Bài 4: Nhịp sống Hà Nội trong trạng thái ''bình thường mới''
Sau khi ra khỏi tình trạng cách ly, giãn cách xã hội, nhịp sống Hà Nội trong trạng thái 'bình thường mới' có nhiều thay đổi. Nếp sinh hoạt trật tự, kỷ cương, bảo đảm an toàn để phòng, chống dịch Covid-19 vẫn hiển hiện ở nhiều nơi, nhưng cùng với đó, tình trạng bán hàng, họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tái diễn ở nhiều điểm..., làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Đại dịch qua đi, nếp sống mới ở lại
Đêm 23-4-2020 là thời khắc đặc biệt của người dân Hà Nội cũng như cả nước. Theo cách ví von của nhiều người, quãng thời gian chuyển từ ngày 23-4 (ngày cuối cách ly xã hội) sang ngày 24-4 (ngày đầu tiên của trạng thái "bình thường mới") là thời điểm "giao thừa" của "năm Covid-19", nên họ mong đợi, đón chờ. Kể từ thời điểm đó cho đến nay, nhịp sống Hà Nội mang nhiều âm hưởng tươi vui.
Dễ nhận thấy là hằng ngày, các thành viên trong mỗi gia đình không quên nhắc nhở nhau chú ý giữ gìn vệ sinh, tăng cường tập thể dục, ăn uống khoa học để bảo vệ sức khỏe. Trên bảng tin, trang mạng xã hội của các khu chung cư, như Mipec Riveside (quận Long Biên), Imperia Sky Garden (quận Hai Bà Trưng), N04 Udic Complex (quận Cầu Giấy)... vẫn đều đặn thông báo về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân cách phòng, chống, không để dịch Covid-19 tái bùng phát.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, chị Nguyễn Thị Hoa, cư dân chung cư 34T đường Hoàng Đạo Thúy (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, nơi chị sinh sống vẫn duy trì lịch phun khử khuẩn để phòng dịch. Nhiều cư dân vẫn đeo khẩu trang khi đi thang máy hay đến các không gian công cộng của tòa nhà. Còn anh Trần Quang Huy (chồng chị Hoa) cho biết: "Thói quen tụ tập ở quán xá sau giờ làm việc tưởng chừng khó bỏ, vậy mà tôi và một số "bạn nhậu" đã làm được sau đợt dịch này. Hết giờ làm là tôi trở về cùng gia đình làm việc nhà và chăm sóc con cái".
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Hải, chung cư là mô hình nhà ở phổ biến trên địa bàn phường với khoảng 70 tòa nhà, hơn 6.000 hộ sinh sống. Trong thời gian "cách ly" cũng như trong giai đoạn "bình thường mới", đại đa số cư dân chung cư đều duy trì được thói quen ứng xử văn minh, vì an toàn bản thân và cộng đồng, hình thành trong thời gian có dịch. Điều này không chỉ góp phần đẩy lùi dịch bệnh, mà còn phần nào thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành nghiêm nội quy, quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Nếp sống mới cũng được định hình rõ nét ở những điểm tập trung đông người. Có lẽ, chưa bao giờ, thực khách bước vào cửa hàng ăn, dù ở vỉa hè cũng được người bán hàng yêu cầu khử khuẩn vệ sinh tay. Thậm chí, không ít hàng ăn đã thiết kế các vách ngăn giọt bắn, nhằm bảo đảm an toàn cho thực khách. Chẳng hạn, một quán cơm trên phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm) đã dùng tấm mi ca để ngăn cách chỗ ngồi, hạn chế không tiếp xúc trực tiếp, nhưng vẫn có thể di chuyển, nhìn thấy nhau và nói chuyện. Anh Nguyễn Đức Sơn, chủ hàng ăn này chia sẻ: "Vì sự an toàn của thực khách và cộng đồng, tôi sẵn sàng đầu tư thêm trang, thiết bị hỗ trợ phòng, chống dịch".
Đặc biệt, hiện nay, công tác kiểm soát người ra, vào các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn được thực hiện nghiêm túc. Về phía người dân, thay vì đến bệnh viện xếp hàng từ sớm chờ đến lượt khám bệnh như thời điểm chưa có dịch, đa số bệnh nhân đã chuyển sang khám bệnh theo lịch hẹn. "Ý thức phòng, chống dịch của bệnh nhân đã, đang góp phần mang lại hiệu quả cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Do không mất nhiều thời gian xếp hàng chờ đợi, thời gian khám bệnh của bệnh nhân được rút ngắn, khiến người bệnh thấy hài lòng", bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho hay.
