Bài 4: Hà Nội thật đẹp, thật yên bình!
Trong suốt chặng đường 20 năm kể từ khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là 'Thành phố Vì hòa bình', những nỗ lực không ngừng trong công tác đối ngoại của Thủ đô đã khiến Hà Nội để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế.
Mở rộng đối ngoại đa phương
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hợp tác đa phương trở thành xu thế tất yếu, thành phố Hà Nội đã nỗ lực mở rộng đối ngoại để hòa mình vào dòng chảy chung của thời đại và vươn tới tầm cao mới về hội nhập và phát triển. Thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng: "Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại... là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, Hà Nội đã chủ động, tích cực hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.
Trong 20 năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị song phương và đa phương của Hà Nội ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Năm 2000, Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với hơn 60 thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ. Đến nay, thành phố đã thiết lập quan hệ với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới; trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỗi năm, lãnh đạo thành phố tiếp khoảng 250 lượt khách quốc tế.
Ảnh: Viết Thành, Bá Hoạt, Minh Hoàng.
Không chỉ thắt chặt quan hệ hợp tác với các đối tác láng giềng hữu nghị truyền thống như hay các nước ASEAN, Hà Nội còn chú trọng phát triển các mối quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mỗi năm, lãnh đạo thành phố tiếp khoảng 250 lượt khách quốc tế đến làm việc nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác với Hà Nội.
Những số liệu thống kê ấn tượng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là minh chứng cho thấy hiệu quả to lớn từ công tác đối ngoại phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nếu như 6 tháng đầu năm 1999, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hà Nội chỉ đạt mức khiêm tốn 240 triệu USD thì qua 20 năm hội nhập, dòng vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng vọt gấp hơn 20 lần, lên mức 5,3 tỷ USD.
Bên cạnh hợp tác song phương, Hà Nội còn đi đầu trong việc tham gia tích cực vào các hoạt động đa phương, là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế lớn như Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21), Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới (Metropolis); Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố có sử dụng tiếng Pháp trên thế giới (AIMF); Nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40)... Sự đóng góp của Hà Nội tại các tổ chức và diễn đàn đa phương đã góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Trần Nghĩa Hòa, nhờ sự kiên trì, bền bỉ, hiệu quả trong công tác đối ngoại của thành phố trong suốt thời gian qua, quan hệ giữa Hà Nội với các đối tác quốc tế ngày càng mở rộng và toàn diện.
Không chỉ thực hiện công tác đối ngoại với tư cách một thành phố, Thủ đô Hà Nội còn đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước. Thành phố đã tham gia và đóng góp tích cực vào thành công của nhiều sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Hà Nội như SEA Games 22 (năm 2003), Hội nghị cấp cao APEC (năm 2006), năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN (năm 2010), Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (năm 2018) và gần đây nhất là tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai (tháng 2-2019).
Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.
Ảnh: Thương Nguyệt
Sự kiện này đã trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới, làm nức lòng bạn bè, du khách quốc tế và ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao của Thủ đô Hà Nội, khẳng định vai trò của Việt Nam, một nhà kiến tạo hòa bình trong việc tham gia giải quyết các vấn đề nóng của thế giới.
Những hình ảnh đẹp từ cuộc gặp gỡ lịch sử được truyền đi từ Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi lá cờ xanh với chim câu trắng biểu tượng cho "Thành phố Vì hòa bình” 20 năm qua vẫn luôn tung bay đã lan tỏa thông điệp hòa bình, hữu nghị, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Dấu ấn "Thành phố Vì hòa bình”
Tháng 7-1999, Hà Nội là thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” và được chọn là một trong 23 địa điểm trên thế giới phát động Năm quốc tế văn hóa hòa bình.
