Bài 6: Chuyện về những lực lượng xung kích trong tâm dịch

Khi các cơn sóng dịch COVID-19 bùng phát ở một số địa phương, chính sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị với nhiều biện pháp hiệu quả, các cơn sóng dịch đã dần dần được dập tắt. Kết quả ấy có sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của những người ngay trong tâm dịch. Họ tạm gác cuộc sống thường nhật, xa gia đình, người thân để nỗ lực chiến đấu 'chống giặc' COVID-19.

Các lực lượng chức năng huyện Lục Nam cắm chốt kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Các lực lượng chức năng huyện Lục Nam cắm chốt kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Nhiều đêm chống dịch không ngủ

Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện, chia sẻ: Tại thời điểm ngày 28/6, lực lượng công an huyện Lục Nam có 6 đồng chí là F1 đi cách ly tập trung; 77 đồng chí là F2 thực hiện cách ly tại đơn vị. Phần lớn trong số này là diện nghi lây nhiễm khi tham gia truy vết. Đây có lẽ là con số “lớn” duy nhất của cơ quan công an trên toàn quốc bị nghi lây nhiễm trong đợt dịch căng thẳng vừa qua.

Hiện tại, toàn tỉnh Bắc Giang đã qua cơn đỉnh dịch COVID-19 căng thẳng nhất từ trước đến nay. Tại huyện Lục Nam, một trong những huyện nằm trong tâm dịch lớn nhất đợt này của cả nước, hiện còn 74 ca F0, 2.243 ca F1, trên 10.000 ca F2. Huyện cũng đã tiêm vaccine cho hơn 16.000 người trên địa bàn. Mặc dù dịch cơ bản đã tạm lắng, mọi hoạt động kinh doanh sản xuất và sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường, nhưng lực lượng chức năng của huyện vẫn tiếp tục tiến hành ra soát, truy vết nhanh và thần tốc các ca F1 và F2 để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của nhân dân.

Trung tá Nguyễn Trung Kiên kể, từ ngày 7/5, sau khi phát hiện có chùm ca bệnh lây nhiễm trên địa bàn huyện Lục Nam, căng thẳng nhất là có tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu công nghiệp có tới hàng nghìn công nhân đang làm việc, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Nam, lực lượng công an huyện đã lên kế hoạch và tiến hành tuyên truyền, truy vết, khoanh vùng và lập chốt để kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm đang diễn ra phức tạp trên địa bàn.

“Ổ dịch đầu tiên của huyện bùng phát ngày 7/5 tại thôn Phương Lạn 3, xã Phương Sơn với 7 ca F0 có nguồn lây từ Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội; tiếp theo là các ca F0 có nguồn lây từ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh khiến cho tổng số F0, F1, F2 ở Lục Nam tăng nhanh”, Trung tá Kiên nói.

Ngoài việc đi từng nhà, rà từng trường hợp, lực lượng công an huyện còn thường xuyên tuần tra, kiểm soát từng đường mòn lối mở, dựng bạt, lập các chốt kiểm soát dịch trên các tuyến Quốc lộ 31, 37, Tỉnh lộ 293, ven rừng, không để sót bất cứ một điểm, một ngã rẽ nào và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tính đến ngày 28/6 đã xử phạt 393 trường hợp với số tiền phạt 530 triệu đồng.

“Bên cạnh việc thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, nghĩa vụ của người chiến sĩ công an thì trách nhiệm của công dân với cộng đồng cũng hết sức được đề cao. Công tác bám chốt, bám đoạn được thực hiện thường trực 24/24 giờ, không ngơi nghỉ. Hầu hết anh em trong đơn vị đã trực thường xuyên 2 tháng nay chưa về nhà. Nhiều lần xuyên đêm mưa, ngày nắng gắt, anh em thực hiện tuần tra, trực chốt, tuân thủ nghiêm quân lệnh, sẵn sàng trong các tình huống dịch phát sinh. Các chốt gần trung tâm thì được Ban chỉ đạo xã hỗ trợ suất ăn hằng ngày, những nơi xa khu dân cư thì anh em tự nấu. Mặc dù trong hoàn cảnh sinh hoạt thiếu thốn nhưng với quyết tâm cao, nhưng chúng tôi chưa hề nao núng, quyết tâm chung sức để hạn chế, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong cộng đồng”, anh Kiên bày tỏ.

Khi huyện đang trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện và dân quân đã tham gia thu hoạch nông sản cho bà con. Bên cạnh đó, UBND huyện cùng các cơ quan, ban ngành đã xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, tìm kiếm các đầu mối tiêu thụ giúp để nông sản không rơi vào tình trạng bị thương lái ép giá, ảnh hưởng tới kinh tế người dân.

