Bài 4: Tư cách của tín đồ phải đứng sau nghĩa vụ công dân
Lợi dụng sự phong phú, bao dung của giới luật Phật giáo để thủ lợi...thì cần phải lên án và có sự điều chỉnh của pháp luật ở tư cách công dân của người tu hành.
Đó là chia sẻ của một số nhà nghiên cứu văn hóa, Đại biểu Quốc hội với Báo Công Thương trước hiện tượng nhiều vị tu sĩ - giảng sư giảng sai kinh điển, phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội, dẫn dụ luật nhân quả theo tư ý gây hoang mang xã hội, dẫn dắt quần chúng tín đồ theo hướng không phù hợp với chính pháp, cũng như chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cái tham "đưa lối" vướng vào… sân si
Thời gian gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phải ban hành một số hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc trước việc một số vị giảng sư, tu sĩ đã có những bài giảng pháp gây hoang mang trong xã hội, đi ngược với giáo lý, thiếu cơ sở khoa học, lạm dụng vấn đề thế tục, sa vào những nội dung cổ xúy cho việc giải hạn, cầu tài lộc bằng cách cúng dường, khích lệ Phật tử quyên góp tiền cho nhà chùa.
Trước những phát ngôn, thuyết giảng "trái đời, ngược đạo" của những cá nhân "khoác danh" tu sĩ - giảng sư được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Phật giáo từ hàng ngàn năm qua đã tồn tại có chân tu và xàm tăng, có người thành Bồ tát và cũng có người thành "ma quỷ". Và không phải đến bây giờ, con người mới nhận ra mà đã biết từ cách đây hàng trăm năm qua.
Chính vì vậy, nhìn nhận dưới triết lý nhà Phật, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định: "Mục đích cá nhân, đánh bóng tên tuổi hay là trục lợi trong giới tu hành nó chính là chữ "tham" trong tam độc (tham - sân - si). Đáng lẽ việc tu hành đầu tiên phải thoát được tam độc - nguyên nhân đầu tiên của mọi nguyên nhân, "là thứ độc hại nhất" trong thiện tâm xuất thế của chúng sinh, thường khiến loài hữu hình chịu khổ trong nhiều kiếp không thoát ra được" như tinh thần kinh sách đã dạy".
"Nhưng kỳ lạ là trong một số clip bài giảng của các vị tu sĩ trên nền tảng mạng xã hội của nhiều tu sĩ, tôi thấy kỳ lạ là họ nói liều lĩnh, bậy bạ phản lại rất nhiều điều giáo lý Đại thừa cũng như Tiểu thừa đã dạy, ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gieo rắc mê tín" - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ thêm.
Cùng với việc chỉ ra nguyên nhân, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cũng biện dẫn lời giải cho việc vì sao các tu sĩ lại có những phát ngôn đi ngược giáo lý, trái với cương thường: "Họ ảo tưởng về trình độ, về quyền phát ngôn trước nhân quần, về sức mạnh "duy ngã độc tôn" khi thuyết giảng cũng như một quan niệm sai lầm về tín đồ. Cái tham đã dẫn họ đến "sân hận" muốn coi mình là nhất và nói như ngôn ngữ nhà Phật, điều này đã ngăn chặn các bậc tu hành tìm thấy sự giác ngộ, và vô tình vướng vào chữ "si".
Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Trần Lâm Biền, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo cho rằng: Nội hàm của đạo Phật là từ bi và trí tuệ, còn được gọi là "Bi Trí song vận". Vì thế, dù xử lý nghiêm tới đâu thì chúng ta vẫn thấy có sự từ bi trong đó. Đó là điều chúng ta không thể phản bác hoặc phủ nhận. Nhưng có lẽ vì thế mà nhiều vị tăng sĩ mắc sai lầm vẫn chưa nhận ra được cái lỗi của mình nên đã không chịu tu sửa, không chịu sám hối và nghiêm túc dừng lại. Thậm chí, nhiều vị vẫn chưa lấy những câu chuyện đã xảy ra để làm gương, để răn sửa mình mà vẫn tiếp tục vi phạm các chế định của Giáo hội.
"Rõ ràng, có nhiều người gửi mình vào chùa là để tu hành thực sự, để tìm con đường giải thoát đúng nghĩa nhưng không loại trừ có người vào chùa để kiếm lợi về vật chất", PGS.TS Trần Lâm Biền nhận định.
Cùng nhận về hiện tượng này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Việc có một số tu sĩ thuyết giảng trái với giáo lý, giáo luật có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và không thể khẳng định chắc chắn rằng tất cả đều nhằm mục đích cá nhân hay trục lợi.
"Tôi cho rằng, một số tu sĩ có thể bị cuốn theo những ham muốn cá nhân, như mong muốn nổi tiếng, quyền lực, hoặc tài sản, khiến họ sử dụng Phật giáo như một công cụ để thu hút sự chú ý và ủng hộ từ cộng đồng. Trong khi đó, có những trường hợp tu sĩ sử dụng kiến thức và vai trò của mình để thao túng tín đồ, đem lại lợi ích cá nhân. Điều này không chỉ vi phạm giáo lý mà còn gây hại cho lòng tin của người dân", PGS.TS Trần Hoài Sơn khẳng định.
Chính vì vậy, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng việc thuyết giảng và hành động trái với giáo lý và giáo luật chắc chắn gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng Phật giáo và xã hội. Chúng ta cần sự hợp tác từ nhiều phía để bảo vệ và duy trì những giá trị chân chính của Phật giáo.
Lấp "lỗ hổng", chấn chỉnh tu sĩ, giữ sự trang nghiêm
Trước những hành vi của một số bậc tăng ni đã không vượt qua được tham vọng, mượn việc tu hành để hành nghề mê tín, để "buôn Thần bán Phật" thủ lợi, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng đó là việc cần lên án và phải có sự điều chỉnh của pháp luật ở tư cách công dân của người tu hành.
