Bài cuối: Chia tay từ biển, đi lên từ hướng biển
Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân ở Nam Bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc (thị trấn Trần Văn Thời), kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau. Thời gian yên bình, tự do,… trong 200 ngày tập kết tuy không dài, nhưng là tiền đề để cấp ủy, chính quyền cách mạng tại Cà Mau củng cố sức dân, gầy dựng lực lượng và chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho cuộc kháng chiến lâu dài, góp phần cùng với nhân dân cả nước đi đến ngày toàn thắng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Trung ương Cục niềm Nam, việc bố trí, sắp xếp lực lượng đi tập kết được Tỉnh ủy cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo, coi việc tập kết là một sự bố trí lực lượng để thực nhiệm vụ cách mạng mới, xác định rõ đi hay ở đều là nhiệm vụ cách mạng với tinh thần “đi là thắng lợi, ở là quang vinh”.
Đi là thắng lợi, ở là quang vinh
Những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam tập kết ra bắc đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng và đồng bào các tỉnh phía bắc đón nhận, cưu mang, đùm bọc, tạo mọi điều kiện hỗ trợ sớm ổn định cuộc sống, tạo công ăn, việc làm, học tập, lao động và tham gia chiến đấu, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến nay, nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cán bộ cấp cao, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn - nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Trong số này, có đến 2 Anh hùng phi công (đều là người tập kết và là dân Cà Mau) là Lâm Văn Lích và liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B).
Lật lại cuốn kỷ yếu đã phai màu theo thời gian, bác Nguyễn Anh Sơn (86 tuổi, anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy), hiện ở phường Tân Xuyên (thành phố Cà Mau) kể, sau khi tập kết ra bắc lúc năm 16 tuổi, bác Sơn được học ở trường học sinh miền nam, sau đó đi học đại học ở Liên Xô, rồi trở về công tác ở miền bắc. Được một thời gian, bác Sơn đã lên đường “đi B”, chiến đấu cho đến ngày bắc-nam sum họp một nhà.
“Thế hệ trẻ của chúng tôi hồi ấy đi tập kết xác định rất rõ, không phải ra bắc, tạm xa miền nam là để sẻ chia đất nước, mà là thực hiện nhiệm vụ, vì mục tiêu mai này đất nước được thống nhất, non sông liền một dải” – Bác Sơn quả quyết.
Cùng cách nghĩ trên, bác Bùi Long Vân, thương binh 4/4 (ngụ xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho hay, khi ra bắc, bác được học sĩ quan ở Sơn Tây và học trường văn hóa. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đã thôi thúc và tiếp thêm động lực để bác ra sức học tập, tiếp thu thật nhiều kiến thức nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng về sau.
Bác Vân trải lòng: “Sống giữa tình quân dân đất bắc, chúng tôi được chăm lo những điều kiện học tập, sinh hoạt trong khả năng tốt nhất thời bấy giờ, nhưng kỷ luật quân đội và hành quân tập trận là vô cùng nghiêm khắc. Cũng nhờ đó mà khi quay về miền Nam, tôi và đồng đội có đủ sức, đủ trí để chiến đấu với quân thù”.
Sau khi trở về miền Nam, bác Vân là Trung úy của Tiểu đoàn U Minh 2, phụ trách điều khiển pháo binh, cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến ác liệt, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Đến năm 1974, bác bị thương nặng, được đưa về hậu phương nhưng vẫn tiếp tục làm việc và đóng góp cho quê hương Cà Mau cho đến ngày toàn thắng.
Xác định rõ “ở hay đi đều là nhiệm vụ”, nên khi ra bắc vào năm 13 tuổi, cô bé Đàm Thị Ngọc Thơ ngày ấy đã quyết tâm học tập, trưởng thành, trở thành nhà giáo. Được trang bị tốt kiến thức nên khi về lại quê hương Cà Mau, cô Thơ trở thành Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hồ Thị Kỷ, sau đó được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
70 năm đã lùi xa nhưng đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện tập kết, cô Thơ vẫn còn cảm xúc trào dâng: “Trong lòng miền Bắc, tôi đã lớn lên, trưởng thành trong sự yêu thương, đùm bọc của mọi người. Những tình cảm ấy, những học sinh miền Nam như chúng tôi mãi mãi không thể quên”.
