Bài 4: Để 'cuộc chiến' chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tình trạng xâm phạm SHTT ở nước ta hiện nay vẫn khá phổ biến và ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ và có hiệu quả hơn.
* Cần một tòa án chuyên trách
Trong nhiều cuộc họp bàn về công tác chống hàng gian, hàng giả, xử lý tội phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, ở các nước trên thế giới, tòa án đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các vi phạm về SHTT, nhưng ở Việt Nam vai trò của tòa án rất mờ nhạt so với các cơ quan hành chính. Mỗi năm có tới hàng nghìn vụ vi phạm quyền SHTT được xử lý bởi các cơ quan hành chính, nhưng số vụ được đưa ra xét xử tại tòa án lại không quá 10%. Bởi các tòa án xét xử tổng hợp hiện nay lại không có đủ người, đủ điều kiện để xét xử các vụ án chuyên về bản quyền và SHTT.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các vụ án về xâm phạm quyền SHTT ít được giải quyết tại tòa án tổng hợp là do không có tòa án chuyên trách riêng, các vụ án tội phạm về SHTT còn chung với các án tổng hợp khác nên thời gian xử lý các vụ việc quá lâu; thủ tục giấy tờ khởi kiện phức tạp, đặc biệt trong trường hợp bên khởi kiện là doanh nghiệp nước ngoài; các biện pháp ngăn chặn ngay lập tức hành vi xâm phạm theo biện pháp dân sự rất khó áp dụng và ít hiệu quả. Đặc biệt, năng lực chuyên môn của thẩm phán về bản quyền và quyền SHTT chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng, cho biết mỗi năm Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh tiếp nhận hơn 30 vụ khiếu nại về gian lận thương mại, song việc giải quyết không được bao nhiêu. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, nên chọn sản phẩm có ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin kỹ thuật, thời hạn sử dụng, trọng lượng đầy đủ. Với hàng ngoại nhập, phải có nhãn phụ tiếng Việt, ngoài những thông tin theo yêu cầu, nhãn phụ còn phải ghi rõ đơn vị nhập hàng, phân phối, địa chỉ. Nếu những sản phẩm đã công bố mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa, người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone quét mã sản phẩm để kiểm tra.
Thêm vào đó, việc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra và các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT còn nhiều bất cập, mà hệ thống tòa án tổng hợp hiện nay chưa đủ điều kiện để làm. Cho nên, muốn ngăn chặn, chống hoạt động hàng gian, hàng giả, chống xâm phạm quyền SHTT, cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống tòa án chuyên trách để xét xử các tội phạm xâm phạm quyền SHTT.
Với các lý do như vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng thành lập hệ thống tòa chuyên trách về bản quyền, SHTT từ cấp tỉnh trở lên. Cùng với việc thành lập tòa chuyên trách về quyền SHTT, Việt Nam cũng cần phải đào tạo, trang bị kiến thức chuyên sâu về bản quyền, về SHTT cho đội ngũ thẩm phán thì mới đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan này.
Ngoài ra, khi đã có hệ thống tòa án chuyên trách xét xử về bản quyền cũng như xâm phạm SHTT, thì cần phải có những thay đổi về các quy định, mở ra các dịch vụ phục vụ cho công tác xét xử các vụ án liên quan đến bản quyền, quyền SHTT cho phù hợp với thực tế.
Chẳng hạn, Luật SHTT hiện hành quy định nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm SHTT và căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của loại tài sản này nên nhiều trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại hoặc xác định không đầy đủ về những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế. Các căn cứ để xác định thiệt hại vật chất như mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, cơ hội kinh doanh, danh dự, nhân phẩm và những tổn thất khác về tinh thần ... trên thực tế rất khó để xác định một cách chính xác, đầy đủ và được coi là hợp lý. Do vậy, khi giải quyết vấn đề này, hệ thống tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định thiệt hại để có được phán quyết chính xác, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự. Trong khi đó, quy định cơ quan quản lý Nhà nước về quyền SHTT không được phép làm dịch vụ công về giám định, mà các tổ chức ngoài Nhà nước thì chưa có đủ năng lực để thực hiện việc giám định. Do đó, khi xử các vụ vi phạm quyền SHTT tại tòa, không có cơ quan giám định đủ tin cậy để cung cấp kết quả giám định cho việc xét xử. Vì vậy, trong nhiều vụ kiện về bản quyền, quyền SHTT cho thấy, nguyên đơn thường là những người thua kiện mặc dù bị vi phạm khá rõ ràng.
* Cần sự vào cuộc của người dân
Đồng Nai là tỉnh đông dân, cũng là địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh rất sôi động, là nơi đầu mối của rất nhiều loại hàng hóa đến và đi, đồng thời có trục giao thông chính Bắc – Nam đi qua... vì thế “cuộc chiến” chống hàng lậu, hàng gian, hàng giả vì thế lại càng trở nên phức tạp.
Thông tin từ Cục QLTT tỉnh, mỗi năm có hàng trăm vụ vi phạm. Chỉ riêng từ đầu năm đến tháng 9-2020, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 300 vụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng số tiền xử phạt đến hơn 1 tỷ đồng. Theo nhận định của ngành chức năng, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng nở rộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái thì một cơ quan hay tổ chức không thể đảm đương nổi mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên: Nhà nước - nhà sản xuất - người tiêu dùng, đặc biệt là sự vào cuộc của người dân.
Theo ông Võ Văn Tỉnh, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, hàng giả hay hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ đều phải có một địa điểm để sản xuất hay tập trung hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, ngoài sự giám sát của các cơ quan chức năng thì sự phát hiện, tố giác từ người dân trực tiếp ở cơ sở sẽ là thông tin vô cùng quan trọng để cơ quan chức năng vào cuộc.
Trong rất nhiều đợt ra quân kiểm tra, đeo bám từ thông tin người dân cung cấp, các cơ quan chức năng thuộc Cục QLTT đã phát hiện và xử lý rất nhiều các kho hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả từ những nơi sản xuất đến các điểm kinh doanh; từ chỗ bán sỉ đến điểm bán lẻ; từ cửa hàng lớn đến điểm bán trên vỉa hẻ; từ chợ đến siêu thị. Thậm chí là trong một số trung tâm thương mại lớn cũng có sự góp mặt của hàng không “chính chủ” với rất nhiều chủng loại, mẫu mã nhái những nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng với giá rất ... linh động. Cũng từ việc chú trọng công tác trinh sát, từ nguồn tin báo trong nhân dân, lực lượng QLTT để xác định được các địa phương có nhiều vụ sản xuất hàng giả “nổi cộm” như huyện Trảng Bom, TP.Long Khánh và Biên Hòa...
Tuy nhiên, cũng theo ông Tỉnh trong hoạt động chống hàng gian, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, ngoài hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, thì thái độ tiêu dùng của người dân là rất quan trọng nếu hành động “nói không” với hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bởi lâu nay, tâm lý sính hàng ngoại (dù là hàng fake), ham hàng giá rẻ của không ít bộ phận người tiêu dùng đã dẫn đến tình trạng tiếp tay cho hàng gian, hàng giả có “đất sống” và “sống khỏe”... Chỉ khi không còn người dùng hàng giả thì hàng giả mới hết cơ hội tồn tại. Và điều này phụ thuộc vào ý thức, sự khôn ngoan của người tiêu dùng.