Còn theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, nếp sống mới định hình rõ nét sau dịch Covid-19 là ý thức giữ gìn vệ sinh, tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của từng người dân được nâng lên. Việc rửa tay thường xuyên trở thành thói quen của số đông người dân...
Còn đó những điều chưa đẹp...
Trái với ý thức chủ động bảo vệ bản thân, tôn trọng cộng đồng của đa số người dân, ngay sau khi Hà Nội chuyển sang trạng thái "bình thường mới", không ít người đã buông bỏ thói quen ứng xử văn minh, hình thành trong thời điểm thực hiện cách ly, giãn cách xã hội.
Dù dịch Covid-19 chưa được đẩy lùi hoàn toàn, nguy cơ lây lan trong cộng đồng (từ nguồn lây nhập cảnh nước ngoài về) vẫn còn, thế nhưng tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch bệnh đã bắt đầu phổ biến. Tại nhiều khu vực trên địa bàn quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông... tình trạng bán hàng không đúng nơi quy định tái diễn. Không ít người dân khi đến chợ, kể cả những chợ tập trung đông người, như chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai)... "quên" đeo khẩu trang. Một số người bán hàng ăn cũng không đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến thức ăn cho thực khách. Cá biệt, ở thời điểm tháng 5-2020, khi các cơ quan chức năng chưa cho phép dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường hoạt động trở lại, nhưng một số cơ sở kinh doanh dịch vụ này vẫn cố tình hoạt động "chui" để kiếm lời.
Chứng kiến những điều chưa đẹp đang tồn tại xung quanh, chị Dương Kim Dung (phố Phương Mai, quận Đống Đa) băn khoăn đặt câu hỏi: "Trải qua giai đoạn sống chung với dịch Covid-19, bất kỳ ai cũng hiểu dịch bệnh rất nguy hiểm, Nhà nước và cộng đồng đã tiêu tốn rất nhiều công sức, tiền của để đẩy lùi dịch bệnh. Vậy, tại sao chúng ta không cùng cố gắng bảo vệ thành quả bằng những việc làm thiết thực hằng ngày?".
Dưới góc độ quản lý, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa trăn trở: "Với số lượng hộ kinh doanh lớn, nếu mỗi người bán và mua hàng thiếu tuân thủ các quy định về trật tự giao thông, văn minh đô thị, an toàn trong phòng, chống dịch, thì có cố gắng đến đâu, các lực lượng chức năng cũng không thể kiểm soát hết được các vi phạm về trật tự đô thị; càng không thể bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng".
Ý thức giữ gìn nếp sống văn hóa, văn minh tại nơi ở cũng mờ nhạt dần thời "hậu cách ly", nhất là ở một số chung cư đông dân. Chị Lê Thu Hà, cư dân tòa HH1A, Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) phản ánh, từ đầu tháng 5 đến nay, tình trạng ách tắc thang máy ở khu chung cư này vào giờ cao điểm tái diễn. Thay vì tìm cách khắc phục, nhiều người cố bước vào thang máy, dẫn đến cảnh chen lấn, không ai nhường ai. Trong khi đó, ở giai đoạn "cách ly", cũng chính nơi đây, mọi cư dân đều đồng lòng chống dịch, tuân thủ giãn cách tối thiểu 2m, giữ gìn nơi ở sạch sẽ, văn minh.
Ngoài những vấn đề đã nêu, Hà Nội trong trạng thái "bình thường mới" tồn tại đan xen những điều đẹp và chưa đẹp. Điều này không khó lý giải, bởi thực tế đã chứng minh, việc tạo lập thói quen tốt cũng như việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh phải trải qua thời gian dài, có sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân trong cộng đồng mới hình thành rõ nét. Để giữ gìn, phát huy nếp sống đẹp, thói quen tốt được hình thành trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu đưa những yếu tố tích cực này trở thành tiêu chí, quy tắc ứng xử trong cộng đồng, trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
(Còn nữa)