"Có rất nhiều bãi biển dài khoảng một km mà chúng ta có thể tận dụng để phát huy hiệu quả tác chiến của máy bay MC-130 và CV-22", lãnh đão Bộ tư lệnh Tác chiến đặc biệt của không quân Mỹ (AFSOC), tướng Bauernfeind nói.
Phát biểu của tướng Tony Bauernfeind được đưa ra bên lề hội nghị thường niên của Hiệp hội lực lượng Không quân và vũ trụ (AFA) tuần trước.
Washington đang nghiên cứu khả năng sử dụng các bãi biển tại Thái Bình Dương làm đường băng, qua đó mở rộng số lượng sân bay dã chiến của Mỹ trong khu vực.
Tướng Bauernfeind cho biết việc mở rộng số lượng sân bay là cần thiết, do các căn cứ không quân của Mỹ ở nước ngoài sẽ là mục tiêu mà đối thủ ưu tiên phá hủy nếu xung đột xảy ra.
"Chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào các căn cứ cố định như Bagram, Kandahar, Balad hay Al Udeid ở Trung Đông", tướng Mỹ nhận định.
Không quân Mỹ gần đây đẩy mạnh áp dụng chiến lược Triển khai tác chiến linh hoạt (ACE), với trọng tâm là phân tán máy bay và khí tài ở nhiều căn cứ khác nhau để hạn chế thiệt hại trong trường hợp bị tập kích bất ngờ.
Tại khu vực Thái Bình Dương, Mỹ không có nhiều địa điểm phù hợp để xây dựng đường băng dài kiểu truyền thống.
Vì thế việc tận dụng bãi biển làm sân bay dã chiến sẽ giúp không quân Mỹ mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực.
Đây không phải là phương pháp mới, do Mỹ và một số nước từng nhiều lần cho máy bay hạ cánh xuống các bãi biển ở châu Âu.
"Chúng tôi sẽ làm việc với các kỹ sư để tìm hiểu xem liệu các bãi biển ở Thái Bình Dương có phù hợp để biến thành sân bay dã chiến như ở châu Âu hay không", tướng Bauernfeind cho biết.
Được biết, CV-22 là biến thể sửa đổi từ mẫu V-22 Osprey giành cho Bộ tư lệnh Tác chiến đặc biệt của không quân Mỹ (AFSOC).
V-22 Osprey là loại máy bay đặc biệt được Lầu Năm Góc phát triển từ năm 1983.
Loại máy bay này ra đời với mục đích tạo ra chiếc máy bay phản lực có thể hoạt động ở các địa hình nhỏ hẹp, từ trong rừng rậm cho đến các đường băng dã chiến cực ngắn và các tàu sân bay trực thăng nhỏ.
Lầu Năm Góc đã chi tới 56 tỷ USD cho toàn bộ chương trình phát triển, chế tạo chiếc máy bay đặc biệt này.
Với hệ thống động cơ và trang thiết bị phức tạp, cùng quá trình nghiên cứu và phát triển đắt đỏ, mỗi chiếc máy bay này có giá lên đến gần 100 triệu USD.
V-22 Osprey là sự kết hợp hoàn hảo giữa một máy bay trực thăng và máy bay phản lực với tầm hoạt động rộng, tốc độ cao và khả năng vận hành linh hoạt.
Loại máy bay này có tốc độ tối đa 565 km/h, trần bay 7.520 m, tầm hoạt động 1.627 km hoặc 3.590 km với thùng dầu phụ.
Khi cất cánh thẳng đứng xong, máy bay sẽ xoay ngang cánh 90 độ để biến hình thành máy bay cánh bằng. Khi cần thiết chúng lại có thể gập cánh chứa hai động cơ lại ngang thân nhằm tiết kiệm diện tích.
Hệ thống điện tử và các cảm biến hiện đại trên máy bay cho phép cảnh báo các mối đe dọa đang nhắm tới cho phi công, để họ kịp thời có biện pháp đối phó.
V-22 Osprey có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới hơn 27 tấn và tải trọng hữu ích lên tới 9 tấn.
Những chiếc V-22 Osprey có thể chở theo 24 binh sĩ với quân trang đầy đủ, và khi cần có thể tăng lên tối đa 32 binh sĩ.
Ngoài ra chúng có thể cẩu cơ động các loại lựu pháo và xe thiết giáp hạng nhẹ lên các trận địa một cách nhanh chóng.
V-22 Osprey được thiết kế để làm nhiệm vụ vận tải nên chúng chỉ được trang bị các súng máy cỡ nòng 12,7mm và 7,62mm.
Ngoài Mỹ thì còn có Nhật Bản cũng đang biên chế loại máy bay sở hữu thiết kế siêu dị này.
Những chiếc CV-22 được phát triển từ V-22 chính thức được nhận vào biên chế của AFSOC vào năm 2006.
So với V-22 thì những chiếc CV-22 được gia cố thân vỏ tốt hơn, trang bị hệ thống điện tử hiện đại hơn.
Mỹ cũng đã trang bị các hệ thống phòng thủ chủ động để đối phó với tên lửa phòng không vác vai, cũng như vũ trang hạng nhẹ cho những chiếc CV-22.