"Pháp luật trước hết phải công bằng cho mọi công dân. Tư cách một tín đồ luôn luôn phải đứng sau tư cách công dân. Thế giới hiện đại đều như thế cả. Như vậy, pháp luật phải điều chỉnh được hành vi công dân. Tiếp tục là khoa học - kỹ thuật, khoa học nhân văn phải thực hiện tốt vai trò "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" như Bác Hồ đã dặn. Khi đó mọi hành động mượn tín ngưỡng để lừa gạt nhân dân thủ lợi sẽ được phát hiện, cuộc sống văn minh và hạnh phúc sẽ lan tỏa", nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định.
Trong khi đó, PGS.TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo chưa có chế tài để xử phạt hành chính về tôn giáo. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục xây dựng các nghị định, ví dụ như nghị định về xử phạt hành chính trong tín ngưỡng, tôn giáo, cùng các chế tài khác.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo chánh tín. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để giảm đi hoặc khắc phục những hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.
Về phía Giáo hội, vai trò, trách nhiệm của các nhà tu hành, nhất là các vị trụ trì rất quan trọng trong định hướng cho người dân có niềm tin đúng đắn. Sau đó cần tăng cường xuất bản các tài liệu, sách, báo, các bài nghiên cứu, tăng cường thông tin truyền thông để hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, có niềm tin và thực hành đúng với giáo lý, giáo luật. Hiện nay, trên mạng đang có rất nhiều tài liệu trôi nổi, thông tin giả… không ít người dân cứ vô tư tìm đọc và thực hành làm theo.
Điều không kém phần quan trọng là về phía người dân cũng cần tin và thực hành theo đúng giáo lý, giáo luật của Phật giáo đã được hướng dẫn, tránh việc thực hành theo tâm lý đám đông, theo những hướng dẫn hoặc thông tin chưa được kiểm định để không sa vào mê tín, mù quáng.
Đặc biệt, PGS.TS Chu Văn Tuấn cũng cho rằng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với các hoạt động trên không gian mạng. Những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên không gian mạng đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Đối với tôn giáo là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân vì vậy, nếu thông tin không đúng đắn, rất dễ bị lợi dụng, xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các vị chức sắc. Vì vậy, thời gian tới cần có thêm những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các hành vi vi phạm pháp luật, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tôn giáo khi thông tin trên không gian mạng.
Trước những hiện tượng làm hoen ố giáo lý, trục lợi tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, suy giảm đức tin, đặc biệt trong thời đại công nghệ bùng nổ thì những bài giảng ấy càng trở lên dễ dàng đến được với các tín đồ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để ngăn ngừa các hành vi trục lợi và làm hoen ố giáo lý, các nhà quản lý cần thực hiện một loạt các biện pháp tổng thể và hiệu quả:
Thứ nhất, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về giáo lý và tôn giáo một cách chính thống, để cả các tu sĩ và người dân có nhận thức đúng đắn về đạo đức và tín ngưỡng.
Thứ hai, xây dựng các quy định chặt chẽ về việc phát hành các clip thuyết giảng, đảm bảo các nội dung được đăng tải phải qua kiểm duyệt của các cơ quan quản lý liên quan.
Thứ ba, phát triển các kênh thông tin chính thống, tạo điều kiện để các tín đồ tiếp cận với những bài giảng chuẩn mực và chính xác, từ đó giảm thiểu sự ảnh hưởng của các nội dung lệch lạc.
Thứ tư, xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng, xử lý nghiêm minh các cá nhân và tổ chức cố tình trục lợi tôn giáo, từ việc tán phát thông tin sai lệch đến các hành vi lừa đảo tín ngưỡng.
Thứ năm. khuyến khích các hoạt động cộng đồng mang tính xây dựng, giúp các tín đồ gắn kết và hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ đức tin và giá trị đạo đức.
Thứ sáu, sử dụng công nghệ để theo dõi và phân tích các xu hướng truyền thông liên quan đến tôn giáo, từ đó sớm phát hiện và ngăn chặn các nội dung không phù hợp.
Thứ bảy, tạo các diễn đàn, hội thảo để những tu sĩ lãnh đạo giáo hội, chuyên gia giáo lý và người dân cùng thảo luận, chia sẻ kiến thức, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng và giảm thiểu sự lây lan của các thông tin sai lệch.
Bàn về sự tôn nghiêm trong chấp hành giáo lý, giới luật trong một số bài thuyết pháp của một số vị tu sĩ Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng thừa nhận: "Có một số các bài giảng của một số tăng, ni không đúng với giáo lý của Đức Phật mà chúng ta thường hay gọi đó là lệch chuẩn".
Thời gian tới, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, Giáo hội sẽ tiếp tục giao cho Ban Hoằng pháp Trung ương và Ban Pháp chế Trung ương, cũng như Ban kiểm soát Trung ương kiểm soát và tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh hơn nữa để răn đe.
Cùng với đó, để ngăn chặn tái diễn các thuyết giảng sai lệch, xa rời lời Phật dạy qua giáo lý duyên sinh, lạm thế tục, lụy thị hiếu của một số cá nhân biệt chúng, làm xói mòn đức tin của người dân, khiến dư luận có những cái nhìn sai lệch, trong thời gian tới các cơ quan chức năng và Giáo hội sẽ tiếp tục chấn chỉnh, không để tái diễn các trường hợp tương tự để cộng đồng phật tử và các tu sĩ thụ đắc được Phật tính, góp phần lan tỏa tư tưởng Phật giáo nhập thế luôn đồng hành cùng với dân tộc và tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.