Bãi bỏ quy định về lao động công ích là phù hợp

Theo ý kiến của cử tri tỉnh Bến Tre, trước đây có Pháp lệnh quy định về nghĩa vụ lao động công ích nhưng sau đó quy định này hết hiệu lực, do vậy các công trình của địa phương không thể huy động được lao động tham gia. Cử tri đề nghị Nhà nước có quy định trở lại về việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích đối với công dân.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Bến Tre như sau:

Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (năm 2007) và Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020).

Tại Khoản 1 Điều 2 Công ước số 29 quy định “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc” là chỉ mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt nào đó và bản thân người đó không tự nguyện làm.

Tại Điểm b Điều 1 Công ước số 105 quy định về việc mọi nước thành viên của ILO gia nhập Công ước cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó như là biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế.

Về nghĩa vụ lao động công ích theo quy định Pháp lệnh số 15/1999/PL-UBTVQH10 ngày 3/9/1999 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “công dân Việt Nam, nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 35 tuổi, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hằng năm là trái với quy định của hai Công ước nêu trên.

Do vậy, việc bãi bỏ quy định về lao động công ích là phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/bai-bo-quy-dinh-ve-lao-dong-cong-ich-la-phu-hop/427194.vgp