Bài 4: Mốc son chói lọi của thời đại
Bài 3: Sự lựa chọn đúng đắn
(HNM) - Sự chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng và tổ chức đã dẫn đến việc xuất hiện ba tổ chức cộng sản trong nước. Tuy nhiên, thực tế này cũng đã dẫn đến tình trạng tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, chia rẽ và phân liệt phong trào đấu tranh cách mạng. Vì thế, đòi hỏi ra đời của một chính đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng ở nước ta là tất yếu của lịch sử. Trước tất yếu khách quan đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 là mốc son chói lọi của thời đại.
1. Nhận thức sâu sắc về nguy cơ bất lợi cho sự phát triển phong trào cách mạng Đông Dương trước sự hoạt động của 3 tổ chức cộng sản, ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản đã ra chỉ thị, trong đó nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một Đảng Cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”.
Lúc này, dù chưa nhận được bản Chỉ thị nói trên, nhưng với nhãn quan chính trị nhạy bén, nhằm thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, Nguyễn Ái Quốc chủ động, kịp thời trên cương vị “phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương” đã gửi thư về nước mời đại diện của các tổ chức cộng sản sang Hồng Kông (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất các tổ chức cộng sản. Sau đó, Người đến Trung Quốc cuối tháng 12-1929, gặp gỡ những chiến sĩ cách mạng Việt Nam để tìm hiểu thêm tình hình, rồi đi Hồng Kông chuẩn bị cho hội nghị hợp nhất.
Tại Cửu Long, Hồng Kông, từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tham dự hội nghị có Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh (đại diện Đông Dương Cộng sản Đảng); Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm (đại diện An Nam Cộng sản Đảng) và Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn giúp việc hội nghị. Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã thành lập, song chưa kịp cử đại biểu tới dự hội nghị. Với vị thế và uy tín của mình, Nguyễn Ái Quốc chân thành phân tích, thuyết phục các đại biểu về những sai lầm và nguy cơ nếu không đoàn kết, thống nhất lại.
Vì thế, trên cơ sở bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, hội nghị diễn ra khẩn trương, thuận lợi và đạt được sự nhất trí hoàn toàn khi quyết định đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo dựa trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối Đại hội VI (1928) của Quốc tế Cộng sản; nghiên cứu các Cương lĩnh chính trị của những tổ chức cộng sản trong nước, tình hình cách mạng thế giới và Đông Dương... Các văn kiện này trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) đã quyết nghị lấy ngày 3-2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng đã nêu “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó là mục đích lâu dài, cuối cùng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Mục tiêu trước mắt về xã hội làm cho nhân dân được tự do hội họp, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục cho dân chúng; về chính trị đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, lập chính phủ, quân đội của nhân dân (công, nông, binh); về kinh tế là xóa bỏ các thứ quốc trái, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo, thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc giao chính phủ nhân dân quản lý, thu hết ruộng đất chiếm đoạt của đế quốc làm của công chia cho dân cày nghèo, phát triển công, nông nghiệp và thực hiện lao động 8 giờ. Những mục tiêu đó phù hợp với lợi ích cơ bản của dân tộc, nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta.
Sách lược vắn tắt của Đảng nêu rõ, Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, thu phục giai cấp, lãnh đạo dân chúng nông dân; liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông; tranh thủ, phân hóa trung tiểu địa chủ và tư sản dân tộc, đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới để hình thành mặt trận thống nhất đánh đuổi đế quốc, đánh đuổi bọn đại địa chủ và phong kiến, thực hiện khẩu hiệu nước Việt Nam độc lập, người cày có ruộng. Trong khi đó, Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng nêu chính xác tên Đảng, tôn chỉ của Đảng, hệ thống tổ chức của Đảng từ chi bộ, huyện bộ, thị bộ hay khu bộ; tỉnh bộ, thành bộ hay đặc biệt bộ và trung ương.
Toàn bộ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp đó là của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng Mác - Lênin. Đây là kết quả của một tư duy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, thực sự cần thiết và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ lịch sử trọng đại của mình, tạo bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng và phát triển của cách mạng Việt Nam. Thành công của hội nghị và sự ra đời của Đảng ta là một tất yếu lịch sử, một xu thế không thể đảo ngược. Ngày 8-2-1930, các đại biểu dự hội nghị thành lập Đảng trở về nước. Ngày 24-2-1930, một hội nghị quan trọng được tổ chức tại Sài Gòn để xem xét yêu cầu gia nhập và nhất trí công nhận Đông Dương Cộng sản liên đoàn được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam ra đời đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về vai trò lãnh đạo cách mạng, mở đầu một thời kỳ mới: Thời kỳ giai cấp công nhân và Đảng tiên phong đứng ở vị trí trung tâm, lãnh đạo cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hội nghị thành lập Đảng gắn liền với trí tuệ, uy tín và đạo đức cách mạng trong sáng; tính chủ động, sáng tạo, chính xác và kịp thời của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh).
Đánh giá sự kiện trọng đại này và những quyết định có ý nghĩa lịch sử của Nguyễn Ái Quốc ở vào thời khắc quan trọng nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Thiên tài của Người chính là ở chỗ đã phát hiện ra con đường đó. Nó tạo ra sức mạnh của Người, sức mạnh của dân tộc, của tất cả chúng ta”.
(Còn nữa)