Bài 4: Gian nan hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Trong các thời kỳ chiến tranh, Quân khu 2 có 31.118 liệt sĩ. Trong số đó, có những liệt sĩ vẫn đang nằm lại tại đất bạn Lào và ở những vùng biên cương heo hút. Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được quân khu xác định là nhiệm vụ quan trọng, phải triển khai bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm…

Tìm đồng đội trên đất bạn Lào

Trong những năm qua, Quân khu 2 đã triển khai tích cực công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên địa bàn 6 tỉnh Bắc Lào. Đây là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và phức tạp, bởi địa bàn đơn vị đảm nhiệm rất rộng lớn, với diện tích hơn 83.000km2. Trong khi đó địa hình rừng núi vô cùng hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, có nơi vẫn có phỉ hoạt động, có vùng còn nhiều mìn sót lại sau chiến tranh. Đại tá Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng Phòng Chính sách Quân khu 2, nguyên Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2, chia sẻ: Chiến tranh cũng đã qua lâu trên đất bạn, trong khi các thông tin cho thấy mộ liệt sĩ chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trong khi không có sơ đồ mộ chí cụ thể mà địa hình đã thay đổi nhiều. Do đó, nhiều thông tin về mộ liệt sĩ đơn vị phải xác minh, khảo sát nhiều lần, có những nơi phải đến 4 lần và anh em đi tìm kiếm phải ăn ngủ trên núi gần một tháng trời mà vẫn chưa tìm đúng nơi các liệt sĩ an nghỉ. Cũng vì chiến tranh đã qua lâu, nhiều vùng chiến sự lại xa dân, người biết về mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam rất ít, một số đã mất, một số đã già yếu nên rất khó khăn trong việc thu thập thông tin.

Vật cản nổ sót lại sau chiến tranh gây ra khó khăn không nhỏ cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Quân khu 2.

Qua thực tiễn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào, để có thông tin về mộ liệt sĩ, Đội quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2 đã tự dò tìm phiên hiệu các đơn vị từng tham gia chiến đấu ở Bắc Lào, nay còn hay giải thể hoặc ở đâu để hỏi xin hồ sơ, sơ đồ an táng các liệt sĩ. Có những lần các anh phải đi đi lại lại đến đơn vị mấy lần mà thông tin vẫn chưa đầy đủ. Đối với những đơn vị đã giải thể, các anh lại phải lặn lội đi tìm các cựu chiến binh ở nhiều nơi, như Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên…để tìm kiếm thông tin.

Hoạt động trên đất bạn nên các thành viên của Đội quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2 đã phải nỗ lực rất nhiều để khắc phục sự bất đồng ngôn ngữ với bà con nhân dân. Các anh đã chủ động tìm về các học viện, nhà trường Quân đội có chương trình dạy tiếng Lào để sưu tầm sách, tài liệu tiếng Lào về tự học. Nhờ vậy đến nay các anh đã cơ bản đọc thông, viết thạo tiếng Lào, giao tiếp được với nhân dân nước bạn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ…

Hành trình trên biên giới Hà Giang

Hà Giang, một trong những địa bàn trọng điểm của công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Quân khu 2, hiện cũng đang tồn tại nhiều khó khăn khi thực hiện công tác ý nghĩa này. Thiếu tướng Vũ Sơn Hoàng, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2 chia sẻ: Một trong những khó khăn lớn nhất của Hà Giang là trên địa bàn còn rất nhiều vật cản nổ còn sót lại sau chiến tranh chưa được rà phá, khắc phục, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Hà Giang là chiến trường diễn ra các trận đánh ác liệt, nóng bỏng kéo dài từ năm 1979 – 1989. Khi đó, các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên đều có nghĩa trang riêng, nằm sát biên giới. Do chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều nghĩa trang bị pháo binh bắn phá, cày xới làm mất dấu tích, hoặc có những liệt sĩ hy sinh không lấy được thi hài. Khi chiến tranh kết thúc, một số đơn vị rút quân về tuyến sau; có những đơn vị giải thể theo yêu cầu nhiệm vụ, công tác bàn giao mộ liệt sĩ, nghĩa trang, danh sách liệt sĩ hy sinh, sơ đồ mộ chí cho tỉnh Hà Giang còn thiếu sót và chưa đầy đủ.

Thành viên Tổ tìm kiếm, quy tập lâm thời của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang trên hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Thành viên Tổ tìm kiếm, quy tập lâm thời của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang trên hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Chiến tranh đã lùi xa, nên theo Đại tá Phạm Văn Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, nếu công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không được triển khai khẩn trương thì với sự biến đổi phức tạp của địa hình, sự tác động mạnh của môi trường, khí hậu sẽ khiến cho việc tìm kiếm ngày càng khó khăn gấp bội. Đó là chưa kể đến những nhân chứng cùng đơn vị chiến đấu tuổi ngày càng cao, trí nhớ ngày càng giảm sút dẫn đến việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động tìm kiếm trở nên khó khăn hơn.

Một thông tin đáng chú ý khác là dọc tuyến biên giới của 34 xã, đặc biệt ở các xã Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Minh Tân của huyện Vị Xuyên và xã Phú Lũng của huyện Yên Minh, được xác định là nơi có nhiều bộ đội chiến đấu hy sinh, hiện nay vẫn còn hơn 9.000ha bị ô nhiễm bom mìn, vật cản nổ chưa được rà phá.

“Ngoài sự hiểm nguy rình rập từ vật cản nổ, những cung đường đi tìm hài cốt liệt sĩ cũng rất gian nan. Sau khi ô tô phải dừng do đường xấu không thể đi tiếp, anh em trong tổ tìm kiếm phải vượt dốc lên các cao điểm có hài cốt liệt sĩ, và quãng thời gian ấy khoảng hơn 3 giờ đồng hồ”, Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, Trợ lý Ban Chính sách (Phòng Chính trị, Bộ CHQS Hà Giang), người tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ từ những ngày đầu chia sẻ như vậy.

Vậy nhưng, bằng tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc với các anh hùng liệt sĩ, trong những năm qua, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ…

HOÀNG HÀ - MẠNH THẮNG - VIỆT CƯỜNG

Bài 5: Đẩy nhanh hoạt động rà phá vật cản nổ để sớm đưa liệt sĩ trở về

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-thuong-binh-liet-si/den-on-dap-nghia/bai-4-gian-nan-hanh-trinh-tim-kiem-quy-tap-hai-cot-liet-si-512185