Bài 4: Trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy

Trong bối cảnh trên đất nước ta đang diễn ra cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt và sòng phẳng để bảo vệ sự sống còn của Đảng, của chế độ, trong đội ngũ cán bộ chủ trì của Đảng hiện nay, người đứng đầu cấp ủy các cấp có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến vô cùng khó khăn và phức tạp này. Nếu vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp không được phát huy triệt để sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cục diện chung.

Và không thể hóa giải những nghịch lý không thuận chiều trên con đường đã chọn. Vậy người đứng đầu cấp ủy các cấp cần phải thể hiện vai trò trách nhiệm của mình như thế nào?

1.Trước hết là tự vấn lương tâm

Người đứng đầu cấp ủy trong lúc này phải tự vấn lương tâm và phải đặt ra nhiều câu hỏi để phản biện về sự lệch lạc, sai lầm, suy thoái của chính chúng ta dẫn đến sự suy yếu của Đảng hiện nay.

Phải xem trong tư duy, suy nghĩ của mình về cương lĩnh, đường lối, quan điểm chiến lược của Đảng có gì gợn lên mà mình chưa thống nhất. Nếu mình không thống nhất với Đảng và không nói ra, đề đạt ý kiến của mình với Đảng mà vẫn giữ vị trí là người đứng đầu cấp ủy thì đây là chuyện không bình thường? Cũng chẳng khác nào đồng hành với “tự diễn biến, tự chuyển hóa” và cũng là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội.

Phải xem quá trình công tác, cống hiến của mình có những sai lầm khuyết điểm gì? Có tham nhũng, tham gia bảo vệ lợi ích nhóm, bảo kê làm ăn phi pháp, bố trí sai người, nhầm chỗ trong công tác cán bộ, thiếu trách nhiệm... không? Nếu có thì từ khi Đảng ra Nghị quyết chống suy thoái,”tự diễn biến, tự chuyển hóa” đã sửa sai như thế nào?

Thiết nghĩ người đứng đầu các cấp ủy trong lúc này phải đồng sức, đồng lòng, vào cuộc, ra tay, dốc hết tâm sức, đưa ra các giải pháp sáng tạo để hiến kế cho Đảng và nhân dân chống “giặc nội xâm” – một thứ giặc nằm trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” đang từng ngày gặm nhấm, đục khoét, làm ruỗng nát các tổ chức Đảng. Vậy, lương tâm của cán bộ cấp ủy – người cầm ngọn cờ đứng đầu mỗi tổ chức Đảng, lúc này hơn lúc nào hết phải lấy phương châm hành động “còn Đảng thì còn mình” thì mới đúng tinh thần chiến đấu của người cộng sản chân chính.

Người cán bộ cấp ủy có thể đã có sai lầm, thậm chí là đã “trót nhúng chàm”, nhưng để bảo vệ sự tồn vong của chế độ không còn đường nào khác là tự vấn lương tâm để ra sức thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, nói không với lợi ích nhóm, góp phần làm cho cuộc chiến chuyển biến tích cực, thuận chiều theo Nghi quyết của Đảng.

Thắng lợi của cuộc chiến chống tham nhũng và những chuyển động tích cực của chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động đã củng cố được niềm tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng. Tuy nhiên với ngổn ngang nhiều hệ lụy của sai lầm trong một thời gian dài mà chúng ta chưa thể sửa chữa và dẹp bỏ được, người dân và nhiều cán bộ đảng viên chân chính vẫn hoài nghi, thiếu niềm tin vào phẩm chất của cán bộ các cấp. Để hóa giải được những nghịch lý không thuận chiều với Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy hiện nay là rất nặng nề.

2. Nhận thức đúng thực chất tình hình

Để làm tốt vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, ngoài việc tự vấn lương tâm, tự giác sửa chữa lỗi lầm (nếu có) thì một vấn đề rất quan trọng là nhận thức đúng thực trạng và tình hình mọi mặt, nhất là nhận diện sâu về tình hình nội bộ của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Thí dụ, cần phải nắm được thực chất thực tiễn tình hình đang diễn ra, đặc biệt là những quan hệ ngầm, những làn sóng ngầm trong sử dụng quyền lực để giải quyết, xử lý các vấn đề, vụ việc thuộc chức trách nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và những phản bác, dư luận trái chiều, những ý kiến xây dựng... trong và ngoài cơ quan, đơn vị. Nếu không nắm được thực chất tình hình mà chỉ nghe báo cáo, nắm thông tin một chiều sẽ dẫn đến nhận thức sai lệch, người đứng đầu cấp ủy không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thực tiễn hiện nay.

Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng diễn ra sáng 19/1. Ảnh: Phạm Duy.

Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng diễn ra sáng 19/1. Ảnh: Phạm Duy.

