Bài 4: Vùng khó 'ló' cách làm hay
Giải pháp nâng cao thu nhập để giảm nghèo bền vững luôn là bài toán nan giải tại các xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng cao của tỉnh Thái Nguyên; những năm qua, cùng chính sách hỗ trợ của nhà nước, chính quyền cơ sở và người dân đã năng động sáng tạo, phát huy những lợi thế tại địa phương trong sản xuất, cùng nhau thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Bài 1: Tổng lực xóa nghèo
20/11/2024 07:05
Bài 2: Phát huy nội lực của người dân
21/11/2024 07:07
Bài 3: Giúp người nghèo đổi đời
25/11/2024 07:14
Đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn
Hộ có thu nhập khá cao là gia đình chị Hà Thị Thanh Trúc (26 tuổi, xóm Nà Giàm xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai). Trên khoảng sân rộng chừng 30m2 có mái che, chị Trúc đang gây nuôi gần 400 chậu; chị Trúc chia sẻ, qua mạng internet, vợ chồng chị biết nhiều nơi đã nuôi nhộng để bán nên đã tìm hiểu kỹ thuật và mua một số cặp giống bố mẹ về nuôi thử nghiệm. Sau chưa đầy một năm, từ vài chậu giống ban đầu, gia đình chị đã thường xuyên có sản phẩm bán ra thị trường, bình quân 30kg nhộng/tuần với giá 200.000 đồng/kg.
Nhộng báng còn có một số cách gọi khác như sâu cọ, đuông dừa, thực chất là ấu trùng của một loài côn trùng cánh cứng mà dân địa phương thường gọi là con vòi voi hoặc con kiến vương. Loại côn trùng này có nhiều trong tự nhiên, thường sinh sống và hút dưỡng chất từ các loài cây thuộc họ cọ như cây dừa, cây báng… chúng đục thân và đẻ trứng, nở ra nhộng.
Nếu đầu tư vào chăn nuôi truyền thống thường đòi hỏi chi phí ban đầu rất cao để xây dựng chuồng trại và mua con giống, nhưng nuôi nhộng báng thì không cần nhiều vốn lại nhanh có thu nhập. Mỗi chậu trung bình 10 cặp giống, thức ăn cho 01 vòng thu hoạch gồm 2kg cám gạo trộn cám ngô và 3kg gồm vỏ dừa, sắn tươi, chuối xanh… Cũng có thể thay thế vỏ dừa bằng một số loại khác như bã mía, các cây họ cọ. Với giá tiêu thụ như hiện nay, sau khoảng 25 ngày được bán lứa nhộng đầu tiên là đủ thu hồi vốn, chị giữ lại một số con để tiếp tục nhân giống, bã dùng để làm phân bón cho cây trồng. Hiện nhiều hộ trong và ngoài huyện đã học hỏi kinh nghiệm và mua giống để mở rộng mô hình.
Ngoài nuôi nhộng báng, gia đình chị Trúc còn nuôi nhốt chuột tre (dúi) thương phẩm. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn cho dúi sẵn có ở địa phương như tre, ngô, sắn nên chi phí cho đàn dúi của chị không đáng kể; đàn dúi phát triển mạnh, ít bệnh tật, cả dúi giống và dúi thịt đều dễ dàng tiêu thụ với giá cao, mang lại thu nhập cao cho người nuôi. Điều đáng nói là nuôi cả hai loài vật này đều rất ít cần đến nước, chất thải của chúng không có mùi hôi thối, dùng để bón cây trồng rất tốt.
Chỉ với 2 lao động thường xuyên, mỗi năm gia đình chị Hà Thị Thanh Trúc thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ nhộng báng và chuột tre. Từ hiệu quả thực tế, Hội Nông dân xã Nghinh Tường đã xây dựng dự án chăn nuôi dúi thương phẩm và cho vay vốn ưu đãi đối với 06 hộ tham gia phát triển mô hình này.
