Bài 4: Đề cao trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn (Tiếp theo và hết)
Với phương châm 'tuyển người nào chắc người đó', cơ quan quân sự các cấp trong LLVT Quân khu 5 luôn tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc; phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng công tác tuyển quân (CTTQ) năm 2023.
Quản lý chặt thực lực công dân
Theo đánh giá của nhiều cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quân khu 5, hiện nay, công tác đăng ký, quản lý hành chính đối với thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS của các tỉnh, thành phố đang gặp những khó khăn chung: Một bộ phận không nhỏ thanh niên đi làm ăn ở địa phương khác; nhiều trường hợp xuất khẩu lao động, khi trở về địa phương chưa thể nhập ngũ do không đủ yếu tố để kết luận về chính trị; nhiều học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học không trở về địa phương. Trong khi đó, tiêu chuẩn tuyển quân yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, ưu tiên tuyển chọn công dân có trình độ đại học, cao đẳng, cán bộ công chức, viên chức nhà nước; số thanh niên này cơ bản có việc làm ổn định và là lao động chính trong gia đình...
Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền và LLVT tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh niên và người dân trong thực hiện Luật NVQS năm 2015; phát huy tốt vai trò tham mưu, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quân sự các cấp với các ban, ngành, đoàn thể; thường xuyên kiện toàn hội đồng NVQS đầy đủ thành phần; nêu cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong hội đồng NVQS ở các cấp; phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên hội đồng NVQS gắn với việc theo dõi, chỉ đạo xã, phường, thị trấn và cùng với địa phương nơi được phân công chịu trách nhiệm về chất lượng, chỉ tiêu giao quân từng năm.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương tổ chức đăng ký NVQS lần đầu cho thanh niên theo Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19-2-2016 của Chính phủ chặt chẽ; từng địa phương rà soát, nắm chắc số lượng, chất lượng thực lực thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS ở địa phương mình; thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình trong CTTQ ở các cấp. Phát huy vai trò tham mưu của cơ quan quân sự và sự phối hợp, kết hợp hiệu quả với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương, đơn vị nhận quân trong thực hiện CTTQ. Giao trách nhiệm cho cấp huyện, cấp xã chỉ đạo thực hiện tốt công tác “3 cử”, “4 công khai” ngay từ cơ sở, bảo đảm công bằng, dân chủ trong quá trình thực hiện CTTQ. Thực hiện tuyển chọn người nào chắc người đó; chú trọng nâng cao chất lượng CTTQ với mục tiêu “xây dựng lực lượng thường trực gắn với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên; góp phần tạo nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương”.
Các địa phương giao quân chủ động phối hợp với các đơn vị nhận quân hiệp đồng chặt chẽ thời gian, phương thức tổ chức giao nhận quân và phúc tra sức khỏe; giao nhận đủ chỉ tiêu, đúng tiêu chuẩn quy định, tạo điều kiện giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ chung. Tổ chức thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt; xử lý nghiêm túc, dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật NVQS nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng, hiệu quả CTTQ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Chủ động tháo gỡ vướng mắc
Thành công trong CTTQ ở Quân khu 5 những năm qua có sự đóng góp tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tại Hội nghị quân chính, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 vừa tổ chức, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5 đánh giá cao kết quả CTTQ năm 2023 trên địa bàn Quân khu; bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Đó là tình trạng một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa sâu sát, chặt chẽ trong tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTTQ. Công tác phối hợp hiệp đồng theo chức năng, nhiệm vụ phân công của các ban, ngành, đoàn thể chưa đồng bộ, chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện quy trình CTTQ.
Theo khảo sát trên diện rộng ở nhiều địa phương cho thấy: Việc tổ chức đăng ký, quản lý thực lực công dân trong độ tuổi nhập ngũ ở một số địa phương vẫn còn sai sót; đăng ký quản lý thực lực chưa được cập nhật, bổ sung đầy đủ, kịp thời; một số công dân đã chuyển đổi ngành nghề, thay đổi nơi cư trú, đi làm ăn xa, đi học nhưng không kịp thời đăng ký tạm vắng, đăng ký di chuyển; không nắm chắc số lượng, chất lượng thực lực để phục vụ công tác xét duyệt; việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý công dân trong thực hiện NVQS chưa được phát huy. Cùng với đó, công tác tổ chức sơ tuyển, khám tuyển NVQS, xét duyệt chính trị, chính sách chưa chặt chẽ, còn sai sót, tình trạng thanh niên trốn tránh thực hiện NVQS vẫn tồn tại.
Một số nơi vẫn để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu kiện về tính công bằng và những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong CTTQ. Vẫn còn một số công dân không đủ điều kiện nhập ngũ, khi đơn vị phúc tra đã phát hiện và loại trả, bù đổi với các lý do về sức khỏe, chính trị, điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đặc biệt, tình trạng công dân vi phạm pháp luật trước khi nhập ngũ; lợi dụng quy định về hình xăm, chữ xăm trên cơ thể; sử dụng thuốc, chất kích thích, chất ma túy, tiền ma túy... làm thay đổi, sai lệch kết quả khám sức khỏe nhằm trốn tránh thực hiện NVQS đang có chiều hướng gia tăng.
Đây chính là những khó khăn, thách thức không nhỏ, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng các cấp không chỉ trên địa bàn Quân khu 5 cần tập trung nghiên cứu, giải quyết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong thời gian tới.
“Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện NVQS thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (khoản 1, Điều 59 Luật NVQS năm 2015).