Bài 47. Công tác xây dựng Đảng được ngành Kiểm sát hết sức chú trọng
Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về công tác xây dựng Đảng của ngành Kiểm sát; Ban Bí thư ra Quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao; ngành Kiểm sát triển khai thực hiện Chỉ thị 57-CT ngày 30/1/1985 của Ban Bí thư.
Gắn xây dựng cơ quan với xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh
Nhận lời mời của đồng chí Trần Lê - Viện trưởng VKSND tối cao, tháng 11/1983, đoàn đại biểu Viện kiểm sát nước Cộng hòa nhân dân Hungari sang thăm Việt Nam. Đoàn làm việc, trao đổi với VKSND tối cao, hai bên ký hiệp định tiếp tục hợp tác. Hungari nhận tiếp tục giúp đỡ Việt Nam về tài liệu giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, về máy móc kỹ thuật, phim ảnh cho VKSND Việt Nam...
Tháng 5/1984, Viện trưởng VKSND tối cao dẫn đầu đoàn đại biểu VKSND Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế các Viện trưởng Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa tại Mátxcơva, bàn về hoạt động phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp chế, trong phòng ngừa và ngăn chặn các hiện tượng vi phạm pháp luật. Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về thực hành phối hợp hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các mối liên hệ giữa những cơ quan này với nhân dân lao động trong việc ngăn ngừa và loại trừ những vi phạm pháp luật.
Bản báo cáo đọc tại hội nghị của đồng chí Trần Lê - Viện trưởng VKSND tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giới thiệu về đường lối, kinh nghiệm công tác kiểm sát của Việt Nam được các bạn bè quốc tế chú ý, hoan nghênh. Tiếp đó, đồng chí Trần Lê đến thăm và làm việc với VKSND tối cao Liên Xô.
Cùng với những kết quả trong công tác đối ngoại, công tác xây dựng Đảng cũng được ngành Kiểm sát hết sức chú trọng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được các tổ chức đảng trong Ngành thường xuyên quan tâm. Để nâng cao nhận thức tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, cùng với việc học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ, các tổ chức đảng trong Ngành còn đặc biệt chăm lo bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên nắm vững quan điểm của Đảng về chuyên chính vô sản, về bản chất và vai trò của pháp chế xã hội chủ nghĩa, cũng như phương hướng, nội dung tăng cường pháp chế qua mỗi thời kỳ, nắm vững những quan điểm cơ bản, những chính sách lớn của Đảng được thể hiện trong các đạo luật của Quốc hội, pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và các văn bản pháp quy của Hội đồng Bộ trưởng.
Viện kiểm sát các cấp luôn bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tích cực tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy không chỉ ở việc xác định phương hướng chính trị của công tác kiểm sát trong từng thời gian mà cả trong quá trình tổ chức thực hiện các mục tiêu đã đề ra, chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo, thỉnh thị đối với cấp ủy. Mặt khác, toàn Ngành gắn việc xây dựng cơ quan Viện kiểm sát các cấp với việc xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; coi tổ chức đảng cơ sở trong cơ quan là nhân tố thường xuyên giáo dục, rèn luyện lập trường, quan điểm ý thức trách nhiệm đối với cán bộ đảng viên trong Ngành.
Đại bộ phận cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; rèn luyện năm đức tính của người cán bộ kiểm sát: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình đối với tập thể và từng cá nhân, trước hết là cán bộ chủ chốt. Đồng thời, phê phán những biểu hiện tiêu cực, hữu khuynh, mất cảnh giác; củng cố lòng tin, nâng cao tính chủ động, tính chiến đấu, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát; đồng thời, xử lý nghiêm minh số cán bộ nhân viên có sai phạm về kỷ luật nghiệp vụ và phẩm chất cách mạng, góp phần làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Ngành ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Từ năm 1976 đến năm 1986, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ đảng viên dần đi vào nền nếp. VKSND tối cao cử cán bộ đi học các lớp chính trị trung, cao cấp tại chức ở các trường Đảng. VKSND các địa phương cử cán bộ đi học chính trị cơ bản tại các trường Đảng, trình độ của cán bộ, đảng viên được nâng cao, nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Ngành, có kiến thức pháp lý và kiến thức về quản lý, nắm vững pháp luật, thông thạo về nghiệp vụ, nhạy cảm về chính trị.
