Bài 5: Nhiều kiến nghị sửa đổi về mặt pháp lý (tiếp theo và hết)
Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 và các nghị định, thông tư, quy định, hướng dẫn thi hành luật là nền tảng cơ bản để công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ những năm qua đạt được kết quả tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân.
Dù vậy, trước sự vận động, thay đổi, những tác động khách quan của đời sống xã hội cũng đặt ra những vấn đề cần có sự điều chỉnh về mặt pháp lý để nhiệm vụ tuyển quân đạt hiệu quả tốt nhất.
Tăng chế tài xử lý, quy trách nhiệm từng khâu
Qua khảo sát của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân ở nhiều địa phương, điều đáng tự hào là rất đông thanh niên trong số thực hiện NVQS đã tình nguyện nhập ngũ; nhiều thanh niên là cử nhân, kỹ sư, thợ kỹ thuật cao; có người từng giữ chức vụ quản lý ở các doanh nghiệp... Trong công tác tuyển quân, cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt chức năng tham mưu; cấp ủy, chính quyền địa phương thực sự quan tâm, vào cuộc; đoàn thể và nhân dân luôn đồng hành. Dù vậy, vẫn còn một bộ phận thanh niên và gia đình có nhận thức chưa đúng, thậm chí tìm mọi cách để trốn tránh NVQS. Trước tình trạng nhiều công dân tìm cách rời khỏi địa phương, thay đổi nơi cư trú trong giai đoạn gọi nhập ngũ, cố tình không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe, nhiều ý kiến cho rằng, phải tăng chế tài nghiêm khắc. Ý kiến của cử tri tỉnh Hải Dương gửi qua Ban Dân nguyện của Quốc hội kiến nghị, bổ sung biện pháp, chế tài xử lý đối với công dân có hành vi trốn NVQS và áp dụng xử lý hình sự đối với công dân 3 lần không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe.
Dư luận luôn cực lực lên án hành vi tiêu cực, tiếp tay cho sai phạm, trốn tránh NVQS. Những vụ việc này nếu bị phát hiện thì cần chế tài pháp luật rất nghiêm khắc, tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại chính địa phương để làm gương.
Bất bình trước thực trạng nhiều công dân lợi dụng xăm hình để trốn NVQS, các kiến nghị yêu cầu phải có biện pháp cương quyết, mạnh mẽ, trong đó ý kiến của cử tri tỉnh Hà Nam gửi tới Bộ Quốc phòng qua Ban Dân nguyện của Quốc hội, kiến nghị: Đối với vấn đề hình xăm, cần nghiên cứu tiêu chí khám sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ phù hợp với tình hình hiện nay... nhiều thanh niên lợi dụng để trốn tránh NVQS.
Ở góc độ khác, Trung tá Tạ Văn Hải, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Trong vấn đề xác minh lý lịch chính trị của công dân nhập ngũ, cần quy định rõ: Với các trường hợp đi xuất khẩu lao động về thì cơ quan công an cấp xã hay cơ quan công an cấp huyện xác nhận về lý lịch để thống nhất”. Từ thực tiễn ở TP Hà Nội đã phát hiện công dân nhập ngũ không đủ tiêu chuẩn về chính trị, Đại tá Ngô Công Khánh, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, nêu bất cập: “Hiện việc quản lý lý lịch của công dân trong thời gian không ở địa phương, đi làm ăn xa gặp khó khăn. Trong khoảng thời gian này, công dân có thể vi phạm pháp luật mà khi thực hiện tuyển quân không phát hiện được. Vì vậy, trong công tác quản lý công dân phải quy trách nhiệm rõ với lực lượng chức năng được giao trách nhiệm”. Bất cập này cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Năm 2021, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) phát hiện trường hợp công dân đã nhập ngũ nhưng sau đó mới nhận được thông báo về việc trước đó công dân này đã vi phạm pháp luật tới mức phải xử lý hình sự ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội).
