Bãi biển dài nhất hành tinh nằm ở đâu, sao chẳng ai dám đến tắm?

Dù có vẻ đẹp hoang sơ và hấp dẫn bậc nhất thế giới, nhưng bãi biển này chẳng mấy ai dám đến tắm.

Bờ biển Fraser dài hơn 120 km.

Đảo Fraser là một hòn đảo nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông, dọc theo tiểu bang Queenland, cách thành phố Brisbane khoảng 200 km về phía Bắc, Úc. Đây là vùng địa phương của Khu vực Bờ biển Fraser. Hòn đảo có chiều dài khoảng 123 km, rộng 24 km khiến nó là đảo cát lớn nhất thế giới với diện tích 1840 km².

Nó cũng là hòn đảo lớn nhất của tiểu bang Queensland, hòn đảo lớn thứ sáu của Úc và là đảo lớn nhất trên bờ biển phía Đông Úc. Năm 1992, hòn đảo đã trở thành di sản thế giới.

Hòn đảo này có những cánh rừng nhiệt đới, rừng bạch đàn, rừng ngập mặn, đầm lầy than bùn, cồn cát và đất ven biển. Hòn đảo được tạo thành từ cát đã được tích lũy trong khoảng 750.000 năm trên nền một núi lửa, cung cấp một lưu vực tự nhiên cho các trầm tích tích tụ tại một khu vực xa bờ, và hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ dọc theo bờ biển phía bắc hòn đảo.

Không giống như nhiều cồn cát, thực vật tại đảo cát này rất phong phú do có sự hiện diện của rễ nấm trong cát, nó tạo ra các chất dinh dưỡng và được nhiều loại thực vật tại đây sử dụng.
Đảo Fraser là nhà của một số lượng nhỏ các loài động vật có vú, đa dạng các loài chim, bò sát và lưỡng cư, bao gồm cả cá sấu nước mặn. Hòn đảo này là một phần của khu vực Bờ biển Fraser và được bảo vệ trong Vườn quốc gia Great Sandy.

Đảo Fraser đã từng là nơi sinh sống của con người cách đây 5.000 năm. Thuyền trưởng James Cook đã phát hiện ra hòn đảo vào tháng 5 năm 1770. Tiếp sau đó, Matthew Flinders đã hạ cánh xuống gần điểm phía bắc của hòn đảo vào năm 1802.

Trong khoảng thời gian ngắn, hòn đảo được biết đến như là đảo Great Sandy. Hòn đảo này được gọi là Fraser do những câu chuyện về một người sống sót trong vụ đắm tàu tên là Eliza Fraser. Ngày nay, nó là một điểm du lịch phổ biến được nhiều người ghé thăm.

Fraser là thiên đường của của những tín đồ mê lái xe địa hình (offroad), hội xê dịch mê các điểm đến hoang sơ. Trên đảo không có nhiều dịch vụ du lịch để bảo tồn cảnh quan tự nhiên. Đường sá hầu như không trải nhựa, nhiều đoạn sình lầy, đất cát rất khó đi.

Dingo - loài chó hoang hung dữ ở Australia

Dingo - loài chó hoang hung dữ ở Australia

Mặc dù có vẻ đẹp hoang sơ và hấp dẫn bậc nhất thế giới, nhưng rất ít người dám đến đây tắm biển, nghỉ mát. Bởi lẽ, ẩn dưới làn nước trong xanh kia là những "sát thủ đáng sợ", chúng là sứa hộp, cá mập và rất nhiều cá sấu đói khát.

Không những thế, ở trên cạn, nơi những dải cát mịn trải dài hàng trăm km là hàng trăm con chó Dingo hung dữ (loài chó hoang duy nhất tìm thấy tại Australia, chúng được mệnh danh là kẻ săn mồi bậc thầy và là động vật ăn thịt trên cạn lớn nhất của Australia).

Những bãi biển đáng sợ trên thế giới

Bãi biển New Smyrna
Kênh National Geographic (Mỹ) cho biết, bãi biển New Smyrna chính là "trung tâm cá mập tấn công của thế giới".Giới khoa học đã gọi vùng biển thường xuyên xảy ra các vụ cá mập trắng tấn công tại bang Floria là "Vùng tam giác đỏ".Tuy nhiên, không thể phủ nhận vùng biển của bang Florida là "thiên đường" của các môn thể thao dưới nước như lướt sóng, lướt thuyền máy, bơi lội...

Bãi biển Cairns
Không phải cá mập là kẻ khiến dân du lịch tránh xa bãi biển Cairns ở phía đông bang Queensland, "sát thủ đại dương" này chỉ nhỏ bằng bàn tay người. Chúng được gọi với cái tên: Chironex Fleckeri.Chironex Fleckeri là tên loài sứa độc, với hàng nghìn nọc độc chứa ở những chiếc xúc tu dài hàng mét, có khả năng khiến con người đau đớn, hôn mê, thậm chí tử vong trong vài phút.
Vì lẽ đó, chúng được gọi với cái tên "Bàn tay thần chết". Khoa học xác nhận, sứa độc Chironex Fleckeri là loài gây tử vong nhiều nhất trên thế giới. Tính từ năm 1884 đến 1996, 63 trường hợp tử vong được ghi nhân.

Bãi biển Playa Zipolite
Không phải cá mập, cũng không phải sứa độc, "sát thủ đáng sợ" tồn tại tại bãi biển Playa Zipolite ở bờ biển phía nam bang Oaxaca (Mexico) là dòng nước chảy xiết và những con sóng khổng lồ. Được mệnh danh là "Bãi biển chết", rất ít tay bơi lội, lướt sóng kỳ cựu nào dám khẳng định mình tại bãi biển gây nhiều tai nạn bậc nhất thế giới này.

