Bài 4: Chủ động phòng chống, ứng phó, góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai (tiếp theo và hết)
Đó là khẳng định của ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) (gọi tắt là Ban chỉ đạo), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, trong cuộc trao đổi cùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử.
Phóng viên (PV): Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thiên tai có nhiều diễn biến bất thường và thực tế đã gây một số thiệt hại cho các địa phương. Ông dự báo về tình hình thiên tai trong các tháng còn lại của năm 2022?
Ông Trần Quang Hoài: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật, như: Mưa, lũ lớn bất thường, trái mùa, kèm theo dông, lốc lớn trên diện rộng từ ngày 30-3 đến 2-4 tại khu vực miền Trung. Từ ngày 22 đến 24-5, tại các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa có mưa rất lớn, từ 300 đến 550mm.
Trong các ngày từ 29 đến 31-5, tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên đã có mưa cường suất rất lớn. Đặc biệt tại Láng (Hà Nội), lượng mưa đạt 132mm/2 giờ, vượt đỉnh lịch sử 131,5mm ghi nhận vào ngày 18-6-1986.
Trong những ngày vừa qua, mặc dù chưa chính thức vào mùa mưa lũ, các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả lũ với lưu lượng lớn về hạ du (hồ Hòa Bình mở 5 cửa xả đáy; hồ Sơn La mở 2 cửa xả đáy; hồ Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy). Do ảnh hưởng của các hồ chứa xả lũ kết hợp triều cường, mực nước hạ lưu một số khu vực ven biển đã vượt báo động 3.
Tính đến ngày 15-6, thiên tai đã làm 67 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 3.918 tỷ đồng. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (KTTV), năm 2022, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, cực đoan. Về bão có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng có từ 4 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm.
Về mưa lũ, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối thuộc lưu vực sông khu vực sông Hồng phổ biến ở mức báo động 1- báo động 2. Từ tháng 9-12, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ lớn. Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3.
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác PCTT năm 2022?
Ông Trần Quang Hoài: Ngay từ cuối tháng 3 đến nay, chúng ta đã phải liên tiếp ứng phó với các đợt mưa lũ. Đây là điểm bất thường so với quy luật nhiều năm qua. Ở Trung ương, Ban chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan luôn chủ động và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác PCTT, nhất là trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng kịch bản để ứng phó khi có tình huống thiên tai lớn; cử các đoàn công tác trực tiếp tới hiện trường cùng địa phương triển khai ứng phó.
Ở địa phương, ban chỉ huy PCTT các tỉnh đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên, ban hành kế hoạch công tác, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai. Khi xảy ra mưa lũ, tổ chức các đoàn trực tiếp xuống hiện trường hỗ trợ các địa phương chỉ huy công tác ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức sơ tán các hộ dân khu vực nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn; tổ chức cắm biển cảnh báo, phân luồng giao thông tại ngầm tràn, đường ngập sâu, khắc phục sự cố sạt lở đường giao thông; huy động các lực lượng đảm bảo an toàn đê điều; triển khai các biện pháp tiêu nước bảo vệ sản xuất, đặc biệt là các khu đô thị, khu công nghiệp; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Có thể nói công tác PCTT đã được triển khai chủ động, tích cực hiệu quả, nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.
PV: Vừa qua, chúng ta đã công bố kết quả đánh giá về PCTT cấp tỉnh qua Bộ chỉ số. Ông có thể cho biết ý nghĩa Bộ chỉ số này?
Ông Trần Quang Hoài: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng "Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh", Ban chỉ đạo đã tổ chức xây dựng và ban hành Bộ chỉ số PCTT cấp tỉnh gồm 4 nhóm tiêu chí: Tổ chức, nhiệm vụ ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng thường trực ban chỉ huy; Phòng ngừa thiên tai; Ứng phó thiên tai và Khắc phục hậu quả thiên tai.
