiện nhà, láng bê tông gầm sàn, sân sạch sẽ, bắn mái tôn trước cửa rộng một chút có chỗ để ngô, lúa... tổng chi phí hết gần 90 triệu đồng. “Bây giờ thì yên tâm lúc mưa gió, chỉ tập trung kiếm tiền trả nợ và nuôi 2 cháu nên người, mong cho chúng sau này không khổ như ông bà” – ông Quân mừng rỡ cho biết thêm.
Chiềng Đông là địa danh lịch sử quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, với hang Thẩm Púa, nơi đặt Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ tổng Quân ủy và nơi dừng chân đầu tiên của Sở Chỉ huy Chiến dịch. Ngày nay Chiềng Đông còn 37,24% hộ nghèo, nhiều nhà ở chưa kiên cố, an toàn. Thụ hưởng Đề án, xã có 54 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ĐĐK.
Ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mỗi hộ dân được hỗ trợ đợt này có một hoàn cảnh riêng, nhưng đều là những gia đình đặc biệt khó khăn, những mảnh đời không may mắn, neo đơn hay nạn nhân của tệ nạn xã hội... Được hỗ trợ làm nhà ở, họ có điều kiện ổn định cuộc sống, nhiều hộ thể hiện quyết tâm, cam kết vươn lên, sớm thoát nghèo. Trong đó có những hộ đã chủ động làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, góp phần giảm hơn 8% hộ nghèo trong năm”.
Có nhà kiên cố, mỗi gia đình thêm động lực cố gắng vươn lên; mỗi xã giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo; toàn huyện sẽ sớm thoát khỏi huyện nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển.
“Gạch hồng” giữ vững biên cương
Chỉ 5 tháng sau khi đồng loạt khởi công làm nhà ĐĐK cho hộ nghèo, từ bản làng vùng thấp đến những nơi “thâm sơn cùng cốc”, xa xôi cách trở trên khắp mảnh đất Điện Biên “mọc” lên biết bao ngôi nhà mới, vững chãi. Những mái nhà bừng sáng cả miền núi cao heo hút, không chỉ tiếp thêm ý chí phấn đấu, động lực vươn lên thoát nghèo cho đồng bào, mà còn là minh chứng về tình đoàn kết “keo sơn” giữa các dân tộc, làm khăng khít thêm ý Đảng - lòng dân.
Đối tượng thụ hưởng Đề án làm nhà ĐĐK là hộ nghèo, cận nghèo, nhà ở dột nát, không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Trong 5.000 gia đình khó khăn được hỗ trợ nhà ở dịp này, chiếm phần không nhỏ là đồng bào tôn giáo, có nhiều hộ dân từng theo tà đạo, hộ di dịch cư tự do...
Đơn cử như gia đình ông Vừ Nhìa Dia, bản Huổi Meo, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà. Vì mong muốn có cuộc sống tốt hơn, năm 2018, gia đình ông Dia cùng 18 hộ dân trong bản nhẹ dạ cả tin, bị xúi giục theo tà đạo “Giê sùa”, nhưng rồi sớm vỡ mộng. Đến năm 2019, các hộ cùng bỏ tà đạo, trở về với tôn giáo chính thống. Hiện gia đình ông đang sinh hoạt Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam.
Ở tuổi 65, ông Dia cùng vợ con vẫn sống trong ngôi gà gỗ ghép tạm, mái gianh lụp xụp. Nhưng đấy chỉ là hình ảnh của hơn 3 tháng trước. Còn hôm nay, ông rạng rỡ đón chúng tôi trong ngôi nhà mới 3 gian, khung sắt, tường quây tôn, mái tôn lạnh chống nóng, hiên nhà rộng láng xi măng và có mái che.
Ông Dia giãi bày: “Trước mình không hiểu thì theo tà đạo, bây giờ hiểu rồi chỉ nghe và tin Đảng, Nhà nước. Đảng, Nhà nước giúp sức mình nhiều. Nhà này được hỗ trợ 50 triệu, mình chỉ vay mượn thêm 8,5 triệu đồng, bà con giúp dỡ nhà, san nền, thợ đến làm mấy ngày là xong”.
Rồi ông chỉ tay đống gỗ trước nhà, nói thêm: “Nhà tôi tích góp mấy năm được gần 20 đoạn gỗ, dự định để sau này có điều kiện thì sửa hoặc làm nhà mới, nhưng còn nuôi con (16 tuổi) và cháu (14 tuổi) ăn học, nương thì ít thóc, có năm chuột phá mất mùa, thiếu ăn, nên không biết bao giờ mới tự dựng được nhà”.
Hầu hết người dân Huổi Meo theo đạo. Cùng với nhà ông Dia, diện mạo Huổi Meo giờ đây đổi thay hẳn, bởi những ngôi nhà mái tôn xanh, đỏ, “3 cứng” vừa mới hoàn thành. Cả bản có 15 nhà được hỗ trợ theo Đề án làm nhà ĐĐK, đều đã dựng xong.
Mỗi mái nhà thụ hưởng từ Đề án hỗ trợ làm nhà ĐĐK cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được dựng nên bằng sự gắn kết, sẻ chia, đã hiện thức hóa mơ ước an cư, lạc nghiệp của đồng bào nghèo.
Đồng thời đặt thêm những “viên gạch” vững chắc cho khối ĐĐK dân tộc, làm khăng khít thêm ý Đảng - lòng dân. Đây là nền tàng cho việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương. Và mở ra tương lai mới cho một biên cương cực Tây luôn vững chãi như đúng ý nghĩa gửi gắm trong tên gọi “Điện Biên”.