Bãi biển Gansbaai
Đây là bãi biển có mật độ cá mập dày đặc nhất trên thế giới, trung bình có một con cá mập trắng trên một mét khối nước! Mặc dù không có du khách dám tắm tại đây, tuy nhiên, các hoạt động ngắm cá mập và cá voi trên du thuyền lại rất hấp dẫn khách du lịch.

Bãi biển Kauapea
Nơi đây được mệnh danh là "Thiên đường và địa ngục trên Trái Đất". Người ta không thể phủ nhận vẻ đẹp hoang sơ đầy bí ẩn của bãi biển nằm tại Kalihiwai, Hawaii. Tuy nhiên, do nằm gần khu vực núi lửa hoạt động, nên nhiệt độ nước tại bãi biển này lên tới 43 độ C. Chính vì thế, du khách đến đây thường có các hoạt động như tắm nắng, picnic, lướt sóng...

Đảo Reunion (Pháp)
Hòn đảo nhiệt đới ngoài khơi bờ biển phía đông Madagascar này là một điểm du lịch nổi tiếng, đặc biệt là lướt sóng, nhưng xuất hiện rất nhiều sự tấn công của cá mập (ít nhất là 20 lần kể từ năm 2011) đã dẫn đến 8 cái chết, gần đây nhất là cuộc tấn công vào một người lướt sóng vào tháng 2 / 2017.

Praia da Boa Viagem (Recife, Brazil)
Ít nhất 56 người đã bị cá mập giết chết ở Recife kể từ năm 1992 và tỷ lệ tử vong của các vụ tấn công cá mập ở đây là cao nhất thế giới, khoảng 37%. Một tuyến đường di cư cách bờ biển 800m đưa cá mập đến những vùng biển này với số lượng lớn.

Darwin (Úc)
Bầy sứa hộp nọc độc xuất hiện nhiều trong khoảng tháng 10 và tháng 5 hằng năm ở khu vực này, nhưng cá sấu là một vấn đề quanh năm, và tất nhiên, cũng có những con cá mập. Nếu bạn tình cờ ở Darwin và muốn bơi, chỉ làm điều đó tại các bãi biển được tuần tra và luôn chú ý đến các cảnh báo từ nhân viên cứu hộ.

Bãi biển Girgaum Chowpatty (Mumbai, Ấn Độ)
Vùng nước ven biển Mumbai cực kỳ ô nhiễm do nước thải chưa được xử lý bị xả thẳng ra đại dương. Girgaum Chowpatty, một bãi biển du lịch nổi tiếng, là một trong những bãi biển ô nhiễm nhất thế giới, với nồng độ vi khuẩn coliform trong phân và nước rất cao.

Bãi biển Copacabana (Rio de Janeiro, Brazil)
Bãi biển nổi tiếng nhất Rio de Janeiro thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, nhưng hãy chú ý đến những mối nguy hiểm đang chờ đợi bạn ở đó: mức độ vi khuẩn cao trong cả cát và nước và thường xuyên xảy ra tội phạm, đặc biệt là trộm cắp.

Đảo san hô Bikini (Quần đảo Marshall của Hoa Kỳ)
Vẻ đẹp của hòn đảo ở Micronesia này che giấu một lịch sử chết chóc của các vụ thử vũ khí hạt nhân do Quân đội Hoa Kỳ thực hiện từ năm 1946 đến 1958. Do đảo san hô vẫn bị ô nhiễm quá mức và thực phẩm được trồng tại địa phương không an toàn để ăn, nên du lịch khá hạn chế, mặc dù khu vực này rất phổ biến với các thợ lặn.

Phát hiện biển sôi kỳ lạ ở Siberia

Các nhà khoa học Nga vừa phát hiện ra một vùng biển với các bong bóng khí dày đặc dưới lớp băng nhìn như nước sôi ở vùng biển phía Bắc Bắc Cực.

Nhà nghiên cứu Serge Nikiforov là người đầu tiên phát hiện ra sự bất thường khi nhìn thấy một đốm màu ngọc lục bảo trên nền nước tối. Sau đó là hàng loạt các bọt khí có diện tích từ 4 đến 5 mét vuông.

Giáo sư Igor Semiletov, người đứng đầu đoàn thám hiểm của Đại học Bách khoa Tomsk đã thốt lên rằng đó là sự phát thải khí mêtan lớn nhất mà ông từng thấy. Đài phun nước được xác định có nồng độ mêtan cao gấp 9 lần so với mức trung bình của hành tinh.

Sau ba ngày nghiên cứu kỹ hiện tượng kỳ lạ này, các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu vùng biển Laptev ở Bắc Cực trong chuyến thám hiểm.

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến hiện tượng có thể là do một lượng lớn khí bị khóa bên trong đất đóng băng của Siberia và dưới các hồ đã bị rò rỉ kể từ khi kết thúc kỷ băng hà trên Trái đất khoảng 10.000 năm trước.

Thực tế, trong vài thập kỷ qua, khi Trái đất nóng lên, các chuyên gia cho rằng mặt đất băng giá đã bắt đầu tan nhanh hơn. Điều này đẩy nhanh quá trình giải phóng khí methane - một loại khí nhà kính mạnh gấp 23 lần so với carbon dioxide với tốc độ nguy hiểm.

Châu Anh (t/h)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/bai-bien-dai-nhat-hanh-tinh-nam-o-dau-sao-chang-ai-dam-den-tam-1622188.tpo