Bài 5: Nguồn lực nào cho đổi mới sáng tạo?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đổi mới sáng tạo giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, đồng thời là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm. Tri thức và sáng tạo đang trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực canh tranh toàn cầu năm 2018 được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố cho thấy, Việt Nam xếp thứ 77/140 quốc gia và vùng lãnh thổ về năng lực cạnh tranh, tụt 3 bậc so với năm 2017, trong 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam đạt điểm thấp nhất ở trụ cột năng lực sáng tạo.
Xác định rõ vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, Nghị quyết số 19 của Chính phủ đã khẳng định Việt Nam cần phải “nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo. Đưa đổi mới sáng tạo trở thành một trong những mục tiêu tăng trưởng phát triển thiên niên kỷ đến năm 2030.
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ đâu? Cơ chế nào để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo có hiệu quả? Đó là những vấn đề lớn đặt ra cho cả doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương trước sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ hiện nay.
Về phía nhà nước
Chủ trương, quan điểm quyết liệt, khích lệ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương luôn bày tỏ nhận thức tích cực và quan điểm khích lệ đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, một loạt các chính sách và các hoạt động hỗ trợ đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc, như Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Bên cạnh đó, để đáp ứng những đặc thù của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vài năm gần đây từ cấp quốc gia đến một số địa phương đã hình thành những tổ chức, nhằm tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Ngay trong năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các tổ chức hữu quan để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của Việt Nam, dự kiến đặt tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.
“Chủ trương đã rõ, yêu cầu đã rất cấp thiết, từ đổi mới, bứt phá về tư duy, từng doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp phải hành động ngay, kịp thời, quyết liệt và khẩn trương, để có thể đạt kết quả cụ thể về đổi mới sáng tạo trong từng ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo để thành công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và khẳng định tại diễn đàn CEO 2019 với chủ đề “Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động”.
Tạo điều kiện phát triển các Quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital)
Hiểu một cách đơn giản, quỹ đầu tư mạo hiểm là một tập hợp số tiền vốn của các nhà đầu tư được dùng để đầu tư vào các công ty mới thành lập, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng lớn.
Để thực hiện được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, đến nay Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng và thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các startup phát triển, đồng thời cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các startup một cách thuận lợi nhất. Thu hút đầu tư mạo hiểm sẽ trở thành một trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Nguyễn Quân đã bày tỏ quan điểm trong một bài viết: “Quốc gia khởi nghiệp là quốc gia dám đầu tư cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo cho dù không đảm bảo chắc chắn nó sẽ thành công. Văn hóa của nền kinh tế ở quốc gia khởi nghiệp nằm ở ba yếu tố then chốt: có sáng kiến, chấp nhận rủi ro và tốc độ. Trong đó, nhà nước cần tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được sinh ra và phát triển, hay nói cách khác là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.
Về phía doanh nghiệp
Hai tác giả nổi tiếng người Mỹ: Tom Kelley và David Kelley đã phân tích: “Trong thế giới kinh doanh, sáng tạo thể hiện thông qua cách tân; những ngôi sao công nghệ như Google, Facebook và Twitter đã khai phóng sức sáng tạo của nhân viên nhằm thay đổi cuộc sống của hàng tỷ con người.
Ngày nay, trong mỗi phòng ban, từ dịch vụ khách hàng đến tài chính – mọi người đều có cơ hội trải nghiệm những giải pháp mới, công ty rất cần những kiến giải của nhân viên từ khắp các bộ phận; không một lãnh đạo cấp cao nào hay một phòng ban chuyên biệt nào nắm thế độc quyền trong việc đưa ra những sáng kiến mới”.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, để doanh nghiệp thành công phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo luôn luôn là nguyên tắc số 1 và hàng đầu trong hoạt động của từng doanh nghiệp.
Nguồn lực cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đến từ đâu?
- Đến từ nhân viên khắp các bộ phận sản xuất kinh doanh của công ty, vấn đề là làm cách nào để khai thác được trí tuệ sáng tạo của nhân viên.
- Đến từ các đối tác lớn của công ty trong việc hợp tác sản xuất kinh doanh, đóng góp từ thay đổi chất lượng, mẫu mã, bao bì ….
- Đến từ người tiêu dùng thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề; thông qua những chương trình bình chọn của người tiêu dùng…
- Đến từ việc bổ sung những người tài vào ban lãnh đạo (các vị trí chủ chốt trong công ty) công ty từng đợt.
