Bài 8: Đổi thay trên những miền quê cách mạng

Thủ đô Hà Nội đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố. Trong không khí chào mừng ngày lễ trọng đại của Thủ đô, trở lại các 'địa chỉ đỏ' - nơi lưu dấu những trang sử hào hùng của các vùng quê, là niềm tự hào của Thủ đô, chúng tôi cảm nhận nguồn sức mạnh của những dấu son lịch sử đó vẫn đang cổ vũ các thế hệ cán bộ, nhân dân đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn…

Tết túi dù - Nghề mới mang lại thu nhập cho nhiều người dân ở xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa).

Những “địa chỉ đỏ” của cách mạng

Xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) - một trong những vùng quê giàu truyền thống cách mạng của Thủ đô. Theo lịch sử Đảng bộ địa phương, phong trào cách mạng của Hòa Xá phát triển từ rất sớm. Ngay từ tháng 3-1943, nơi đây đã thành lập Chi bộ đảng Hòa Xá - một trong ba chi bộ đầu tiên của huyện Ứng Hòa. Miền quê này cũng là nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng hoạt động bí mật trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá đã nổi tiếng cả nước với phong trào “Trao gậy Trường Sơn”.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá Phùng Văn Mạnh nhớ lại: Những năm 1965-1966, Hòa Xá đã có sáng kiến thành lập phân đội dự bị để sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Xã rà soát kỹ lực lượng thanh niên và tổ chức rèn luyện bằng cách để các thanh niên hành quân, đeo ba lô nặng. Trong những buổi tập luyện, người Hòa Xá có sáng kiến làm cây gậy chống để chặng đường hành quân đỡ mệt. Các cụ già trong làng chặt tre, làm gậy tặng cho thanh niên mang theo khi lên đường ra trận.

Năm 1966, ba người con của Hòa Xá trên đường hành quân vào miền Nam, gặp đồng đội chuẩn bị ra miền Bắc đã gửi về quê hương ba chiếc gậy Trường Sơn nhằm báo tin cho gia đình yên tâm. Từ việc rèn quân, tặng gậy, quê hương Hòa Xá nhận được gậy bộ đội của làng gửi về, năm 1967, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn”. Năm 1973, lực lượng vũ trang nhân dân xã Hòa Xá được tuyên dương là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cũng là một trong những “địa chỉ đỏ” - thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) được ghi dấu là nơi chi bộ đảng đầu tiên được thành lập của tỉnh Sơn Tây (khi đó). Phó Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn Nguyễn Văn Ngọc nhớ lại: Mùa thu năm 1937, Tổ cộng sản Đa Phúc được chuyển thành Chi bộ dự bị do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư. Đầu năm 1938, đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp về Đa Phúc công nhận Chi bộ dự bị Đa Phúc thành chi bộ chính thức của Đảng. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Sài Sơn trở thành một bộ phận của An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ, góp phần quan trọng trong giành chính quyền phủ Quốc Oai, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh Sơn Tây trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945…

Mỗi địa danh lịch sử đều mang câu chuyện với ý nghĩa cao đẹp. Tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh), những năm 1946-1947, theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, xã thực hiện triệt để đường lối “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến” với phương châm “Mỗi thôn, xóm là một pháo đài, mỗi nhà là một tổ tác chiến, mỗi người dân là một chiến sĩ”, “Cả nhà là du kích, cả nhà tham gia đánh giặc”... Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương, khi đó, giặc Pháp càn quét khắp miền Bắc. Nam Hồng là nơi địch càn đi, càn lại nhiều lần. Bảo vệ làng, năm 1947, người dân Nam Hồng cùng nhau đào những đường hầm sâu dưới lòng đất, thông từ nhà này qua nhà khác, từ xóm trên xuống xóm dưới, nối thông các hầm với nhau thành hệ thống giao thông liên hoàn trong lòng đất... Đầu năm 1948, địa đạo Nam Hồng trở thành một “thiên la, địa võng” bí mật, không một người nào có thể biết được tất cả cửa lên, xuống, đường đi, lối lại…

Xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) với vị trí nằm ở “ngã ba” - nơi giáp ranh 2 tỉnh: Thái Nguyên và Bắc Giang, từ ngày 4 đến ngày 27-7-1954, Trung Giã được chọn để tổ chức hội nghị giữa Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy lực lượng Liên hiệp Pháp nhằm bàn các vấn đề quân sự do Hội nghị Geneve đặt ra. Hội nghị đã bàn cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến Hội nghị Geneve. Ðoàn đàm phán Việt Nam ở Hội nghị quân sự Trung Giã đã hoàn thành nhiệm vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, góp trang đẹp vào pho sử vàng vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam…

Cùng với nhiều miền quê khác trong cả nước, những mảnh đất, con người ở những vùng quê giàu truyền thống cách mạng của Hà Nội đã góp phần to lớn vào phong trào cách mạng chung toàn dân tộc, giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc đấu tranh bảo vệ non sông, đất nước, mang lại hòa bình, ấm no cho dân tộc Việt Nam…

Viết tiếp trang sử hào hùng truyền thống của quê hương

Phát huy truyền thống đáng tự hào, trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng nói chung, Đảng bộ thành phố Hà Nội nói riêng, cùng sự vận dụng của Đảng ủy, chính quyền các địa phương, các miền quê cách mạng trên đều đổi thay tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Trở về xã Hòa Xá hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi mới trên quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn”. Nói về những đổi thay của Hòa Xá hôm nay, Chủ tịch UBND xã Hòa Xá Dư Văn Dũng cho biết, hiện nay, xã phát triển đa ngành nghề nên không có người thất nghiệp. Ngoài nông nghiệp, trên địa bàn xã có công ty may xuất khẩu, giải quyết việc làm cho 600 lao động; nhiều gia đình mở xưởng may xuất khẩu tại nhà, thu hút vài chục lao động tham gia. Ngoài ra, Hòa Xá còn có hơn 100 máy dệt vải màn, cung cấp cho các đơn vị sản xuất thiết bị y tế... Nhờ nỗ lực trong phát triển kinh tế, hết năm 2019, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Hòa Xá đạt 50 triệu đồng/người/ năm; cả xã chỉ còn 2 hộ nghèo. Hòa Xá đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (từ năm 2015) và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Không riêng Hòa Xá, từ năm 2015, xã Sài Sơn đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã có cơ sở hạ tầng khang trang: 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông sạch đẹp; 6/6 thôn có nhà văn hóa khang trang; 3/5 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Xã Sài Sơn hôm nay đang khai thác lợi thế khu di tích danh thắng chùa Thầy; vùng đất bãi trù phú đang chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và các nghề thủ công truyền thống như làm bánh gai, chè lam... phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ… nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày một đổi thay tích cực.

Chủ động và tích cực đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Nguyễn Văn Hợi ở thôn Đoài, xã Nam Hồng bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Từ những năm 2010, nhân dân thôn Đoài và các thôn trong xã Nam Hồng đã sẵn sàng hiến đất, tham gia làm đường, cải tạo kênh mương... Năm 2013, xã Nam Hồng đã có 3,5km đường liên xã, 2km đường liên thôn được thảm nhựa và 31,83km đường làng ngõ xóm được bê tông hóa; cứng hóa 31,5km kênh mương do xã quản lý… Năm 2014, Nam Hồng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Trung Giã, Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Thọ cho biết, trên địa bàn xã hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động; ngoài ra, xã phát triển mạnh kinh doanh, dịch vụ tại chợ Nỷ với hàng trăm hộ kinh doanh, buôn bán. Đến nay, bình quân thu nhập của xã đạt 57 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,6%. Từ năm 2015, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Truyền thống vẻ vang trong kháng chiến luôn là niềm tự hào, động lực thúc đẩy các thế hệ cán bộ, nhân dân ở những miền quê giàu truyền thống cách mạng trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo tồn văn hóa... Trên nền tảng vững chãi đó, các thế hệ cán bộ, nhân dân ở những vùng quê này cùng rất nhiều làng quê khác dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội đã, đang và tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức nỗ lực, sáng tạo nhằm mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại…

(Còn nữa)

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/960551/bai-8-doi-thay-tren-nhung-mien-que-cach-mang