Bài 4. 'Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, thông qua chiến đấu mà xây dựng'
Ngày 16/4/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của VKSND tối cao. Theo Pháp lệnh, VKSND tối cao có viện trưởng, các phó viện trưởng, các kiểm sát viên và kiểm sát viên dự khuyết.
Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về vai trò của VKSND góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1964).
Phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị, cho sản xuất và xây dựng
Ngày 16/4/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của VKSND tối cao. Theo Pháp lệnh, “VKSND tối cao có viện trưởng, các phó viện trưởng, các kiểm sát viên và kiểm sát viên dự khuyết. Tại VKSND tối cao thành lập Ủy ban Kiểm sát thuộc VKSND tối cao, gồm có: viện trưởng, các phó viện trưởng và một số kiểm sát viên”. Bộ máy làm việc của VKSND tối cao gồm có: Vụ Kiểm sát chung, Vụ Điều tra thẩm cứu, Vụ Kiểm sát điều tra, Vụ Kiểm sát xét xử hình sự, Vụ Kiểm sát xét xử dân sự, Vụ Tổng hợp và kiểm tra, Vụ Tổ chức và cán bộ, Văn phòng. Ngoài ra, còn có Phòng Kiểm sát giam giữ trực thuộc viện trưởng và có thể thành lập một số phòng khác trực thuộc viện trưởng khi thấy cần thiết.
Pháp lệnh còn quy định: “Để tăng cường hiệu lực của công tác kiểm sát, nay thành lập ngạch kiểm sát viên”. Pháp lệnh cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của viện trưởng, các phó viện trưởng, kiểm sát viên và ủy ban Kiểm sát... Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND tối cao là “chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của ngành kiểm sát”. Ngày 18/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 12-LCT công bố Pháp lệnh nói trên.
Ngày 21/4/1962, Ban Bí thư ra Nghị quyết số 573 về việc thành lập Đảng đoàn VKSND tối cao và chỉ định đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư Đảng đoàn, các đồng chí Lê Quang Đạo, Trần Hiệu, Trần Công Tường là ủy viên Đảng đoàn.
Hòa chung vào không khí thi đua yêu nước sôi nổi của các cấp, các ngành và nhân dân miền Bắc, ngày 16/4/1962, VKSND tối cao ra Chỉ thị số 02/VP về đẩy mạnh thi đua năm 1962 trong ngành kiểm sát. Chỉ thị nêu rõ phương hướng thi đua của ngành kiểm sát là: cải tiến công tác, cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, đi sâu đi sát, khẩn trương, kịp thời để phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị, cho sản xuất và xây dựng... Nắm vững chức năng kiểm sát, quán triệt phương châm và yêu cầu của ngành, khẩn trương, chủ động, linh hoạt, lấy phòng ngừa phạm pháp là chính, kịp thời xử lý chính xác mọi việc phạm pháp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 1962. Chỉ thị cũng đưa ra những nội dung cụ thể vận dụng vào tình hình và nhiệm vụ công tác của ngành, về lãnh đạo và tổ chức thi đua, khen thưởng.
Ngày 14/6/1962, VKSND tối cao ra Chỉ thị số 08/VP về chế độ lập chương trình công tác, coi đó là biện pháp lãnh đạo và chỉ đạo không thể thiếu, giúp viện kiểm sát nắm công tác được chủ động, toàn diện và có trọng tâm, chỉ đạo cấp dưới được chặt chẽ, kịp thời, không sót việc; làm cho cấp dưới nắm được ý định của cấp trên một cách cụ thể để thực hiện.
Trong tháng 4/1962, VKSND tối cao cử cán bộ về Hải Dương thực hiện thí điểm cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc nhằm rút kinh nghiệm về việc xác định chức trách, nhiệm vụ, xác định tổ chức, phân công, phân nhiệm, cải tiến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, lề lối làm việc, khắc phục tình trạng làm quá hoặc làm không đầy đủ chức năng, quan hệ giữa viện kiểm sát với các ngành chức năng, quan hệ giữa viện kiểm sát cấp huyện với các hợp tác xã... qua đó phát hiện những vấn đề bất hợp lý, chấn chỉnh và xây dựng về mặt tổ chức, lề lối làm việc, quan hệ công tác, thúc đẩy được phong trào thi đua, nâng cao ý thức trách nhiệm.
Sau khi hoàn thành thí điểm, VKSND tối cao đã đúc rút kinh nghiệm, thông báo chung để VKSND các địa phương nghiên cứu, vận dụng.
