Bài 54. Công tác kiểm sát điều tra những năm 1976-1980

Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu những kết quả mà Viện kiểm sát đạt được trong công tác kiểm sát điều tra những năm 1976-1980. Theo đó, công tác này đã đạt được những thành tựu đáng kể, đã khắc phục từng bước tình trạng khởi tố, bắt giữ, tạm giam thiếu căn cứ, vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân.

Khắc phục tình trạng khởi tố, bắt giữ, tạm giam thiếu căn cứ

Đối với công tác kiểm sát điều tra, ngay từ năm 1976, Chỉ thị số 02/CT ngày 24/12/1976 của Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ nhiệm vụ của công tác kiểm sát điều tra là phải thực hiện và quản lý tốt việc phê chuẩn bắt giam, bảo đảm cho việc phê chuẩn bắt giam có đủ cơ sở pháp lý, đúng pháp luật; đảm bảo công tác điều tra được khách quan, đúng hạn luật định, hồ sơ phải phản ánh đầy đủ, rõ ràng các chứng cứ vụ án; những trường hợp cần thiết phải yêu cầu giám định để làm sáng rõ sự thật.

Thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, công tác kiểm sát điều tra trong những năm 1976-1980 đạt được những thành tựu đáng kể, đã khắc phục từng bước tình trạng khởi tố, bắt giữ, tạm giam thiếu căn cứ, vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Tuy nhiên, do đặc điểm thực hiện nhiệm vụ kiểm sát ở mỗi miền Nam, Bắc khác nhau nên kết quả công tác kiểm sát điều tra không đồng đều.

Điểm nổi bật của công tác kiểm sát điều tra ở giai đoạn này là tập trung vào những vi phạm phổ biến trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn như: Tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ, vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; kiểm sát việc tạm giữ được tăng cường ở tất cả các Viện kiểm sát địa phương ngay từ việc phân loại xử lý bắt giữ.

Năm 1977, Viện kiểm sát các cấp đã cùng với ngành Công an định kỳ rà soát lại và phân loại số người bị bắt giữ, tạm giam có căn cứ, đúng pháp luật. Trong tổng số người bị bắt giam đưa ra phân loại ở 21 tỉnh phía Bắc đã xem xét trả tự do cho khoảng 50%, tạm tha cho 26%, chỉ chuyển sang xử lý hình sự 24%. Viện kiểm sát cũng thận trọng hơn trong việc phê chuẩn tạm giam, kiên quyết từ chối phê chuẩn khi có nghi ngờ về chứng cứ của vụ án, đã từ chối 169 trường hợp trong số 5.322 trường hợp do Cơ quan điều tra (CQĐT) đề nghị phê chuẩn tạm giam. Nhìn chung, trong năm 1977, lĩnh vực hoạt động kiểm sát điều tra bước đầu có kết quả tốt.

Năm 1978, công tác kiểm sát điều tra được tăng cường và cải tiến một bước. Viện kiểm sát các cấp từ chối phê chuẩn giam 1.984 trường hợp xét không cần thiết phải giam hoặc không đủ căn cứ để giam, chiếm 7% tổng số người mà CQĐT xin phê chuẩn. Số án kết thúc điều tra chiếm 76% so với số án phải điều tra, nhiều hơn cùng kỳ năm 1977 là 5%; số án truy tố, miễn tố và xử lý bằng các biện pháp khác đạt 73% so với số án đã kết thúc điều tra.

Năm 1979 để đảm bảo việc phê chuẩn chính xác, tránh làm oan, lọt tội phạm, Viện kiểm sát yêu cầu giao hồ sơ biên bản để xem xét trước khi phê chuẩn, hoàn trả 348 hồ sơ để điều tra lại, quyết định đình cứu cho 83 người bị bắt tạm giam vì không có tội, chiếm tỉ lệ 0,6%. Sau khi phê chuẩn, nhiều Viện kiểm sát không quản lý án chặt chẽ, không theo dõi nắm chắc tiến độ điều tra nên nhiều vụ án bị kéo dài, án tồn đọng khá lớn...

