Bài 9: Phát huy truyền thống, tạo nên thương hiệu

Ra đời sau khi Thủ đô được giải phóng (10-10-1954), những cái tên như bóng đèn phích nước Rạng Đông, điện cơ Thống Nhất hay giày Thượng Đình đã trở thành những 'thương hiệu' sản phẩm công nghiệp chủ lực tự hào của Hà Nội và cả nước. Sau này khi đất nước mở cửa, cùng với đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã 'dám nghĩ, dám làm', sáng tạo, đổi mới để trụ vững, vươn lên, tạo nên thương hiệu mạnh cho Thủ đô và đất nước.

Dây chuyền sản xuất đèn LED tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Những tên tuổi tự hào

Thập niên 60-80 của thế kỷ trước, cái tên giày Thượng Đình, bóng đèn phích nước Rạng Đông hay quạt điện cơ Thống Nhất đã trở nên thân quen với người dân Việt Nam, nhất là tại Hà Nội. Nhớ lại thời kỳ đó, ông Nguyễn Đăng Khôi (80 tuổi) cán bộ hưu trí của ngành Nông nghiệp (thường trú tại ngõ 354 đường Lê Duẩn, quận Đống Đa) cho biết, khi đất nước còn thời kỳ bao cấp, những sản phẩm của điện cơ Thống Nhất, giày Thượng Đình hay bóng đèn phích nước Rạng Đông là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. "Vỡ một cái phích là lo lắm, vì lúc ấy không có sẵn để mua ngay được. Nên mọi nhà đều làm giá gỗ cho phích vào để khỏi bị đổ. Quạt điện cơ Thống Nhất cũng vậy, bền và chắc lắm", ông Nguyễn Đăng Khôi kể.

Nói về lịch sử phát triển đầy tự hào đó, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông thông tin, công ty được xây dựng từ năm 1958 (có quyết định thành lập từ năm 1961), tiền thân là Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Từ khi thành lập đến khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, các sản phẩm từ bóng đèn, phích nước phục vụ người dân đến đèn pha ô tô cung ứng cho kháng chiến đều tiêu thụ rất tốt, trở thành sản phẩm công nghiệp chủ lực tự hào của đất nước và Thủ đô Hà Nội.

Tương tự, sản phẩm giày Thượng Đình, tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập vào tháng 1-1957, trước khi chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần, công ty là một doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Công ty TNHH một thành viên Giày Thượng Đình chuyên sản xuất giày, dép vải phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. "Trong thời hoàng kim, với cách thức thiết kế đơn giản, đế cao su dẻo dai, bền chắc, giày Thượng Đình được nhiều đối tượng, lứa tuổi ưa chuộng, trở thành thương hiệu quốc dân, xuất hiện trong mọi gia đình Việt cùng các sân chơi thể thao", ông Nguyễn Văn Khiêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thượng Đình kể.

Với Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất cũng vậy, ngay từ những năm đầu thành lập (tiền thân là Xí nghiệp Điện khí Thống Nhất, ra đời năm 1965) đến suốt giai đoạn bao cấp, quạt điện cơ Thống Nhất và sau này là nhãn hiệu Vinawind luôn nổi tiếng về chất lượng, là niềm mơ ước của nhiều gia đình.

Trong giai đoạn này, các đơn vị còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Đảng bộ thành phố Hà Nội phát động, chỉ đạo, để chi viện cho tiền tuyến, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát huy vai trò của một trung tâm công nghiệp trong xây dựng đất nước. Cùng với các công trường, nhà máy, công nhân của các công ty Rạng Đông, Thượng Đình, Thống Nhất đã hăng hái lao động, làm tăng ca thêm giờ, có sáng kiến hợp lý hóa sản xuất; bám nhà máy, sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ… Trong từng thời điểm lịch sử, các đơn vị đã có đóng góp không nhỏ cho Thủ đô và đất nước.

Lựa chọn lối đi thành công

Sau khi Việt Nam thực hiện đổi mới, mở cửa thị trường, làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn vào đã khiến Rạng Đông gặp không ít khó khăn với bài toán cạnh tranh, mất dần thị trường. “Công ty liên tục thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc 6 tháng. Năm 1990, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng…”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng nhớ lại.