Có thể nói, Bộ chỉ số là công cụ quan trọng giúp Ban chỉ đạo theo dõi, đánh giá, một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác PCTT hằng năm của cấp tỉnh. Vừa qua, lần đầu tiên Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức đánh giá độc lập công tác PCTT theo Bộ chỉ số năm 2021 của 63 tỉnh, thành phố. Thông qua kết quả đánh giá đã phát hiện điểm mạnh, điểm yếu (khoảng trống) trong công tác PCTT của mỗi địa phương và nhóm địa phương có cùng loại hình thiên tai.
PV: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến công tác PCTT, nhờ đó đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên việc đầu tư các trang, thiết bị cho công tác PCTT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vậy ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Ông Trần Quang Hoài: Đúng là trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến công tác PCTT và đã dành nguồn lực để đầu tư trang thiết bị PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng các trang, thiết bị cho công tác này dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đối với công tác PCTT&TKCN. Các trang thiết bị hiện có chủ yếu là áo phao, nhà bạt và một số ít xuồng máy. Các thiết bị này chỉ đáp ứng một phần công tác tìm kiếm cứu nạn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu PCTT.
Để đầu tư hiệu quả, đáp ứng yêu cầu PCTT&TKCN trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai sớm việc phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng, trong đó tập trung cho các trang thiết bị cấp thiết nhất để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn hoặc những trang thiết bị liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý. Đầu tư vật tư, trang thiết bị cho các lực lượng trực tiếp làm công tác PCTT như: Các đoàn công tác, chỉ đạo, chỉ huy; lực lượng xung kích PCTT ở cơ sở.
PV: Xin ông cho biết vai trò, ý nghĩa của lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai?
Ông Trần Quang Hoài: Trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ - cứu nạn, lực lượng vũ trang, mà đặc biệt là quân đội luôn giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu, có đóng góp vô cùng quan trọng trong công tác này, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong mỗi đợt thiên tai, bão lũ, lực quân đội đều tham gia rất tích cực, hiệu quả. Hình ảnh những chiến sĩ không quản gian nan, vất vả, hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh tính mạng để cứu dân khiến chúng tôi và đặc biệt nhân dân không thể nào quên. Có sự tham gia của họ chúng tôi và nhân dân luôn cảm thấy yên tâm và vững tin hơn.
PV: Là người có nhiều năm gắn bó và dành nhiều tâm huyết cho công tác PCTT, ông có những giải pháp gì để giảm thiểu thiệt hại do thiên gây ra?
Ông Trần Quang Hoài: Để chủ động PCTT&TKCN, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo, chủ động triển khai công tác PCTT&TKCN theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau: Tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác PCTT&TKCN. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả PCTT&TKCN, trong đó xác định PCTT&TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động PCTT&TKCN, bảo đảm đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó bổ sung các chế tài bảo đảm thực thi pháp luật, tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách, đồng thời tạo cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, xã hội hóa hoạt động PCTT&TKCN; đẩy mạnh bảo hiểm rủi ro thiên tai...
Lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng; bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển.
Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên tai; đầu tư hiện đại hóa công nghệ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn theo hướng tích hợp, đồng bộ, tự động hóa, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển. Đẩy nhanh lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, mực nước phục vụ vận hành hồ chứa và thiết bị cảnh báo xả lũ hạ du hồ chứa, hệ thống giám sát trực tuyến vận hành hồ chứa, trọng điểm đê điều.
Nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy PCTT, ứng phó sự cố và TKCN, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan chỉ đạo PCTT&TKCN các cấp, đảm bảo đủ năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng đối tượng; lồng ghép nội dung PCTT, ứng phó sự cố vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác PCTT&TKCN, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Các bộ, ngành và địa phương chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm đã được giao, nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho công tác PCTT&TKCN; có giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực ngoài ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý dứt điểm trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số; hiện đại hóa công cụ hỗ trợ, số hóa bộ cơ sở dữ liệu PCTT; chia sẻ thông tin, nhất là với các nước thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Kông.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!