3. Giữ vững vai trò vị trí người đứng đầu cấp ủy

Trên thực tế quan hệ công tác hiện nay,người đứng đầu cấp ủy thường ở vào các trạng thái tâm thế sau đây:

+ Các vị trí Bí thư cấp ủy địa phương, phần đa là nắm chặt quyền lãnh đạo, điều hành, có khả năng chi phối có hiệu lực đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành ở địa phương. Đây thường là cán bộ có tầm và có tài. Nếu những cán bộ này có đủ tâm đức và năng lực tổ chức lãnh đạo thì mọi việc sẽ ổn thỏa, thông suốt. Nội bộ đoàn kết thống nhất, không có những vụ việc gay cấn, nổi cộm, tiêu cực lớn xảy ra. Nhưng nếu không đủ năng lực lãnh đạo và tâm đức thì phát sinh tham lam, thao túng quyền lực, nịnh trên, nạt dưới, vơ vét làm giàu cá nhân... thậm chí có nơi còn trị trung thần, nghe nịnh thần và gần gian thần của người đứng đầu cấp ủy sẽ là nguyên nhân làm tăng số lượng cán bộ, đảng viên suy thoái. Trong lãnh đạo, điều hành thực hiện chức trách nhiệm vụ và sinh hoạt hàng ngày sẽ thấp thoáng bóng dáng “anh cả”, “đại ca” lấn át hình ảnh người Bí thư cấp ủy. Và như thế, nội dung đề xuất cấp ủy thông qua, ban hành các nghị quyết có một phần chỉ là hình thức, không thực chất. Dẫn đến chuyện cấp ủy nói một đường làm một nẻo, sai lệch, xa rời bản chất của cấp ủy Đảng.

+ Trạng thái tâm thế thứ hai là người đứng đầu cấp ủy bị người đứng đầu chính quyền hoặc cấp phó lấn lướt. Các Bí thư cấp ủy này, thường là ở các cơ quan Trung ương (Bí thư cấp ủy không phải là người đứng dầu chính quyền) như các cơ quan đơn vị trong lực lượng vũ trang, một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công và còn một số ít địa phương khác. Trong trường hợp này thường do Bí thư cấp ủy nằm trong cơ chế của nhóm lợi ích, hoặc do lịch sử quá trình được bầu, được bổ nhiệm bị chi phối tình cảm, hoặc đang giữ mình để mong được sự đồng thuận của tập thể vì mục đích cá nhân, và cũng có trường hợp không đủ tầm, năng lực và tín nhiệm để thể hiện vai trò của mình. Nếu người đứng đầu cấp ủy mà bị lấn lướt thì rất khó quy tụ đoàn kết trong nội bộ, dễ xảy ra tiêu cực do các nguyên tắc, kỷ cương ở đây không được thực thi đầy đủ. Việc thể hiện vai trò lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, nhất là thực hiện các nghị quyết về chống tham nhũng, suy thoái “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thiếu tính quyết đoán và thống nhất, do đó sẽ rất khó khăn.

+ Thứ ba là người đứng đầu cấp ủy hội đủ các yếu tố : Tâm - Tầm - Tài, nhưng lại mới đến nhận nhiệm vụ ở nơi rối ren, phức tạp, nhiều tham nhũng, gặp phải sự phản ứng tiêu cực của đảng viên và quần chúng, muốn có trạng thái tâm thế tốt phải có quá trình.

Chúng ta muốn có được đội ngũ đứng đầu cấp ủy giữ vững được vai trò vị trí của mình, thực hiện chức trách nhiệm vụ có nhiều chuyển biến tiến bộ cần chú ý trạng thái tâm thế của Bí thư cấp ủy các cấp để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí đúng cán bộ làm Bí thư và những vị trí khác liên quan. Trước hết là phải bố trí người bí thư không tham lam tiền bạc, không tham vọng quyền lực, có đức hy sinh, chịu sự kiểm tra giám sát, có tư duy lý luận và năng lực thực tiễn...

4. Bãn lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy

Trước cuộc chiến chống “ giặc nôi xâm “ đầy cam go, vô cùng phức tạp này, Đảng cần bố trí đội ngũ những người đứng đầu cấp ủy hội đủ các điều kiện như nêu ở trên. Cái khó hiện nay là số lượng hội đủ Tâm -Tầm -Tài còn thiếu. Người có đức, có tài ngoài Đảng không phải là ít, còn trong Đảng tỷ lệ người có đức, tài ngày càng ít đi do một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái. Để khắc phục sự thiếu hụt này, Đảng cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ đảng viên hiện có, từ đó sàng lọc, bồi dưỡng, bố trí đủ người đứng đầu cấp ủy bảo đảm tiêu chuẩn.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Phạm Duy.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Phạm Duy.

Bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong thời điểm hiện nay cần chú ý những vấn đề sau đây:

Một là, nếu tự vấn lương tâm và tự xét thấy mình không thể đáp ứng được vị trí người đứng đầu cấp ủy (không đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trước tình hình nội bộ có nhiều vấn đề phức tạp hoặc không đủ tín nhiệm, quyền uy để lãnh đạo do có những vụ việc gây hoài nghi, mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân mà không thể giải tỏa được, hoặc có cả hai trường hợp này) thì nên chủ động báo cáo cấp ủy và cấp trên xin nghỉ, xin chuyển công tác. Ngược lại, nếu tự vấn lương tâm, tuy có một số sai lầm, khuyết điểm nhưng xét thấy mình vẫn đủ điều kiện, khả năng về phẩm chất, năng lực và quyền uy bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo làm chuyển biến tích cực tình hình, thì dồn hết sức lực và trí tuệ để xây dựng Đảng. Đây là ứng xử thuộc về bản lĩnh và đức hy sinh của người đứng đầu cấp ủy trước cuộc chiến giành lấy sự trường tồn của Đảng, để có những đề xuất đúng đắn nhất, tạo điều kiện cho Đảng kiện toàn cũng cố tổ chức. Trong lúc này Đảng rất cần những đảng viên trung thực, tự trọng, tự đánh giá mình để giúp Đảng vượt qua khó khăn.

Hai là, đi đôi với việc tìm mọi biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng, suy thoái,”tự diễn biến, tự chuyển hóa” cần phải thu nắm, phân tích tổng hợp tình hình đề xuất với cấp ủy và cấp trên những vấn đề Đảng cần tiếp tục đổi mới, vừa tác động tích cực để đưa cuộc chiến chống “giặc nội xâm “ đi đến thành công vừa tạo thuận lợi để xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động đưa đất nước ta vững bước đi lên trên con đường đã chọn. Thí dụ, gần đây trên các diễn đàn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, Đoàn thể chính trị, xã hội... có nói nhiều đến lỗi hệ thống, vậy sửa lỗi hệ thống phải sửa những vấn đề gì trước, sửa những đạo luật nào trước. Hoặc nói nhiều đến lợi ích nhóm, cơ chế xin cho thì cần giải quyết như thế nào để xóa bỏ...

Ba là, người đứng đầu cấp ủy phải đặc biệt lưu tâm đến thực thi dân chủ, nói không với dân chủ hình thức, dẹp bỏ vấn nạn “hợp thức hóa” dân chủ (sự đồng thuận chỉ trên giấy). Đây là một vấn đề thuộc về đổi mới chính trị rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ góp phần giúp Đảng vượt qua khó khăn hiện nay. Phải nhận rõ và thấu hiểu tâm trạng xã hội hiện nay, khủng hoảng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước chưa được khắc phục. Sự ca ngợi, biết ơn Đảng đang bị chìm lắng, thay vào đó là sự kêu ca, oán thán của người dân về những oan trái và bất công xã hội. Để thoát ra khỏi sự khủng hoảng này, vấn đề cốt lõi là thực thi dân chủ và sửa sai công tác cán bộ.

Bốn là, trên cơ sở triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4, 6 (Khóa Xll) của Đảng, người đứng đầu cấp ủy phải xây dựng quyết tâm cùng cấp ủy làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vừa kiểm soát chặt đầu vào (kết nạp Đảng và vào biên chế bộ máy các cơ quan công quyền. Người nhà, người thân, người có ảnh hưởng quyền thế, tiền bạc đều bình đẳng trên cơ sở các tiêu chuẩn đầu vào) vừa giải quyết hợp lý đầu ra (giải quyết sớm chế độ thôi việc, nghỉ việc, nghỉ hưu đối với cán bộ công chức vi phạm pháp luật, kỷ luật, thiếu trách nhiệm và năng lực, có hành vi bảo vệ nhóm lợi ích, bảo kê làm ăn phi pháp. Kéo dài thời gian công tác các cán bộ đã đến tuổi nghỉ hưu là những cán bộ tâm huyết, tài năng, có tín nhiệm cao. Đồng thời tiến hành rà soát đánh giá đúng đội ngũ cán bộ đảng viên hiện có để thanh lọc, sàng lọc những người suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Năm là cần chú trọng việc lựa chọn đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ là người ngoài Đảng để trong các nhiệm kỳ tới sức chiến đấu của Đảng được tăng cường củng cố, hoạt động của bộ máy nhà nước thực sự theo tinh thần chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động phục vụ nhân dân.

Nguyễn Hòa Văn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/dien-dan-cong-luan/bai-4-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-cap-uy-35932