Bài 5: Nhiều dấu hiệu vi phạm trong thực hiện giao đất tại hồ Hương Đà
Trao đổi với phóng viên về những tồn tại trong triển khai dự án chăn nuôi lợn tại hồ Hương Đà, luật sư Lê Hiếu, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng cho rằng: đây là vấn đề nghiêm trọng mà cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc cần xác minh, làm rõ.
“Khất” cung cấp thông tin cho phóng viên
Ngày 7/8, trao đổi với phóng viên, ông Lưu Văn Thuyết, Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Xuyên cho biết, địa phương đã nắm được các thông tin phản ánh qua loạt bài viết đăng trên Báo Kinh tế và Đô thị về những vấn đề đang tồn tại trong triển khai dự án trang trại nông nghiệp tổng hợp tại hồ thủy lợi Hương Đà.
Ông Lưu Văn Thuyết cho biết, liên quan đến nội dung trên, UBND huyện Bình Xuyên đã giao các phòng ban chuyên môn như: Thanh tra; Tài nguyên và Môi trường; Kinh tế và Hạ tầng; Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND xã Thiện Kế… tiến hành thanh kiểm tra làm rõ những vấn đề xảy ra ở dự án.
Tuy nhiên, về kết quả làm việc của đoàn công tác với chủ dự án thì ông Lưu Văn Thuyết chưa trả lời. Khi phóng viên đề nghị được cung cấp bản sao kết luận của các cơ quan chuyên môn về những vấn đề liên quan đến Dự án trang trại nông nghiệp tổng hợp tại hồ thủy lợi Hương Đà, ông Lưu Văn Thuyết cũng từ chối và hẹn sẽ báo cáo lãnh đạo UBND huyện về các nội dung này.
Dấu hiệu giao đất trái thẩm quyền và không thực hiện đấu giá đất theo quy định
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị xung quanh những nội dung thông tin phản ảnh về những tồn tại xảy ra trong triển khai dự án đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp tổng hợp tại hồ Hương Đà, luật sư Lê Hiếu, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng cho rằng: đây là vấn đề nghiêm trọng, mà cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc có thể vào cuộc điều tra làm rõ.
“Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 59, Luật Đất đai năm 2013 diện tích đất được giao cho hộ gia đình lớn hơn 0,5 ha thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh. Nên việc UBND huyện Bình Xuyên cho ông Nguyễn Văn Bình thuê 16,33 ha đất hồ thủy lợi Hương Đà thời hạn 49 năm, để xây dựng chuồng trại và chăn nuôi lợn quy mô lớn là có dấu hiệu trái thẩm quyền (tự ý chuyển mục đích sử dụng đất ao hồ để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi).
Trong trường hợp UBND cấp huyện (cụ thể là huyện Bình Xuyên) được ủy quyền của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thì UBND cấp huyện cho thuê đất vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện phạm vi ủy quyền” – luật sư Lê Hiếu phân tích.
Và khoản 2, Điều 59 quy định UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định; thứ hai, giao đất đối với cộng đồng dân cư.
“Căn cứ quy định như trên, thì Phòng TN&MT huyện Bình Xuyên không có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đối với ông Nguyễn Văn Bình. Trường hợp UBND huyện hoặc Phòng TN&MT huyện Bình Xuyên nếu có văn bản ủy quyền ký hợp đồng cho thuê đất, thì cơ quan đó vẫn phải xem xét việc cho thuê có đúng quy định pháp luật hay không mới được phép ký hợp đồng cho thuê đất ao hồ, khi mà diện tích cho thuê lên tới 16,33 ha và thời gian 49 năm – đất cho thuê lại còn được đơn vị thuê sử dụng không đúng múc đích sử dụng ban đầu là đất ao, hồ.
Như vậy, Phòng TN&MT huyện Bình Xuyên đang có những dấu hiệu làm trái quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh làm rõ sai phạm và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” – luật sư Lê Hiếu bày tỏ.
Mặt khác, theo luật sư Lê Hiếu, căn cứ điểm e, khoản 2, Điều 10 của Luật Đất đai năm 2013, thì đất khu vực hồ thủy lợi Hương Đà thuộc nhóm đất sử dụng vào mục đích công cộng. Đối chiếu với quy định tại điểm đ, khoản 1, điều 118 Luật Đất đai, thì trường hợp “cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối” bắt buộc phải đấu giá theo quy định của pháp luật.
Khoản 3, Điều 4, Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP về đấu giá quyền sử dụng đất ban hành ngày 4/4/2015, có hiệu lực từ ngày 20/5/2015 cũng quy định: “Quỹ đất được sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất gồm: đất do UBND xã, phường, thị trấn; đất do tổ chức phát triển quỹ đất được giao quản lý mà Nhà nước chưa giao hoặc cho thuê để sử dụng theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, 16,33 ha đất hồ thủy lợi Hương Đà khi cho thuê cần phải bắt buộc thực hiện thông qua đấu giá mới đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, và không gây thiệt hại, thất thoát tài sản cho Nhà nước.
Cũng theo luật sư Lê Hiếu, khi các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cho thuê đất thì cần tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Các phòng ban chuyên môn tham mưu cho người có thẩm quyền để ban hành các văn bản hành chính hoặc thực hiện các hành vi hành chính thì phải chịu trách nhiệm với nội dung tham mưu.
Trong thực tế, đã có nhiều lãnh đạo, cán bộ các phòng ban chuyên môn tham mưu sai cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện nhất là trong lĩnh vực đất đai, cũng đã bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức.