Bài chòi cần được gìn giữ và phát huy
Nghệ thuật Bài chòi là di sản có giá trị nhân văn sâu sắc bởi nó gắn liền với đời sống tinh thần, các phong tục tập quán của người dân và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Bài chòi trong đời sống người dân Đà Nẵng
Đối với Đà Nẵng, từ lâu nghệ thuật Bài chòi là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật Bài chòi ở vùng Nam Trung bộ nói chung, TP Đà Nẵng vẫn được bảo tồn, lưu giữ, là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo và không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, dịp lễ hội, trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng địa phương. Hiện nay, nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng tồn tại chủ yếu dưới hình thức hô/hát bài chòi dân gian ở các quận, huyện trên địa bàn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn TP có khoảng 10 câu lạc bộ Bài chòi tập trung ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và đặc biệt là huyện Hòa Vang với tổng số người tham gia trên 200 người. Đà Nẵng có 5 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Nghệ nhân ưu tú về lĩnh vực Bài chòi.
Đà Nẵng đang tập trung phát triển loại hình nghệ thuật dân gian Bài chòi phục vụ công chúng và khách du lịch. Vào các tối thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, ở công viên phía đông cầu Rồng lại vang lên những làn điệu, câu hát Bài chòi, thu hút rất đông du khách cũng như người dân địa phương đến xem và thưởng thức.
Bà Nguyễn Thị Hội An - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng cho biết: “Bài Chòi là sản phẩm văn hóa có tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của TP. Đây cũng là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư. Di sản nghệ thuật Bài Chòi dân gian đang được bảo tồn và phát huy gắn với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP Đà Nẵng”.
Đừng để Bài chòi bị lãng quên!
Mặc dù nghệ thuật Bài chòi rất phổ biến, song trong đời sống ngày nay, loại hình nghệ thuật truyền thống này đang có nguy cơ bị lãng quên, mai một. Bài chòi dân gian đang đứng trước những thách thức nhất định, chịu tác động mạnh mẽ của các loại hình giải trí khác nên đang dần mất khán giả và vị thế vốn có của nó.
Nhạc sĩ Trần Hồng - nguyên Trưởng phòng Văn nghệ, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết: “Nghệ thuật Bài chòi xứng đáng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một vinh dự hết sức to lớn, nên cần gìn giữ, quảng bá, nhân rộng, phổ cập nghệ thuật Bài chòi vào sâu trong cộng đồng, nhân dân”.
Những năm gần đây, phong trào chơi Bài chòi, hội Bài chòi diễn ra quanh năm, từ thành thị đến nông thôn, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Khi nghệ thuật Bài chòi chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã mở ra cơ hội mới cho chính quyền và người dân phát huy nhiều hơn nữa giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này. Các học giả, các nghệ nhân cũng đưa được nhiều công trình nghiên cứu nhằm phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa nghệ thật này.
Bên cạnh đó, cần có sự sáng tạo trong kỹ năng biểu diễn Bài chòi nhằm tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho người xem và khách du lịch. Cũng nên đưa nghệ thuật Bài chòi vào các tour du lịch để từng bước tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo của Đà Nẵng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bai-choi-can-duoc-gin-giu-va-phat-huy-330335.html