Thành lập Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát, ngày 21/6/1978, Ban Bí thư ra Quyết định số 53 về việc thành lập Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao, giải thể Đảng đoàn VKSND tối cao. Ban Cán sự Đảng gồm 5 đồng chí: Đồng chí Trần Hữu Dực, Viện trưởng, Bí thư Ban Cán sự; đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng, ủy viên; đồng chí Nguyễn Quốc Hồng, Phó Viện trưởng, ủy viên; đồng chí Lâm Văn Thê, Phó Viện trưởng, ủy viên; đồng chí Nguyễn Văn Nam, Phó Viện trưởng, ủy viên. Ngày 22/8/1979, Ban Bí thư ra Quyết định số 922 về việc bổ sung đồng chí Trần Tề, Phó Viện trưởng VKSND tối cao vào Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao.
Ngày 8/11/1979, Ban Bí thư ra Quyết định số 972 về việc bổ sung đồng chí Đoàn Quang Thìn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương vào Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao.
Ngày 14/3/1980, Bộ Chính trị ra Quyết định số 1094 về việc điều chỉnh sự phân công một số đồng chí Ủy viên Trung ương, trong đó có đồng chí Trần Lê, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, làm Phó Viện trưởng VKSND tối cao và tham gia Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao.
Thực hiện Chỉ thị 57-CT ngày 30/1/1985 của Ban Bí thư, năm 1986 có 18/38 tỉnh, thành phố có cán bộ Kiểm sát tham gia tỉnh ủy, thành ủy; 272 quận, huyện có cán bộ Kiểm sát tham gia quận ủy, huyện ủy (đạt 59,7%).
Trong mối quan hệ công tác, VKSND các cấp chủ động báo cáo xin chỉ thị của cấp ủy vào chương trình hoạt động và những công việc quan trọng trong công tác kiểm sát. Tuy nhiên, việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện mối quan hệ giữa cấp ủy địa phương với VKSND các cấp trong thực hiện chức năng kiểm sát, trên những khía cạnh nhất định, chưa thể hiện đúng đắn sự kết hợp giữa hai nguyên tắc: nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, với nguyên tắc “tập trung thống nhất lãnh đạo trong toàn Ngành" (Điều 5, Luật Tổ chức VKSND). Viện kiểm sát các cấp chưa vươn lên trong trách nhiệm làm tham mưu cho cấp ủy, đề xuất những chủ trương, biện pháp, giúp cấp ủy giải quyết một cách cơ bản toàn diện cũng như cấp bách những vấn đề về công tác pháp chế ở địa phương và cơ sở.
Trong Chỉ thị số 57-CT ngày 30/1/1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng có nhận xét: Một trong những nguyên nhân làm cho VKSND còn có những mặt yếu kém, chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo như pháp luật quy định là do sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với VKSND chưa đúng mức, chưa tạo điều kiện cho VKSND thực hiện tốt chức trách của mình.
Ban Bí thư nhấn mạnh: Các cấp ủy đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác pháp chế, thường xuyên kiểm tra sự hoạt động của VKSND, chỉ đạo phối hợp công tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp chế: “Định kỳ nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo công tác của ba ngành, lãnh đạo chặt chẽ công tác đảng, củng cố tổ chức của những ngành ấy".
Để đẩy mạnh công tác kiểm sát trong tình hình mới, VKSND tối cao tiếp tục cho phát hành Tạp chí Ngành. Từ năm 1976 đến năm 1980, Tạp chí mang tên Nội san Kiểm sát, từ năm 1981 đổi tên thành Tạp chí Công tác Kiểm sát.
Từ năm 1976 đến năm 1980, hàng năm, Tạp chí xuất bản hai tháng một kỳ, mỗi kỳ 2.000 cuốn. Từ năm 1981 đến năm 1986, hàng năm, Tạp chí xuất bản hai tháng một kỳ, mỗi kỳ 3.000 cuốn. Các bài viết bảo đảm đúng tư tưởng chính trị của Đảng, phản ánh những hoạt động của Ngành. Nhiều thông tin chuyên ngành được đăng tải, nhiều bài mang tính tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát được Tạp chí công bố... Trong 10 năm (1976-1986) được sự chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao, sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan chức năng, sự quan tâm tích cực của cộng tác viên, Tạp chí đã đạt được nhiều kết quả, đội ngũ cán bộ Tạp chí ngày càng trưởng thành.
Cho đến năm 1986, ngành Kiểm sát đã xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ quan Viện kiểm sát, bao gồm VKSND và Viện kiểm sát quân sự từ cấp Trung ương đến địa phương trong cả nước, với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
(Còn tiếp)