Năm 1980, từ kết quả của công tác kiểm sát điều tra, các Viện kiểm sát phát hiện và yêu cầu bãi bỏ 170 nơi giam giữ trái phép ở phường, xã và 74 trạm kiểm soát trái phép; yêu cầu xử lý hành chính 839 vụ và truy tố ra trước Tòa án 144 vụ bắt giữ, khám xét, tịch thu trái phép đồ vật, hàng hóa của nhân dân, đánh đập, nhục hình mà VKSND đã phát hiện được.

Viện kiểm sát xử lý 3.380 vụ án về kinh tế

Cũng trong năm 1980, 36 VKSND tỉnh, thành phố giải quyết 96% vụ án về an ninh chính trị, trong đó giải quyết án bạo loạn, gián điệp, thám báo, tuyên truyền phản cách mạng 100%, tổ chức trốn đi nước ngoài 96%, nhen nhóm tổ chức phản cách mạng 94%, âm mưu lật đổ chính quyền 84%. Ở 36 tỉnh, thành phố, khởi tố 5.047 vụ án kinh tế, kết thúc điều tra 3.560 vụ, Viện kiểm sát xử lý 3.380 vụ (đạt 67% tổng số vụ án đã khởi tố); Viện kiểm sát trực tiếp khởi tố 494 vụ án xâm phạm tài sản trong nông nghiệp, 189 vụ án về lương thực, 51 vụ trong lâm nghiệp, 25 vụ trong ngư nghiệp.

 Cuối năm 1980, lực lượng An ninh thực hiện kế hoạch CM12, triệt xóa và đưa ra xét xử các đối tượng của tổ chức phản động do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu; bắt 189 tên gián điệp, biệt kích, thu giữ nhiều vũ khí, chất nổ, tiền giả và phương tiện hoạt động phá hoại. (Ảnh tư liệu – TTXVN).

Cuối năm 1980, lực lượng An ninh thực hiện kế hoạch CM12, triệt xóa và đưa ra xét xử các đối tượng của tổ chức phản động do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu; bắt 189 tên gián điệp, biệt kích, thu giữ nhiều vũ khí, chất nổ, tiền giả và phương tiện hoạt động phá hoại. (Ảnh tư liệu – TTXVN).

Số vụ án về trật tự an toàn xã hội, Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát điều tra tăng 28,3%, 36 VKSND tỉnh, thành phố truy tố và xử lý bằng biện pháp khác 96% số vụ đã kết thúc điều tra. Nhiều Viện kiểm sát địa phương chọn án điểm để đưa ra truy tố và xét xử kịp thời, góp phần ổn định nhanh tình hình ở những vùng đông dân xung yếu; phối hợp với chính quyền phân loại giáo dục, giải quyết công việc cho trường hợp có tiền án, tiền sự.

Đối với những biểu hiện lạm quyền bắt giữ, tra tấn, nhục hình, Viện kiểm sát tích cực đấu tranh, loại trừ vi phạm, bảo vệ uy tín của cơ quan tư pháp. Đồng thời, Viện kiểm sát chủ động, tăng cường quan hệ phối hợp với các ngành tư pháp, đặc biệt với CQĐT bảo đảm cho việc điều tra, lập hồ sơ truy tố đạt kết quả tốt nhằm thống nhất phương hướng đấu tranh phòng, chống tội phạm và tạo điều kiện cho hoạt động kiểm sát điều tra.

Công tác phối hợp với các ngành khác cũng được đẩy mạnh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đề xuất cấp ủy, UBND tỉnh đề ra những biện pháp khắc phục những vi phạm trong việc bắt, khám xét, giam giữ, tịch thu tài sản của nhân dân một cách trái phép. Một số VKSND phối hợp công tác với các ngành Thanh tra, Công an, Tòa án... giúp các ngành chủ quản tổ chức tập huấn cho cán bộ về quy định của pháp luật về bắt, giam giữ, khám xét người, nhà ở, đồ vật, tịch thu tài sản của công dân... Có nơi đã biên soạn tài liệu thích hợp về các vấn đề đó và đưa về các thôn, ấp; tổ chức cho cán bộ và nhân dân học tập. Nhờ đó, ở một số đơn vị và địa phương, ý thức tuân thủ pháp luật được nâng lên, việc giam giữ trái phép và những việc làm vi phạm khác có giảm đi.