Chuyển sang nền kinh tế thị trường cũng mang lại nhiều thử thách cho quạt điện cơ Thống Nhất. Sản xuất đi xuống do hàng tốt nhưng ít người chuộng vì thị trường bắt đầu chú trọng đến cả hình thức lẫn chất lượng sản phẩm. Tương tự với giày Thượng Đình, ông Nguyễn Văn Khiêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thượng Đình cho biết, xu hướng của người tiêu dùng thay đổi từ dòng giày vải lưu hóa sang dòng giày thể thao gò dán nên các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu của công ty giảm mạnh. Trong nước, sản phẩm khó cạnh tranh với các nhà cung cấp giày ở Việt Nam và Trung Quốc do giá thành còn cao...

Trong khó khăn chung đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã có những sáng tạo, tìm tòi và chỉ đạo hướng phát triển mới, tìm ra những bước đột phá vào kinh tế thị trường. Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ thành phố, các doanh nghiệp đã chuyển đổi mạnh mẽ: Sắp xếp, tổ chức sản xuất, khơi dậy các nguồn lực, đổi mới phương pháp quản lý, chú trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ…

Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, từ những hướng đi đó, Đảng bộ Công ty, Ban lãnh đạo Công ty, đã động viên người lao động, lấy lại tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn. Rạng Đông đã làm được hai việc quan trọng. Đó là cải tiến dây chuyền sản xuất và đầu tư phát triển năng lực công nghệ. Từ năm 1991, công ty đã tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, tinh giản bộ máy và thay đổi cơ chế điều hành. Từ năm 1993, công ty dần thay thế các dây chuyền cũ bằng dây chuyền tự động hóa để nâng cao năng suất, như dây chuyền đèn huỳnh quang hiện đại, dây chuyền ruột phích mới, dây chuyền sản xuất đầu đèn huỳnh quang Hàn Quốc...

Hiện tại, Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty đã quyết định triển khai đề án chuyển đổi số. Các bộ phận trong công ty chuẩn bị các mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, doanh thu tăng tối thiểu 3 lần, nhưng số người không tăng, phấn đấu thu nhập bình quân tăng gấp đôi năm 2019. Ngay từ năm 2020, doanh thu phải đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 20% so 2019 và trước mắt, quý I-2020 phải đạt 1.250 tỷ đồng đến 1.300 tỷ đồng... Nói về điều này, anh Nguyễn Văn Tiến, công nhân xưởng điện tử LED và thiết bị chiếu sáng chia sẻ: "Với mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, đời sống của người lao động được bảo đảm. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào đường hướng lãnh đạo của công ty và phấn đấu hết mình vì sự phát triển của Rạng Đông”.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất, ông Vũ Đình Đông, Tổng Giám đốc Công ty cho hay, để vực dậy doanh nghiệp, Đảng ủy và Ban Giám đốc đã quyết tâm xây dựng phương án đầu tư, đưa thành nghị quyết để quán triệt trong toàn Đảng bộ. Một trong những biện pháp mạnh mà lãnh đạo công ty quyết định là cho thanh lý toàn bộ hàng tồn kho trị giá hàng tỷ đồng, rà lại toàn bộ chi phí đầu vào, giải quyết vấn đề đội giá thành, rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới định mức lao động… Nhờ đó, công ty đã giảm bình quân được 32% lao động hao phí trước đây, thực hiện phương án trả lương mới bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, cải thiện thu nhập cho người lao động. Không khí sản xuất trong các phân xưởng đã sôi động trở lại... Chỉ riêng năm 2019, công ty đạt lợi nhuận sau thuế hơn 69,3 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần Giày Thượng Đình, hiện tại đơn vị đang chuẩn bị cho một “cuộc cải cách” toàn diện, với những bước thay đổi để bắt nhịp với thị trường và những xu hướng tiêu dùng mới.

Thực tiễn phát triển cho thấy, dưới đường lối đổi mới của Đảng, với nhiều chủ trương, quyết sách sáng tạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhờ sự sáng tạo, dám chấp nhận khó khăn, thử thách, các đơn vị đã và đang gặt hái được những thành công, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế Thủ đô. Qua đó, góp phần không nhỏ vào truyền thống vẻ vang của Đảng bộ thành phố Hà Nội, tiếp tục tạo nên những thương hiệu mạnh cho Thủ đô và đất nước.

(Còn nữa)

Thanh Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/960655/bai-9-phat-huy-truyen-thong-tao-nen-thuong-hieu