Bến cũ…, ngày mới
Cửa biển Sông Ðốc chứng kiến bao cuộc tiễn đưa, hẹn 2 năm sau trở về nhưng có những lứa cán bộ, học sinh…, ngày trở về đến tận hơn 20 năm hoặc đi mãi…!
70 năm trôi qua, bến tập kết ngày ấy tuy vẫn còn in đậm những ký ức ngày đưa tiễn, nhưng ở thời khắc hiện tại đã có nhiều đổi thay theo chiều hướng tích cực. Từ một cửa sông với những làng chài nhỏ năm nào, Sông Đốc giờ đã thành thị trấn biển sầm bậc nhất ở Cà Mau với dân số hơn 67.000 người.
Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng kinh tế biển dồi dào, Sông Ðốc đã thu hút hơn 2.100 công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; đội tàu khai tác xa bờ hùng hậu bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1.140 phương tiện, sản lượng khai thác biển vào khoảng 85.500 tấn/năm…
Ngoài mũi nhọn là kinh tế biển và dịch vụ hậu cần nghề biển, Sông Ðốc còn được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, gắn liền với các di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống đặc sắc...
Hội tụ nhiều yếu tố, cả về văn hóa, lịch sử, tiềm năng kinh tế… nên thời gian qua, Sông Ðốc được Cà Mau ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện các hạ tầng thiết yếu, phấn đấu đưa quê biển này trở thành thị xã trong tương lai.
Ngay tại bến tiễn đưa năm xưa, sau gần 1 năm triển khai xây dựng, Cụm công trình tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 cũng vừa hoàn thành những công đoạn sau cùng, kịp phục vụ cho lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết, chính thức diễn ra vào tối nay (16/11).
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng, cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định bổ sung Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) vào Di tích lịch sử quốc gia Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn cuối năm 1949-1955) tại tỉnh Cà Mau.
Trong khi đó, bên dòng Chắc Băng năm xưa, cây vú sữa ngày trước má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi tặng Bác Hồ, đã được chiết nhánh từ cây vú sữa lớn ở Phủ Chủ tịch, mang về trồng trong khuôn viên Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Trí Phải. Nhờ vun trồng, chăm sóc tốt nên cây giờ đã sum xuê, trĩu quả…, như tấm lòng thủy chung, sắc son… của người dân Cà Mau nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung với Bác và tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền nam.
Để ghi nhận giá trị và ý nghĩa lịch sử, năm 2007, tại khuôn viên đất gia đình má Lê Thị Sảnh, chính quyền huyện Thới Bình cho xây dựng “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam”. “Công trình trên cũng vừa hoàn thành, tổ chức khánh thành và công bố xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 12/11, nhân chuỗi sự kiện Cà Mau kỷ niệm 70 năm tập kết ra bắc”, Bí thư Huyện ủy Thới Bình Huỳnh Quốc Hoàng chia sẻ.
Vượt lên sự tàn phá do bom, đạn của chiến tranh, suốt thời gian qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất một thời là trung tâm khu vực tập kết 200 ngày cách nay 70 năm đã không ngừng đoàn kết, chung sức, chung lòng… để có thêm nhiều thành quả mới.
Đến nay, 11/11 xã trên địa bàn huyện Thới Bình đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xã Trí Lực và Trí Phải nằm dọc tuyến kênh xáng Chắc Băng đang trên đường về đích xã nông thôn mới nâng cao, góp phần giúp huyện Thới Bình hoàn thành mục tiêu phấn đấu “về đích” huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Để có được những “quả ngọt” trên những vùng đất cách mạng và đậm dấu ấn lịch sử, suốt thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau đã phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế. Qua đó xác định rõ những mục tiêu trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hơi để có những giải pháp phù hợp, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng đồng thời gắn với bảo tồn và phát huy những giá trị về văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người Cà Mau, để nơi đây không phải là nơi đến mà là nơi tìm về trong lòng du khách thập phương.
Và xa hơn, nơi cuối cùng cực nam Tổ quốc trở thành nơi đi đầu trong trục phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-cuoi-chia-tay-tu-bien-di-len-tu-huong-bien-post845205.html