Sau hơn một năm xây dựng thí điểm, một số tỉnh đã có cố gắng trong việc xây dựng thí điểm màng lưới thông tin viên kiểm sát, có nơi đã thu hút được nhiều quần chúng tốt tham gia, đã tranh thủ được sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Tuy nhiên, về mặt tổ chức, lãnh đạo và sử dụng thông tin viên kiểm sát còn gặp khó khăn, cán bộ viện kiểm sát cấp huyện không đủ khả năng để chỉ đạo, bồi dưỡng nên càng mở rộng càng khó khăn, lúng túng và ảnh hưởng đến công tác của ngành, lãng phí ngân sách nhà nước. Mặt khác, thông tin viên luôn thay đổi, nay công tác này, mai công tác khác và do bận nhiều về sản xuất cũng như công tác xã hội nên tác dụng bị hạn chế. Có nơi, viện kiểm sát không nắm được thông tin viên nên không có tác dụng.
VKSND tối cao cho rằng, với tình hình thực tế trên, không còn cần thiết phải xây dựng màng lưới thông tin viên kiểm sát. Chính vì vậy, ngày 7/12/1961, VKSND tối cao chỉ đạo các huyện, thị xã bãi bỏ việc xây dựng màng lưới thông tin viên kiểm sát. Những nơi đã xây dựng rồi cần báo cáo cấp ủy và có kế hoạch giải tán tổ chức màng lưới thông tin viên kiểm sát, động viên mọi người tự nguyện trở thành “đầu tàu” trong các phong trào trật tự trị an, gương mẫu chấp hành pháp luật, khi thấy có vi phạm pháp luật sẵn sàng báo cho viện kiểm sát biết.
Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, thông qua chiến đấu mà xây dựng
Năm 1962, ngành kiểm sát tiếp tục hoạt động theo phương châm “vừa chiến đấu, vừa xây dựng, thông qua chiến đấu mà xây dựng”. Hai công tác chính đã làm để xây dựng ngành là cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc và bồi dưỡng, giáo dục cán bộ được coi là nhiệm vụ trung tâm số hai của ngành nhằm nâng trình độ tổ chức lên kịp nhiệm vụ chính trị, chuyển bộ máy từ tính chất hành chính sang tính chất nghiệp vụ pháp lý.
VKSND tối cao, hầu hết các đơn vị cấp tỉnh và một số đơn vị cấp huyện đã xây dựng xong điều lệ công tác, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp, sắp xếp cán bộ hợp lý, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác. Quan hệ chỉ đạo nghiệp vụ giữa cấp trên với cấp dưới được coi trọng và cải tiến rõ rệt.
Trong năm 1962, biên chế của toàn ngành kiểm sát được bổ sung 79 người. VKSND tối cao đã giảm biên chế 16,4% cán bộ cấp phòng để tăng cường cho các viện kiểm sát địa phương và các ngành khác; đã bổ nhiệm 208 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và huyện, bổ sung 31 cán bộ lãnh đạo cho các viện kiểm sát cấp tỉnh, 35 đồng chí cho các viện kiểm sát cấp huyện.
Đi đôi với việc bổ sung, đề bạt cán bộ, ngành kiểm sát đã chú trọng bồi dưỡng cán bộ về chính trị, nghiệp vụ. Toàn ngành đã cử 56 đồng chí đi học ở các trường Đảng ở Trung ương và địa phương, mở 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho 664 cán bộ viện kiểm sát các cấp, cử 49 đồng chí đi học hai năm ở Trường Tư pháp do chuyên gia Liên Xô giảng dạy, 5 đồng chí đi học ở Liên Xô.
VKSND tối cao đã nghiên cứu và trình cấp trên về ngạch bậc kiểm sát viên, cùng Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an xây dựng quy định về quan hệ giữa ba ngành, cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng quy định về quan hệ giữa ngành kiểm sát với các cơ quan, ban, ngành khác. Ngành cũng đã bước đầu nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm kiểm sát của các nước bạn, cải tiến tờ nội san để tăng cường sự lãnh đạo tư tưởng, chính trị và nghiệp vụ.
Ngày 1/2/1963, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 68-NQ/TW về công tác kiểm sát. Nghị quyết khẳng định vai trò quan trọng của ngành kiểm sát trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, quy định một số vấn đề cụ thể về tổ chức và hoạt động của ngành kiểm sát và quan hệ giữa các ngành kiểm sát, công an, tòa án, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành kiểm sát nhằm giúp cho ngành kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Nghị quyết do đồng chí Trường Chinh, thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành. Nội dung Nghị quyết nêu rõ: “Tổ chức kiểm sát nhân dân của ta là một trong những công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân đang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản được tổ chức ra giữa lúc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc bắt đầu lấy việc xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm đồng thời hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, ngành kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tôn trọng, do đó mà góp phần vào việc tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, bảo đảm cho các quyền dân chủ của nhân dân được tôn trọng, đồng thời cũng góp phần vào việc tăng cường kỷ luật xã hội trong quần chúng nhân dân”.
(Còn tiếp)