Năm 1981, một số Viện kiểm sát tổ chức tốt việc quản lý án, kịp thời yêu cầu CQĐT điều chỉnh và bổ sung kế hoạch điều tra, bổ sung chứng cứ. Nhiều sai phạm của nhân viên điều tra được Viện kiểm sát phát hiện, yêu cầu sửa chữa. Trọng án, án điểm, án tồn đọng được quan tâm giải quyết, tập trung hơn vào các loại án do người có chức vụ phạm tội, đánh mạnh vào bọn cầm đầu các ổ nhóm phạm trọng tội. Việc điều tra, truy tố, xét xử nhanh một số trọng án được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, điển hình là các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hải Hưng, Nghệ Tĩnh, An Giang, Cửu Long, Thuận Hải. Thông qua làm án, công tác phòng ngừa tội phạm cũng được quan tâm đẩy mạnh.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác kiểm sát điều tra cho thấy, trách nhiệm trong phê chuẩn bắt giam còn thấp, chưa đi sâu xem xét hồ sơ chứng cứ, hiện trường; còn chủ quan, thiếu thẩm tra chu đáo, tội phạm còn bị bỏ lọt. Tại các tỉnh, thành phố phía Nam, vẫn còn tồn tại tình trạng lúng túng trong việc phân loại, xử lý tội phạm.

Những tồn tại chính trong công tác kiểm sát điều tra có nguyên nhân do Kiểm sát viên còn thiếu, trình độ nghiệp vụ kiểm sát còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của công việc. Việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất, chưa phân định rõ ranh giới của xử lý hành chính và hình sự, văn bản hướng dẫn chưa kịp thời.

Chủ trương và định hướng công tác kiểm sát điều tra được xác định trong các Chỉ thị hàng năm (1982-1986) của Viện trưởng VKSND tối cao là: Tăng cường tính chiến đấu trong hoạt động kiểm sát điều tra, chặt chẽ trong việc phê chuẩn các quyết định tố tụng của cơ quan Công an, kiên quyết trong việc xử lý hoặc yêu cầu xử lý cán bộ điều tra có vi phạm hoặc phạm tội, dứt khoát đình cứu, miễn tố, trả tự do cho người bị bắt, giam, giữ không có căn cứ hoặc trái pháp luật.

Kiên quyết đấu tranh với việc tạm giữ, tạm giam và khởi tố một cách vô căn cứ, bỏ qua không khởi tố và tiến hành điều tra những vụ án quan trọng; không truy nã, bắt, giữ những tên phạm trọng tội, những tên tái phạm nguy hiểm.

Đối với những tên phạm tội nặng như: Phạm các tội do động cơ, mục đích phản cách mạng, phạm tội giết người, cướp của, hiếp dâm, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, lưu manh, côn đồ và các tội nguy hiểm khác, cần áp dụng biện pháp bắt giam để ngăn chặn. Nhưng mặt khác, phải thận trọng cân nhắc với những người phạm tội không nghiêm trọng, cần phải xem xét chứng cứ buộc tội và gỡ tội, tình trạng sức khỏe, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình của bị can, kiên quyết không để bắt giữ những trường hợp không cần thiết, đồng thời cũng không để những tên phạm trọng tội được tự do.

Khi phê chuẩn lệnh bắt giam, Viện trưởng, Phó Viện trưởng các Viện kiểm sát cần nghiên cứu các tài liệu điều tra, nghiên cứu kỹ các chứng cứ chứng minh tội phạm hoặc chứng minh vô tội của bị can, khi cần thiết, trực tiếp hỏi cung những người mà Công an đề nghị phê chuẩn bắt giam, nhất là với những đối tượng đang giữ chức vụ quan trọng, các thiếu niên phạm pháp. Đồng thời, giám sát thời hạn tạm giam và quản lý việc gia hạn tạm giam; coi đây là một biện pháp quan trọng để thúc đẩy tiến độ điều tra. Cần chú trọng kiểm sát việc hỏi cung và lấy lời khai của nhân chứng, đặc biệt là việc hỏi cung với vị thành niên phạm pháp. Chú ý đấu tranh với cán bộ điều tra vì lợi ích cá nhân hoặc tư thù mà vu cáo, đổi trắng thay đen, tạo ra chứng cứ giả tạo để làm hại người khác hoặc bao che người phạm tội.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/bai-54-cong-tac-kiem-sat-dieu-tra-nhung-nam-1976-1980-87591.html