Đoàn TNCSHCM huyện Thanh Hà tham gia hỗ trợ cùng lực lượng y tế test nhanh virus SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh:VGP/ Vĩnh Hoàng

Đoàn TNCSHCM huyện Thanh Hà tham gia hỗ trợ cùng lực lượng y tế test nhanh virus SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh:VGP/ Vĩnh Hoàng

Huy động sức thanh niên tham gia mọi mặt trận chống dịch

Trong và sau Tết Nguyên đán, Hải Dương là tỉnh hứng chịu đợt dịch COVID-19 nặng nề. Ca dương tính đầu tiên được phát hiện là một nữ công nhân của công ty TNHH POYUN, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân này có giao tiếp gần với bệnh nhân nữ được phát hiện dương tính sau khi nhập cảnh Osaka (Nhật Bản). Kết quả xét nghiệm khẳng định tối 27/1 cho thấy, bệnh nhân nữ 34 tuổi này dương tính với virus SARS-CoV-2, với biến chủng mới của Anh.

Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn sau đó, tỉnh phát hiện thêm rất nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trên toàn bộ địa bàn 12/12 huyện, thành phố, thị xã. Với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và sự vào cuộc quyết tâm, mạnh mẽ, kịp thời, sáng tạo, bình tĩnh của cả hệ thống chính trị với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sự đồng lòng, ủng hộ cao của nhân dân, sau hơn 30 ngày thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Kết quả này có được, bên cạnh vai trò rất lớn của các cấp lãnh đạo tỉnh, các huyện, thị xã, công an, quân đội, y tế, thì có vai trò đóng góp của Đoàn thanh niên tỉnh Hải Dương. Gần 100% quân số Đoàn thanh niên tỉnh, thành phố, các huyện, thị xã được huy động tham gia vào các hoạt động chống dịch. Anh Nguyễn Quang Ngọc - Bí thư Đoàn TNCSHCM huyện Thanh Hà cho biết, ở khu vực phụ trách của mình, Đoàn thanh niên huyện Thanh Hà tham gia 100% quân số cùng với lực lượng công an, quân đội, y tế vào công tác phòng chống dịch, như phối hợp dựng lán, trực 24/24h tại các chốt, đến từng nhà yêu cầu người dân khai báo y tế, đồng thời cùng lực lượng y tế sắp xếp, điều phối để thực hiện công tác test nhanh virus SARS-CoV-2 cho người dân.

Các đoàn viên đi từng ngõ xóm tuyên truyền về dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Các đoàn viên đi từng ngõ xóm tuyên truyền về dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

“Chúng tôi đã có những ngày tháng chống dịch ròng rã xuyên đêm, cứ 1 lán trung bình sẽ có 2-3 đoàn viên thanh niên tham gia cùng các lực lượng để trực chốt, yêu cầu người dân không ra khỏi khu vực đang có yêu cầu giãn cách, phân luồng các chuyến xe chở hàng trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn. Tôi nhớ những ngày sau Tết rét đến cắt da cắt thịt, trực chốt bên những lán bạt dựng vội nhưng tại các tỉnh lộ 390A, 390B chạy qua địa bàn huyện Thanh Hà, các đoàn viên không hề ngại khó, ngại khổ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban phòng dịch của huyện, của tỉnh. Tất cả các chuyến xe được hướng dẫn phân luồng thông suốt, người dân thực hiện giãn cách theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ”, anh Ngọc cho biết.

Trong những ngày Hải Dương bùng dịch ở các khu công nghiệp lớn, Đoàn TNCSHCM tỉnh và các huyện, thị xã đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng thu hái vải và lên kế hoạch phân phối, vận chuyển đến nơi buôn bán cho bà con. “Sau đợt dịch, thực hiện lời kêu gọi hiến máu vì cộng đồng, hầu hết đoàn viên đã tham gia hoạt động ý nghĩa này. Riêng tại huyện Thanh Hà chúng tôi đã đạt được 500 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời Đoàn TNCSHCM huyện cũng kêu gọi đoàn viên, thanh niên hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ Quỹ Vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ. Đây là trách nhiệm của chúng tôi và cũng là mong muốn góp sức mình, đồng lòng cùng cả nước chống dịch”, anh Ngọc bày tỏ.

Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, bên cạnh những lực lượng xông pha tuyến đầu như y tế, biên phòng thì những lực lượng như công an, đoàn thanh niên… vẫn kiên trì, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của mình. Họ không quản ngại khó khăn, luôn cảnh giác, chủ động, quyết liệt trong phòng chống dịch với mong muốn dịch được ngăn chặn, đời sống của người dân được chăm lo và an toàn nhất.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/bai-6-chuyen-ve-nhung-luc-luong-xung-kich-trong-tam-dich/437059.vgp