- Đến từ việc nghiên cứu của công ty (hoạt động R&D); trong đó có các nhà khoa học, từ ứng dụng công nghệ mới vào việc sản xuất và kinh doanh của công ty, hợp tác nghiên cứu với viện, trường đại học …
Đổi mới sáng tạo thành công trước hết phải dựa vào khoa học công nghệ, đây là nền tảng cơ bản của hoạt động đổi mới sáng tạo. Tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau của mỗi đất nước mà xác định phát triển theo chiều ngang hay chiều sâu, nhưng căn bản cốt lõi vẫn phải dựa trên khoa học công nghệ.
Để tận dụng công nghệ, doanh nghiệp cần phải có nguồn vốn, điểm thiết yếu cần có để tạo nên môi trường kích thích cho đổi mới và sáng tạo là nguồn lực tài chính thích hợp. Điểm qua vài doanh nghiệp thành công từ đổi mới công nghệ trong nước đều cho thấy tầm quan trọng của nguồn tài chính trong việc tạo nên sự phát triển đột phá để thành công từ việc áp dụng nền tảng công nghệ.
Bên cạnh thành tựu của các doanh nghiệp lớn, trong thời gian vừa qua nhiều công ty khởi nghiệp của Việt Nam đang vươn ra khu vực và thế giới, nhận được các khoản đầu tư lớn từ cá quỹ đầu tư quốc tế. Điển hình như ABIVIN đã trở thành nhà vô địch của cuộc thi World Cup Start up năm 2019 với giải thưởng trị giá 1 triệu USD.
Cơ hội tài chính cũng tiếp tục mở ra đối với các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khi các công ty dịch vụ công nghệ tài chính lần lượt ra đời, điển hình là công nghệ tài chính phục vụ cho đổi mới sáng tạo Fintech (Financial Technology).
Hiểu một cách đơn giản, Fintech là thuật ngữ để chỉ ngành cung cấp các dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ. Fintech đã bùng nổ từ năm 2010, thu hút tổng đầu tư 200 tỷ USD trên toàn cầu. Xu hướng này đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, ở khu vực và tại Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là một thị trường Fintech tiềm năng và lĩnh vực này được dự báo là sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.
Như vậy, để tạo lập và phát triển nguồn vốn phục vụ cho đổi mới sáng tạo, bên cạnh nguồn vốn nội tại, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ tài chính để đảm bảo nguồn lực về tài chính ổn định, sẵn sàng cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Bước vào công cuộc đổi mới sáng tạo, vai trò của nguồn nhân lực cũng vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của mọi quốc gia từ trước đến nay. Một nước cho dù có tài nguyên thiên nhiên phong phú, máy móc kỹ thuật hiện đại nhưng không có những con người có trình độ, có đủ khả năng khai thác các nguồn lực đó thì khó có khả năng đạt đến sự phát triển đỉnh cao.
Khi chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định của nó. Động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững cũng chính là con người – nguồn nhân lực chất lượng được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm và trên hết là năng lực sáng tạo từ họ… Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh quyết liệt, phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư, có môi trường chính trị - xã hội ổn định và đặc biệt là quốc gia đó có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thị trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển không chỉ của nền kinh tế nước ta mà còn với cả nền kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt là giai đoạn đổi mới sáng tạo.
Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì cần phải tiêu thụ được sản phẩm của mình, điều này được thể hiện qua các khách hàng của doanh nghiệp. Sự phát triển của công nghệ kéo theo sự chuyển biến của thị trường và sự thay đổi thị hiếu, cách thức tiêu dùng của khách hàng.
Do đó, muốn thực hiện đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp không thể không quan tâm đến thị trường, đặc biệt là đối tượng khách hàng, hay nói cách khác nghiên cứu thị hiếu khách hàng và đặc điểm của thị trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp trong tiến trình đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo là mệnh lệnh sống còn cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu các doanh nghiệp hiện nay. Đây cũng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để Việt Nam hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, thoát khỏi “danh hiệu” nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên để đạt được thành tựu trong đổi mới sáng tạo đồng thời tạo được thành công trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cơ sở có sự đồng thuận từ nhiều phía…
Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một nền văn hóa đổi mới sáng tạo?
Xin dẫn lời của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng để thay cho lời kết: “Văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa khởi nghiệp là yếu tố cấu thành quan trọng của một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh. Do vậy, cần hình thành và nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo từ trong nhà trường, gia đình và xã hội; nuôi dưỡng văn hóa dám đương đầu với rủi ro, thách thức và bao dung với sự thất bại như một bước đệm tất yếu dẫn đến thành công”./.
CEO Đặng Đức Thành
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)