Bài 4: Những cá nhân tích cực khơi gợi và gìn giữ lối ứng xử truyền thống

Sự khăng khít ở các tổ dân phố, tình làng nghĩa xóm ở khu tập thể hay nghĩa tương thân tương ái ở khu chung cư mới… đó là quan hệ không hề mới, bản thân nó chính là những tình cảm tốt đẹp, nét văn hóa truyền thống bao đời nay của dân tộc Việt Nam ta. Việc gìn giữ, phát huy truyền thống trong thời đại mới, ở môi trường đô thị ồn ã được những cá nhân tích cực bền bỉ tạo nên.

Người ta bảo bác là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, thế nhưng bác Hoàng Văn Chiến, Bí thư chi bộ khu dân cư Cự Lộc 1 lại không lấy đó làm phiền.

Bác bảo, thời điểm này dịch bệnh Covid-19 lại đang diễn biến phức tạp, ngoài việc cố gắng vận động, quan tâm đến mọi người cùng khu phố để thực hiện nghĩa tương thân, còn luôn tiếp nhận những thông tin mới nhất từ chính quyền. Các bác vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng trực chiến.

Nhớ cái thời điểm tháng 4, Hà Nội giãn cách xã hội. Nhà nhà giãn cách, người người ở trong nhà, nhưng các bác lại công việc nhiều lắm. Hết đi xem các nhà, các hộ xung quanh có khó khăn gì để kịp thời hỗ trợ, lại còn cùng với lực lượng dân phòng “trực” ở các hộ cách ly do mới di chuyển từ vùng dịch về. Việc “trực” đồng nghĩa với việc động viên, vỗ về người cách ly vững tâm để hoàn thành nghĩa vụ với cộng đồng.

“Hết chạy ở trong dân, lại chạy ra khu Royal City để phối hợp cùng các lực lượng bên ấy thời điểm Hà Nội công bố lịch trình của bệnh nhân F0” Bác Chiến kể.

Ấy thế nhưng vẫn không thể quên ngó đến nhà cô Vân, nhà bà Minh… xem họ có khó khăn, có thiếu thốn gì không. Và rồi lại lên lịch tiếp nhận quà hỗ trợ từ chính quyền xuống và phân phối cho bà con.

“Việc thực hiện giãn cách có được nghiêm hay không, đôi khi không phải bởi những điều lệ, quy định cứng nhắc, mà nó là cái tình nghĩa, sự tương thân và tình đồng bào… Có được những điều ấy, người ta sẽ cố gắng thực hiện nghiêm lệnh, không phải chỉ cho gia đình mình, mà cho cả cộng đồng nữa”, bác Chiến phân tích.

Sống ở trong một cộng đồng có sự sẻ chia người ta bao dung hơn.

Sống ở trong một cộng đồng có sự sẻ chia người ta bao dung hơn.

Cách đây 5, 6 năm, nhiều người ở khu C4, khu tập thể Kim Liên, phường Kim Liên đều không lạ hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Liên, tổ trưởng tổ dân phố số 13 hàng ngày cặm cụi từng nhát chổi quét sạch cái sân chơi chung trước khu.

Tuổi cũng không còn trẻ, người hiểu thì nghĩ chắc bà vận động cho giãn gân, giãn cốt, còn người không hiểu thì nói bà rỗi việc. Chỉ có bà Thái Hằng, Phó ban công tác mặt trận tổ 13, người ở cùng tòa nhà mới hiểu việc bà làm.

Theo bà Hằng, bà Liên quét sân chung là để lấy công, số tiền ít ỏi ấy không phải bà giữ cho bà, mà là để bà phụ giúp cho gia đình nhà chị Đ.T.P, C4, khu tập thể Kim Liên. Mặc dù bà biết, số tiền ít ỏi hàng tháng bà cặm cụi làm để phụ giúp ấy không nhiều, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chỉ là vài trăm bạc, nhưng có những lúc nó lại là cứu cánh.

“Việc làm của chị Liên cũng chỉ có tôi biết, có chăng có thêm một hai chị em thân thiết nữa. Bởi quan điểm của chị rằng, việc mình làm miễn là không sai, cũng không nhất thiết phải thông báo cho mọi người cùng biết, ai hiểu sao thì hiểu... Người ta hiểu thì mình mừng, còn chẳng hiểu cũng không lấy thế để buồn lòng. Đồng quan điểm với chị, nên cũng có nhiều việc tôi làm, tôi cũng chỉ chia sẻ với chị Liên…” Bà Thái Hằng chia sẻ.

Nhắc đến những câu chuyện nhỏ nhặt ấy, bà Liên chỉ cười, bà nói rằng: “Ngày trước cuộc sống của chúng tôi vốn khốn khó, nhưng lại không mấy khi xảy ra những chuyện tiêu cực, hay những chuyện tranh chấp với hàng xóm, láng giềng. Bởi rằng các cụ ngày xưa vẫn dạy, bán anh em xa, mua láng giềng gần. Cái tình cảm láng giềng nó là một thứ tình cảm đáng trân trọng lắm. Hơn nữa, sống trong cùng một khối đoàn kết, người ta có làm bất cứ điều gì cũng sẽ nhìn trước ngó sau… Con người mà, ai cũng lòng hướng thiện, ở bất kỳ thời đại nào cũng vậy. Chỉ có điều khơi gợi nó thế nào thôi.”

Còn như chị Lê Na (Khu Ecohome 1, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm), với chị, nếu sẻ chia được thì không cần đến khi mình có mới sẻ chia. Thấm nhuần tư tưởng của đạo Phật về lòng nhân ái, thiện nguyện, chị làm tất cả theo đúng cái tâm của mình.

Hơn nữa, với chị: “Sống ở trong một cộng đồng có sự sẻ chia, tương thân tương ái người ta hiền đi nhiều lắm. Có muốn ích kỷ cũng không được. Có gì thanh bình hơn khi tạm xa những bon chen ngoài kia, để khi bước qua cái barie ngoài cổng ấy, người ta tìm thấy một chốn nương náu yên bình, thân thương.”

Hội phụ nữ, hội thiện nguyện hay những hội chợ được tổ chức thường xuyên khiến các chị bận rộn hơn. Thế nhưng bởi những bận rộn ấy mà nhiều người được, chị nghĩ thế.

“Trong một xã hội mà lòng tin là một điều gì rất xa xỉ, thì những hành động rất thiết thực ấy khiến người ta nghĩ lại, sống chậm lại. Cái chúng tôi làm không phải cho gia đình chúng tôi, mà chúng tôi muốn khơi dậy tình nhân ái trong toàn bộ cộng đồng. Mà những gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ vững tâm hơn bởi có cộng đồng luôn ở bên.” Chị nói.

(Còn nữa)

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-4-nhung-ca-nhan-tich-cuc-khoi-goi-va-gin-giu-loi-ung-xu-truyen-thong-204274.html