Liên kết để phát triển bền vững
Ít ai ngờ rằng trong thời gian rất ngắn cây dưa chuột đã giúp nhiều hộ dân xóm đặc biệt khó khăn Long Thành (xã Bình Long, huyện Võ Nhai) đổi đời; bà Nông Thị Huê nở nụ cười tươi tâm sự, dù cả đời làm ruộng quanh năm chân lấm tay bùn vất vả quen nhưng làm dưa vẫn khiến tôi sút mất 4kg. Bình quân lãi 5 triệu - 7 triệu đồng/sào, cao gấp 3 ngô lúa. Trồng dưa làm ngày làm đêm nhưng hiệu quả kinh tế cao nên ai cũng ham, làm ngày làm đêm không biết mệt mỏi là gì.
Trưởng xóm Nguyễn Thị Thắm cho hay, vụ đông năm 2023 mô hình trồng dưa chuột bao tử được xã triển khai tại 03 xóm với 21 hộ tham gia. Long Thành hiện còn trên 56% hộ nghèo và cận nghèo, trước đây bà con không làm vụ đông do mùa khô thiếu nước sản xuất. Sau khi tham gia chuyến tham quan, học hỏi mô hình trồng dưa chuột bao tử tại tỉnh bạn, 14 hộ trong xóm đã đăng ký chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa. UBND xã đã ký kết với Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn (tỉnh Hải Dương) sản xuất và bao tiêu sản phẩm dưa chuột và hỗ trợ bà con về khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch, hỗ trợ cung ứng các loại vật tư đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Dưa hái về cân tại nhà trưởng xóm, lấy tiền luôn, xấu đẹp công ty cũng đều thu mua hết từ 3.000 đồng đến 12.000 đồng/kg tùy theo phân loại.
Một số hộ nghèo đã có thu nhập ổn định như anh Lương Văn Hòa trồng 5 sào, Lương Văn Thiết 3 sào, chị Lương Thị Vui 6 sào,… Một số hộ đã chuyển đổi hẳn sang chuyên canh dưa chuột 3 vụ/ năm như nhà anh Lương Văn Thịnh vừa thu hơn 100 triệu từ 4 sào, năm ngoái còn là hộ cận nghèo, năm nay thoát nghèo xây nhà cửa khang trang rộng rãi.
Từ hiệu quả bước đầu mà cây dưa chuột mang lại, UBND xã Bình Long đang xây dựng phương án mở rộng diện tích trồng; qua đó góp phần xây dựng chuỗi hàng hóa, giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng thoát nghèo cho bà con.
Có thể khẳng định, trong những năm gần đây đồng bào vùng cao đã có chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, thay đổi hoàn toàn từ nếp sống tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, sẵn sàng tham gia vào các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đi đầu trong hoạt động đưa các sản vật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trở thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị, giúp bản vùng cao vươn lên thoát nghèo, xã Vũ Chấn đã có 2 sản phẩm của HTX chế biến nông sản Võ Nhai đạt OCOP 4 sao là nõn măng nứa Võ Nhai sấy khô và mộc nhĩ khô Võ Nhai. HTX hiện có 9 thành viên, liên kết sản xuất với 5 tổ hợp tác ở 3 xã vùng cao của huyện, tạo việc làm cho trên 50 lao động và bao tiêu nguyên liệu cho trên 200 hộ dân địa phương. Từ năm 2022, sau khi được chứng nhận OCOP 4 sao, các sản phẩm đã được gửi đi tham gia các hội chợ, ngày hội quảng bá nông sản và một số hội nghị, hội thảo quốc tế, đồng thời được quảng bá, chào bán trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, được tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu đi một số nước như Nhật Bản, Singapore. HTX đã đầu tư xưởng biến nông sản tại xã với công suất trên 20.000 sản phẩm/tháng, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế, mở ra nhiều cơ hội cho người dân cũng như nông sản đặc thù của địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Chờ, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn chia sẻ, theo kế hoạch, xã sẽ về đích NTM năm 2025, tuy nhiên hiện nay thu nhập bình quân còn quá thấp, xã cũng cần hoàn thành giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,6%. Vừa tiếp sức, vừa khơi dậy khát vọng để người dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới là giải pháp chính trong nỗ lực thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-4-vung-kho-lo-cach-lam-hay-post397557.html