Bài 4: Chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, GS.TS. NGUYỄN QUANG LIÊM, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho rằng, cần làm rõ các khái niệm 'độ trễ' và 'rủi ro' trong hoạt động khoa học công nghệ, phân biệt rõ các loại hình nghiên cứu khoa học với mục tiêu và sản phẩm tương ứng; có niềm tin vào phẩm chất của đội ngũ các cán bộ khoa học công nghệ; đây là những điều tự nhiên, cần được chấp nhận trong hoạt động nghiên cứu.
Việt Nam có nhiều tiềm năng về khoa học và công nghệ
- Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển đất nước, giai đoạn nào cũng ghi dấu ấn, đóng góp quan trọng của các nhà khoa học, thưa Giáo sư?
- Cùng với năm tháng và ở mọi lĩnh vực, trí thức đều tích cực tham gia nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nghiên cứu, chế tạo thành công súng bazooka và nhiều loại vũ khí khác; GS. Đặng Văn Ngữ nghiên cứu thành công bào chế dung dịch penicillin chữa vết thương trong kháng chiến. Các hoạt động đóng góp cho đất nước của giới trí thức trong các lĩnh vực là rất đáng trân trọng, đặc biệt trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi to lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước. Tôi nói “quan trọng” vì thực tế vai trò “quyết định” là của các chính trị gia, chứ không phải các nhà khoa học. Lịch sử đã chứng minh quyết định chính trị tập trung đầu tư phát triển khoa học - công nghệ (KH - CN) đã làm nên sức mạnh kinh tế của một đất nước, đặc biệt là sức mạnh cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Cụ thể, Nhật Bản, khởi đầu bằng quyết định của Thiên Hoàng Minh Trị năm 1889 gửi thanh niên ưu tú đi đào tạo về KH - CN ở vhâu Âu, đến 1920 đã trở thành một nước có nền công nghiệp và kinh tế phát triển, hiện nay là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Hàn Quốc, với triết lý phát triển dựa trên KH - CN, Tổng thống Park Chung-hee đã quyết định xây dựng một loạt các viện nghiên cứu KH - CN tiên tiến từ những năm 1970, hiện nay là nền kinh tế thứ mười một trên thế giới; và gần đây là Trung Quốc, với quá trình cải cách, mở cửa do Đảng Cộng sản triển khai từ 1978, hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mỹ, các nước Tây Âu, Israel đều là những ví dụ sinh động chứng minh rằng các nước phát triển thành công là dựa trên cơ sở phát triển KH - CN.
Việt Nam rất có tiềm năng, thậm chí một số điều kiện tự nhiên, địa lý tốt hơn Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; tuy nhiên, chúng ta cần có chính sách và đầu tư thích hợp để phát triển được nguồn nhân lực KH - CN chất lượng cao và tạo được môi trường hoạt động tích cực để lực lượng cán bộ KH - CN phát huy năng lực, đóng góp cho phát triển đất nước.
Phân biệt rõ loại hình nghiên cứu gắn với mục tiêu, sản phẩm
- Nghiên cứu khoa học phải mất thời gian dài mới cho kết quả, thậm chí rủi ro; tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm chấp nhận độ trễ, sự rủi ro trong nghiên cứu, thưa Giáo sư?
- Trước hết, cần làm rõ các khái niệm “độ trễ” và “rủi ro” đang được đề cập. Độ trễ là nói về thời gian từ khi có kết quả nghiên cứu đến khi nó phát huy tác dụng, được ứng dụng trong đời sống và sản xuất. Nghiên cứu cần phải có đủ thời gian để đạt được kết quả, thời gian nghiên cứu không gọi là độ trễ. Còn rủi ro ở đây thường được hiểu là “không thành công”, thực chất chỉ là không đạt được sản phẩm nghiên cứu như dự kiến.
Tiếp nữa, cần phân biệt rõ các loại hình nghiên cứu khoa học với mục tiêu và sản phẩm tương ứng. Một cách tương đối đơn giản, có thể phân loại như sau: (i) nghiên cứu cơ bản có mục tiêu để làm tăng hiểu biết, làm giàu kho kiến thức của nhân loại, làm nền tảng cho phát triển những nghiên cứu công nghệ và ứng dụng, với sản phẩm là các công bố khoa học; (ii) nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn theo những định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực của sản xuất và đời sống, sản phẩm là các sáng chế công nghệ; (iii) nghiên cứu ứng dụng công nghệ với mục tiêu là sử dụng hiệu quả các công nghệ nguồn, phát triển tiếp giải các pháp kỹ thuật để có ứng dụng cụ thể trong sản xuất các sản phẩm hàng hóa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và trong tương lai.
Phân tích như trên cho thấy độ trễ ứng dụng là do người sử dụng kết quả nghiên cứu, nhà sản xuất sử dụng công nghệ đã nghiên cứu ra xác định, không phải do nhà nghiên cứu. Còn về rủi ro, các loại nghiên cứu đều ít nhiều có, tức là không đạt được sản phẩm như dự kiến, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tóm lại, với cách hiểu “độ trễ” và “rủi ro” như trên là những điều tự nhiên, cần được chấp nhận trong hoạt động nghiên cứu.
Cần có niềm tin vào phẩm chất đội ngũ các nhà KH - CN
- Ông có thể chia sẻ một số câu chuyện cụ thể liên quan đến vấn đề này?
- Tôi xin chia sẻ 1 ví dụ về “độ trễ” và giá trị của nghiên cứu cơ bản, không phải chỉ là những “nghiên cứu đút ngăn kéo”. Đó là câu chuyện về thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao cấp bách cần xác định nguyên nhân cá và san hô chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, bắt đầu từ 6.4.2016 ở Hà Tĩnh, rồi lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã phân tích số liệu hiện trường, xây dựng mô hình phát tán chất độc trong nước biển và dọc theo bờ biển miền Trung trên cơ sở những số liệu đã có trong “ngăn kéo” do những đề tài điều tra cơ bản về sinh vật biển, về môi trường và về hải dương học được thực hiện trước đó. Như vậy, đã có độ trễ ứng dụng kết quả nghiên cứu, là do khi đó mới có nhu cầu ứng dụng. Ở đây, sự phối hợp nghiên cứu liên ngành và đa lĩnh vực về nghiên cứu cơ bản và điều tra cơ bản (hóa học, luyện kim, hải dương học, sinh học biển, viễn thám, công nghệ môi trường, tính toán mô phỏng...) đã buộc hãng Formosa phải thừa nhận “tâm phục khẩu phục” là “thủ phạm” xả thải độc hại ra biển, chấp nhận đền bù 500 triệu USD. Nếu không có sẵn dữ liệu trong “ngăn kéo” và có đội ngũ cán bộ nghiên cứu cơ bản giỏi thì sẽ không có kết quả như vậy.
- Về tính vượt trội, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu tại một số quốc gia trên thế giới đã và đang diễn ra như thế nào để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, tự do sáng tạo, thưa Giáo sư?
- Tôi cho rằng các nhà quản lý có thể trực tiếp tham khảo các khung chính sách, quy định của các nước đã phát triển thành công nền kinh tế dựa trên nền tảng KH - CN (Mỹ, các nước Tây Âu, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc). Trên cơ sở phân tích tài liệu để có được bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển, cùng với việc đánh giá đúng hiện trạng của đất nước, và quan trọng là có niềm tin vào phẩm chất của đội ngũ các cán bộ KH - CN, sẽ ban hành được các văn bản quy định có tính kiến tạo, phục vụ cho phát triển KH - CN của đất nước, trong đó bao hàm cả xử lý vấn đề chú trọng tính vượt trội, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu.
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!