Bài 4: Nhiều tiềm năng xuất khẩu lao động (kỳ cuối)
Giải quyết việc làm, giảm nghèo; thu nhập ổn định; học được nhiều kỹ năng sống; rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ;... là những ưu điểm của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động). Song, hiện nay, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần tạo đà cho xuất khẩu lao động phát triển nhanh, bền vững.
Trên 53% người dân tham gia hoạt động kinh tế; trên 70% lao động qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề đạt trên 51%; 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN);... là những tiềm năng lớn tạo điều kiện cho xuất khẩu lao động (XKLĐ) Long An phát triển.
Bảo đảm nguồn nhân lực có tay nghề
Hiện nay, toàn tỉnh có 24 cơ sở GDNN (11 cơ sở công lập, chiếm 45,83%; 13 cơ sở ngoài công lập, chiếm 54,17%), trong đó: 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 6 trung tâm GDNN và 8 cơ sở khác tham gia hoạt động GDNN. Trong mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh có Trường Cao đẳng Nghề Long An được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư 10 nghề trọng điểm. Giai đoạn 2016-2019, ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo trên 90 tỉ đồng cho các cơ sở GDNN công lập của tỉnh. Đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDNN được đào tạo, bồi dưỡng; hiện nay, toàn tỉnh có 526 giảng viên (trong đó 68 thạc sĩ, 374 đại học, 84 trung cấp). Đến nay, các cơ sở GDNN của tỉnh cơ bản đáp ứng quy mô đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng GDNN.
Năm 2019, các cơ sở GDNN tuyển sinh đào tạo trên 24.700 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70%, trong đó lao động qua đào tạo nghề trên 51%. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Long An - Lê Quốc Hùng khẳng định: “Theo khảo sát, hiện nay, thị trường lao động trong và ngoài nước rất cần những công nhân có tay nghề cao, trong đó ngành công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại, hàn, điện công nghiệp,... rất được thị trường ngoài nước đặt hàng. Nhờ được đầu tư trang thiết bị đến đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên được tiếp cận những trang thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến góp phần đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong và ngoài nước. Thời gian qua, Trường Cao đẳng Nghề Long An có rất nhiều học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp mạnh dạn tham gia XKLĐ. Sau khi về nước, các em không chỉ tích lũy một khoản tiền mà còn học được kinh nghiệm, tác phong làm việc, nhất là tay nghề được nâng lên, từ đó có nhiều doanh nghiệp mời về làm việc, với mức lương hấp dẫn. Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề Long An luôn sẵn sàng đào tạo các ngành nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.
Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Năm 2019, trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho 90.000 lượt người. Ngoài ra, trung tâm còn tích cực tư vấn cho người lao động thất nghiệp có đủ điều kiện về sức khỏe, học vấn, chuyên môn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nguyễn Thanh Xuân (huyện Đức Hòa) cho biết: “Nhờ trung tâm tư vấn về thị trường lao động, tôi mạnh dạn đăng ký tham gia XKLĐ. Hiện nay, tôi đã đậu phỏng vấn, chuẩn bị khám sức khỏe và học ngoại ngữ tham gia XKLĐ tại Hàn Quốc”.
Có thể thấy, Trường Cao đẳng Nghề Long An nói riêng, các cơ sở GDNN nói chung và Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An hoạt động rất tốt, sẽ làm cầu nối về cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và kênh thông tin, tuyên truyền hiệu quả về XKLĐ.
Người lao động có nhu cầu tham gia cao
Khi học sinh, sinh viên xác định học nghề đồng nghĩa với việc sẽ đi làm công nhân. Song hiện nay, mức lương, chế độ của công nhân chưa cao, từ đó chất lượng cuộc sống thấp. Do đó, nhiều học sinh, sinh viên có nhu cầu tham gia XKLĐ. Nguyễn Hải Đăng (Trường Cao đẳng Nghề Long An) bộc bạch: “Mức lương công nhân chỉ đủ sống, không dư. Do đó, sau khi tốt nghiệp, em sẽ tham gia XKLĐ. Hiện nay, em vừa học nghề, vừa học ngoại ngữ để chuẩn bị cho XKLĐ. Thị trường lao động em chọn là Nhật Bản. Sau khi tham gia XKLĐ về, em sẽ mở xưởng cơ khí của riêng mình”.
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 7.183/471.336 hộ nghèo, chiếm 1,52%; 12.762/471.336 hộ cận nghèo, chiếm 2,71%. Nếu những hộ nghèo, cận nghèo này được tạo điều kiện tham gia XKLĐ không chỉ góp phần giảm nghèo mà còn cung cấp một lực lượng lao động lớn cho các thị trường lao động ngoài nước.
Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết: “Hàng năm, huyện đều rà soát và phân loại đối tượng nghèo. Cụ thể, người nghèo thuộc dạng neo đơn, tàn tật sẽ được hỗ trợ quà trong các dịp lễ, tết, xây nhà tình thương,... Còn đối với hộ nghèo còn trong độ tuổi lao động sẽ tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Thế nhưng, những phương án này không mang tính khả thi nhiều, bởi tình trạng tái nghèo của huyện còn cao. Thời gian qua, nhiều người nghèo trong huyện có nhu cầu tham gia XKLĐ nhưng không có tiền đóng các khoản phí. Tin rằng, đề án XKLĐ được thông qua sẽ góp phần tích cực cho huyện làm tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững”.
Nhìn chung, Long An có nhiều nguồn lực trong XKLĐ từ lao động phổ thông đến việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Đây là tiềm năng để công tác XKLĐ đạt nhiều thành công, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/bai-4-nhieu-tiem-nang-xuat-khau-lao-dong-ky-cuoi--a89954.html