Bài 4: Giữ nét thanh lịch 'chốn kinh sư muôn đời'

Sự nghiệp phát triển Thủ đô 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại' từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bện cạnh đó, cần đặt con người vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp đến thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, Đảng bộ TP Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy trong nhiều năm liên tiếp; được xác định là khâu đột phá trong Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025" của Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch gắn với việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành 2 Bộ quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội”, và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”.

Việc triển khai có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy giúp đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn Hà Nội không ngừng được nâng cao. Ảnh: Tùng Nguyễn

Việc triển khai có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy giúp đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn Hà Nội không ngừng được nâng cao. Ảnh: Tùng Nguyễn

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững.

Việc thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử, nhất là Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Trong nhận thức, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu, còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có nguy cơ làm mai một vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội.

Những hạn chế trên, theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ quan là chủ yếu. Đó là việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quyết liệt, đồng bộ; thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên và chế tài xử phạt còn hạn chế. Việc truyền thông chính sách cũng được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu…

Đề cao trách nhiệm nêu gương

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, quá trình phát triển và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng sẽ còn đặt ra nhiều thách thức trong bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, con người Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội.

Những biến động phức tạp, khó lường về tình hình chính trị, kinh tế quốc tế; ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội và những mặt trái tiêu cực… đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những chuẩn mực đạo đức xã hội và phẩm cách của người Hà Nội.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, ngày 19/2/2024, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Trên thế giới và khu vực châu Á, khi tìm hiểu một quốc gia đều phải quan tâm tìm hiểu đến Thủ đô của quốc gia đó. Về trước mắt cũng như lâu dài, cần mở rộng nghiên cứu về Hà Nội học, phổ biến cho mọi người biết về Thủ đô của mình. Trước hết, người Hà Nội phải hiểu về Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ. Có như vậy mới tạo được sức mạnh nội sinh, thúc đẩy những khát vọng xây dựng Thủ đô và đất nước trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng…”.
TS Lê Thị Thu Hương (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội)

Đây được xem là một bước tiến mới, có tính đột phá trong công cuộc xây dựng đời sống đô thị văn minh, con người Hà Nội thanh lịch.

Một trong những điểm mới đáng chú ý, đó là ngoài các yêu cầu nhiệm vụ mang tính nguyên tắc, Chỉ thị số 30-CT/TU đã đi sâu vào những giải pháp mấu chốt, căn cơ. Đơn cử như, cùng với xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU cho thấy Thành ủy Hà Nội tiếp tục có sự nhìn nhận ngày càng toàn diện, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây là hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Thủ đô Hà Nội. Trong khi đó, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, Chỉ thị số 30-CT/TU là văn bản có ý nghĩa đặc biệt, tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa trong tình hình mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của TP Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến nhìn nhận, sau Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII, Chỉ thị số 30-CT/TU tiếp tục cho thấy quyết tâm của TP Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh; coi đây là động lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đối với 2 Bộ quy tắc ứng xử mà TP Hà Nội đã ban hành, thực tế việc triển khai mang lại hiệu quả còn hạn chế là bởi chưa có chế tài xử phạt. Do đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng chế tài xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử của TP Hà Nội, bảo đảm tính răn đe và hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh

Cùng với nhấn mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên, Thành ủy Hà Nội cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Coi trách nhiệm nêu gương là yếu tố cốt lõi để tạo sự lan tỏa trong xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
(Còn nữa)

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-4-giu-net-thanh-lich-chon-kinh-su-muon-doi.html