Bài cuối: Biến 'sỏi đá thành cơm'

Cấp ủy vào cuộc; chính quyền quyết liệt; người dân nỗ lực… Tất cả sự chung sức, đồng lòng đó cùng với sự trợ lực của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm chủ các mô hình kinh tế cho thu nhập cao.

Từng người nỗ lực

Điều dễ nhận thấy, ở huyện Quảng Ninh là không chỉ cấp ủy, chính quyền hay các tổ chức Hội, đoàn thể quyết tâm mà mỗi hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách cũng rốt ráo vào cuộc. Chính bởi thế, từ một huyện nghèo, thuần nông, thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ, Quảng Ninh đã vươn lên, bảo đảm cuộc sống cho các tộc người Kinh và đồng bào Vân Kiều. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn cũ) là 11% thì đến cuối 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện chỉ còn 4,22%.

Anh Hồ Văn Khóa, người đồng bào Vân Kiều, ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân là một ví dụ. Trước đây, anh Khóa vay vốn hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để chăn nuôi bò sinh sản; qua từng năm, nhận thấy chăn nuôi bò sinh sản đang là hướng đi thu hút nhiều hộ nông dân đầu tư nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống, gia đình anh Khóa đã kịp thời nắm bắt kiến thức trong cách chọn bò giống sinh sản, áp dụng tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh ở đại gia súc nên đàn bò của gia đình khỏe mạnh, ít bệnh, tăng trọng nhanh và mau chóng giúp gia đình thoát nghèo. Hiện nay, đàn bò của gia đình anh Khóa có 10 con bò mẹ sinh sản, ít nhất 2 năm lại cho 3 lứa bò con.

Gia đình chị Hồ Thị Quế, dân tộc Vân Kiều, bản Chân Trộng, xã Trường Sơn là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo của xã, không có việc làm ổn định nên cuộc sống rất khó khăn.

Các chương trình, chính sách mới luôn được NHCSXH Quảng Ninh niêm yết tại các Điểm giao dịch. Ảnh: T. Ngọc

Năm 2022, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, chị Hồ Thị Quế vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Quảng Ninh để chăn nuôi trâu sinh sản. Chịu khó học hỏi và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, đàn trâu được chăm sóc đúng cách và phòng bệnh tốt nên mang lại nguồn thu nhập khá. Từ 2 con trâu sinh sản ban đầu, đến nay gia đình chị Quế đã mở rộng quy mô chuyên cung cấp con giống cho bà con trong vùng. Mỗi năm, từ mô hình chăn nuôi, gia đình chị Quế thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương, thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh là 1 trong những tấm gương điển hình trong phát triển sản xuất chăn nuôi của địa phương. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo của xã, kinh tế vô cùng khó khăn, năm 2022, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, chị Nguyễn Thị Phương vay 80 triệu đồng từ NHCSXH huyện Quảng Ninh để nuôi bồ câu sinh sản. Từ 50 cặp bồ câu ban đầu, đến nay, gia đình chị Phương đã mở rộng quy mô xây chuồng trại, phát triển mô hình nuôi 400 cặp bồ câu. Mỗi năm, từ mô hình chăn nuôi, gia đình chị thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

10 năm Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống, đời sống người nghèo ở Quảng Bình nói chung, huyện Quảng Ninh nói riêng đã có bước chuyển đáng nể. Chỉ thị 40 đã làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là người nghèo.

Thông qua Chỉ thị 40, nguồn vốn ưu đãi dành cho các đối tượng chính sách tăng trưởng nhanh chóng, tác động mạnh mẽ đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, với huyện nông nghiệp như Quảng Ninh, nguồn ưu đãi do NHCSXH huyện thực hiện đã đóng góp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh. Tính chung giai đoạn 2014 - 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện tăng bình quân trên 4%/năm, sản lượng lương thực trên 30 vạn tấn, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 53,6%...

Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, NHCXH huyện đã thực hiện giải ngân 1.249 tỷ đồng với hơn 32.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Qua đó, giúp gần 6.500 hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo và 20.000 lao động được tạo thêm việc làm mới. Đặc biệt, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện cũng được khôi phục, như rượu Võ Xá của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh rượu làng nghề Võ Xá; khoai deo Hải Ninh của HTX Sản xuất và chế biến khoai deo Hải Ninh...

Bên cạnh đó, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH luôn đồng hành, góp phần phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 18 sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Nhiều nông sản trên địa bàn đã tạo được thương hiệu, như cá bờm trắng, tôm khô (HTX Sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn), mắm ruốc Xuân Hồng (HTX Mua bán chế biến thủy hải sản Xuân Hồng), mật ong Trường Xuân (HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân), cao cà gai leo Bắc Tiến (HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến)… Nguồn vốn ưu đãi cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, nuôi trồng thủy hải sản và các ngành nghề khác.

Có thể nói, Chỉ thị 40 đã thổi làn gió mới vào các vùng khó khăn, làm thay đổi nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Biến các chương trình tín dụng trở thành điều kiện hết sức cần thiết để phát triển sản xuất.

Trên thực tế, việc một bộ phận lớn người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang thức dậy một thị trường sản xuất hàng hóa và tiêu thụ rộng lớn, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/bai-cuoi-bien-soi-da-thanh-com-i378719/