Trong công tác tuyển quân thì chỉ huy trưởng quân sự xã, phường là những người gần dân nhất, nắm, quản lý nguồn công dân nhập ngũ sát nhất. Nếu chỉ huy trưởng quân sự xã, phường có trách nhiệm, công tâm, trong sáng thì họ đóng vai trò quan trọng giúp công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ tốt; ngược lại nếu họ có tư tưởng, hành vi, việc làm tiêu cực, vụ lợi, vi phạm pháp luật sẽ tạo ra dư luận rất xấu, ảnh hưởng đến đạo đức, uy tín, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, ảnh hưởng đến công tác tuyển quân (trong khi chỉ huy trưởng quân sự xã, phường lại không phải là sĩ quan Quân đội nhân dân). Qua khảo sát thực tế của nhóm phóng viên cho thấy, ở các xã, phường, nhiều chỉ huy trưởng quân sự cao tuổi, nhiều năm làm công tác này, ít có hướng phát triển lên vị trí cao hơn, trong khi đó họ hưởng lương của công chức cấp xã nên mức thu nhập không cao, lại bị sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường hằng ngày. Mặt khác, các chỉ huy trưởng quân sự xã, phường thường không được đào tạo từ bậc đại học trở lên. Tất cả những yếu tố này có ảnh hưởng nhất định đến nhiệm vụ họ thực hiện. Vì vậy, việc đặt ra yêu cầu cao hơn cả về phẩm chất, trình độ, năng lực, phương pháp công tác với đội ngũ chỉ huy trưởng quân sự xã, phường để đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ tuyển quân là một bài toán cần tính đến.
Quản lý nguồn nhập ngũ
Trước thực trạng việc di chuyển đăng ký NVQS của công dân đã học xong tại các trường đại học, cao đẳng về địa phương hoặc nơi làm việc không hiệu quả, nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến của cử tri tỉnh Thái Bình gửi qua Ban Dân nguyện của Quốc hội kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật NVQS cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, vì công tác quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS còn nhiều bất cập; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nguồn (chuyển đi, chuyển đến, xuất cảnh); việc đăng ký NVQS khi chuyển đi, chuyển đến chưa thực sự được quan tâm. Từ đó, dẫn đến số lượng thanh niên vắng mặt ở địa phương không có lý do còn nhiều làm ảnh hưởng đến nguồn nhập ngũ.
Từ thực tiễn nhóm phóng viên ghi nhận, ý kiến của nhiều cán bộ làm công tác tuyển quân cho rằng, giải pháp trước mắt cần có cơ chế rất rõ và nghiêm minh: Nếu công dân không có đăng ký di chuyển NVQS thì không cho nhập học, không tuyển dụng; không có giấy xác nhận của địa phương chuyển NVQS về thì không cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Việc này cần phải gắn trách nhiệm chính trị, pháp lý của các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong công tác tiếp nhận. Hiện có nghị định, thông tư về vấn đề này nhưng chưa có chế tài nên nhiều nhà trường không thực hiện. Giải pháp về lâu dài thì không nên thực hiện di chuyển NVQS đối với các công dân đi học cao đẳng, đại học. Đại tá Nguyễn Quốc Hải, Trưởng phòng Quân số-Chính sách, Cục Quân lực và Đại tá Ngô Công Khánh đều cho rằng: Để thuận tiện trong công tác quản lý nguồn nhập ngũ thì giao cho địa phương nơi công dân đăng ký NVQS ban đầu quản lý. Công dân đi học phải có trách nhiệm khai báo về địa phương tình trạng thay đổi của mình cho đến khi học xong. Việc di chuyển NVQS của họ gây khó khăn, tốn kém trong quản lý, trong khi hiệu quả lại không cao. Tất nhiên, vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và được luật hóa.
Trên thực tế, văn bản pháp luật hướng dẫn công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hiện nay cũng có những điểm cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Đối với các trường hợp miễn, hoãn NVQS, Đại tá Ngô Công Khánh cho rằng: “Luật quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với trường hợp là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động. Tuy nhiên, lại thiếu hướng dẫn chi tiết về quy định “người không còn khả năng lao động” dẫn đến một số địa phương không thống nhất trong quá trình thực hiện xét duyệt đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ”.