Đại sứ Cộng hòa Indonesia Ibnu Hadi nhận định, Hà Nội thực sự xứng đáng với danh hiệu này bởi thành phố đã nỗ lực không ngừng và đạt được tiến bộ đáng kể trong một loạt tiêu chí như thúc đẩy bình đẳng trong xã hội, bảo vệ môi trường sống, phát triển văn hóa và giáo dục, quan tâm chăm sóc thế hệ trẻ...
Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi.
Sau hơn ba năm sống và làm việc tại đây, Đại sứ Ibnu Hadi nói rằng, Hà Nội đã trở thành một trong những điểm đến thú vị nhất mà ông từng đặt chân tới.
“Hà Nội có lịch sử lâu đời, ghi dấu nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử Việt Nam. Những công trình kiến trúc của phố cổ cùng con người dễ mến, thân thiện là những điều khiến tôi nhớ nhất về thành phố này. Nhưng bên cạnh những nét cổ kính, Hà Nội còn gây ấn tượng mạnh bởi sự phát triển đầy sôi động”, Đại sứ Ibnu Hadi chia sẻ.
Hà Nội mang thông điệp hòa bình với những con người thân thiện, hiếu khách.
Ảnh: Nguyễn Thị Thu Trang, Phùng Thị Hồng Hạnh, Vũ Minh Đức, Ngân Hạ
Với Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary, những năm cuối thế kỷ XX đã tạo ra nhiều bước ngoặt mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và thành phố Hà Nội. Ông nhớ lại, năm 1997, Hà Nội là nơi đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh khối Pháp ngữ lần thứ bảy. Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất do Việt Nam đăng cai vào thời điểm đó và cũng là lần đầu tiên Hội nghị này được tổ chức tại châu Á - Thái Bình Dương, tạo tiền đề để Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia phương Tây.
Hai năm sau đó, UNESCO công nhận Hà Nội là “Thành phố Vì hòa bình”. Cùng năm đó, thành phố Caen của Pháp được vinh danh. Cả Hà Nội và Caen đều có lịch sử lâu đời và mang dấu tích chiến tranh trong thế kỷ XX nhưng vượt lên tất cả, hai thành phố luôn quyết tâm cam kết vì hòa bình. Đặc biệt, Hà Nội đã thể hiện vai trò nổi bật vào tháng 2 vừa qua khi chào đón Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, giúp lan tỏa mạnh mẽ những giá trị hòa bình đến với cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Bertrand Lortholary đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm.
Không chỉ là thành phố mang thông điệp hòa bình, Hà Nội với những con người thân thiện, hiếu khách đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng ngài Đại sứ Bertrand Lortholary.
Không chỉ chinh phục trái tim của những người nước ngoài đã có thời gian gắn bó lâu dài, Hà Nội với nét độc đáo và quyến rũ đã mê hoặc cả những người có dịp ghé thăm thành phố này, dù chỉ ít ngày.
Lần đầu tiên tới Việt Nam để tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, ông Mohamed Almenshawy, phóng viên kênh tin tức Al Shouk News (Ai Cập) đã phải thốt lên rằng: “Hà Nội của các bạn thật đẹp, thật yên bình. Tôi đã đi nhiều nơi, ghé thăm nhiều thành phố, nhưng hiếm có thành phố nào mang lại cho tôi những trải nghiệm vừa thanh bình, vừa thú vị như khi ngắm nhìn những cụ già thảnh thơi đi dạo ven hồ, những chiếc xích lô dạo quanh phố cổ hay những gánh hàng rong rực rỡ sắc màu”.
Độc đáo và quyến rũ, cổ kính xen hiện đại, bình dị mà khó quên, sôi động và thân thiện… là những dấu ấn về Hà Nội khó phai mờ. Để dù đi đâu, người Hà Nội cũng luôn tự hào rằng, “Thành phố Vì hòa bình” không đơn thuần là một giải thưởng được phong tặng, mà nó thực sự là “hồn cốt” của mảnh đất này.
(còn nữa)
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/940170/bai-4-ha-noi-that-dep-that-yen-binh