Luật pháp hiện hành quy định đối với các công dân đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo. Tuy nhiên, những trường hợp được gia hạn học thêm tín chỉ, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp... lại chưa được quy định cụ thể. Khái niệm một khóa đào tạo đang bị nhiều công dân lợi dụng để trốn NVQS. Các ý kiến kiến nghị cần quy định rõ thời gian của một khóa đào tạo ở một trình độ. Trên thực tế, nhiều sinh viên nợ môn, thi trượt, học thêm tín chỉ... khiến cho khóa đào tạo dài bất thường. Có sinh viên nhiều năm vẫn chưa ra trường. Đây là kẽ hở dẫn đến mất công bằng. Luật cần quy định rõ, thời gian miễn hoãn trong một khóa học ở một trình độ đào tạo thì không tính thời gian nợ môn, nợ tín chỉ, thi trượt tốt nghiệp hoặc không tốt nghiệp. Có như vậy mới tạo ra công bằng cho mọi công dân.
Kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng và cử tri TP Hải Phòng cho rằng, cần xem xét, sửa đổi tiêu chuẩn nhập ngũ đối với công dân bị tật khúc xạ cận thị: Đề nghị được tuyển công dân cận thị dưới 2 dioptre (đi-ốp, sức khỏe loại 3) được nhập ngũ vì không ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ huấn luyện, công tác và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đồng thời tránh lãng phí nguồn lực của địa phương, nhất là những công dân có trình độ cao đẳng, đại học để nâng cao chất lượng tuyển quân.
Bổ sung chính sách khuyến khích công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự
Chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ có ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội dành cho chiến sĩ sau thời gian phục vụ quân ngũ. Dù vậy, mức hỗ trợ hiện nay đã lạc hậu, thấp hơn nhiều mức chi phí học nghề trung bình trong thực tế, thủ tục thanh quyết toán thẻ học nghề bất cập khiến các cơ sở đào tạo nghề không muốn tiếp nhận. Đây là những khó khăn phần nào làm cản trở một chính sách đúng đắn. Cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, nâng mức hỗ trợ học nghề cho bộ đội xuất ngũ phù hợp với thực tế.
Để thực hiện công bằng giữa người phải tham gia NVQS với người không phải tham gia (mà không phải diện miễn nhập ngũ thời bình) thì có thể nghiên cứu hình thức nghĩa vụ thay thế theo đúng tỷ lệ 4/1. Cùng với kinh phí bảo đảm từ ngân sách, chúng ta có thể nghiên cứu xây dựng quỹ thu hút NVQS trên cơ sở khoản phí từ nghĩa vụ thay thế và các hình thức huy động khác. Số kinh phí này để bảo đảm cho người thực hiện NVQS sau 2 năm hoàn thành NVQS khi trở về địa phương cũng có một khoản thu nhập tương ứng với mức thu nhập trung bình ở địa phương. Tất nhiên, đây là vấn đề lớn nên cần nghiên cứu thấu đáo và cần được luật hóa.
Trên thực tế, mỗi quân nhân sau khi hoàn thành NVQS trở về địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn về vấn đề việc làm. Bởi thế, cần phải có chế tài để cấp ủy, chính quyền, HĐND các cấp ở địa phương giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận quân nhân đã hoàn thành NVQS trở lại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũ làm việc với vị trí tương ứng, hoặc tốt hơn trước lúc nhập ngũ, trong khi hiện nay vẫn có nhiều cơ quan, đơn vị từ chối tiếp nhận, hoặc có tiếp nhận nhưng làm hời hợt, vô cảm.
Cùng với cơ chế, chính sách thì việc tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc trong thực hiện nghĩa vụ đối với mỗi công dân nói chung, thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ nói riêng cần tiếp tục được quan tâm và có chiến lược cả trước mắt cũng như lâu dài. Mọi biện pháp, cách làm là để hướng tới chất lượng tuyển quân cao nhất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Khoản 3, Điều 50, Luật NVQS năm 2015 về Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ quy định nhiều chính sách dành cho quân nhân khi xuất ngũ như: Được hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm, được cấp thẻ học nghề, được ưu tiên trong hướng nghiệp, đào tạo nghề, bố trí việc làm, được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định và một số chế độ chính sách khác.